Hôm nay thực thi quản lí thuê bao di động trả trước.

Hôm nay (1/6) thông tư về quản lí thuê bao di động trả trước của Bộ Thông tin và Truyền thông bắt đầu có hiệu lực. Quy định đưa ra nhằm quản lí tình trạng tin nhắn rác, lừa đảo đang hoành hành.

Theo quy định của thông tư 04, do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành và được áp dụng bắt đầu từ ngày 1/6, khách hàng viễn thông không được dùng chứng minh thư, hộ chiếu để đăng kí thông tin cá nhân hộ người khác. Đồng thời, thông tư này cũng cấm kích hoạt dịch vụ di động trả trước khi chính chủ chưa đăng kí thông tin theo quy định.

Nếu chủ thuê bao có SIM đã kích hoạt, chuyển quyền sử dụng cho người khác thì người nhận phải đăng kí lại thông tin thuê bao chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận chuyển quyền.

Theo dự báo của cơ quan chức năng, khi thông tư lần này có hiệu lực và được triển khai triệt để, số lượng thuê bao trả trước của các nhà mạng sẽ sụt giảm khá mạnh và đưa thị trường trở về trạng thái thực. Đồng thời, việc siết chặt quản lí thuê bao trả trước sẽ góp phần tiết kiệm kho tài nguyên số, giúp nhà mạng thu hồi lại các SIM ảo đang bị chiếm dụng bởi đại lí và giới buôn chuyên “găm” SIM, “thổi giá”.

Trước đó, Bộ đã nhiều lần ban hành các quy định, thông tư về quản lí thuê bao di động. Cụ thể, tất cả khách hàng phải đăng kí thông tin cá nhân khi mua và kích hoạt SIM, nhà mạng thu hồi số di động có thông tin ảo hoặc khống hay một thuê bao không được sở hữu quá 18 SIM di động...Tuy nhiên, trong thời gian qua, các đại lí vẫn tìm cách "lách" để khách hàng không cần khai báo thông tin cũng có thể mua bán SIM một cách dễ dàng. Cùng đó, do sức ép của “cuộc chiến” phát triển thị trường, tăng thuê bao, các nhà mạng liên tục đưa ra những chương trình khuyến mãi rầm rộ, dẫn đến thực trạng một người sở hữu đến cả chục số SIM rác.

Hệ quả là hàng loạt tiêu cực đã nảy sinh từ thuê báo rác như: tin nhắn rác, tin quảng cáo, khuyến mãi lừa đảo, dung tục, mê tín dị đoan, cờ bạc, thậm chí là đe dọa, khủng bố... Bên cạnh đó là nạn hoành hành của các đối tượng trộm cước viễn thông - nhất là trộm cước viễn thông quốc tế (chuyển cuộc gọi từ nước ngoài thành cuộc gọi trong nước), trong đó đa số đối tượng trộm cước đều sử dụng SIM “vô chủ” để thực hiện.

Theo Dân Trí




Bình luận

  • TTCN (0)