Việc quy hoạch tần số hợp lý sẽ giúp các nhà mạng có thể triển khai mạng lưới một cách rộng khắp mà vẫn tiết kiệm chi phí.

Theo các chuyên gia về tần số, việc thống nhất và quy hoạch hài hòa, hợp lí tần số vô tuyến băng rộng giữa các quốc gia sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm, giảm giá thành đầu tư công nghệ, từ đó người dùng sẽ được sử dụng thiết bị đầu cuối với mức giá rẻ nhất.

Tại Hội thảo “Vô tuyến băng rộng và quản lí tần số đối với vô tuyến băng rộng” diễn ra sáng 8/6, ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho biết, trên thế giới có rất nhiều băng tần được đề xuất và để có thể xác định được băng tần nào tốt nhất cho phát triển băng rộng sẽ phải mất rất nhiều thời gian. Vì thế, đối với Cục Tần số Vô tuyến điện, việc lựa chọn băng tần cho vô tuyến băng rộng dựa trên các tiêu chí hài hòa về tốc độ, băng tần quy hoạch khả thi… Từ đó, 3 phương án băng tần mà Việt Nam có thể sử dụng bao gồm, băng tần 2,3 Ghz -2,6 Ghz, băng tần chuyển đổi từ các băng tần 2G đang sử dụng hiện nay (800/900/1800 MHz) sang sử dụng cho vô tuyến băng rộng, băng tần truyền hình tương tự (700 MHz) khi Việt Nam thúc đẩy số hóa truyền hình.

Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, việc quy hoạch tần số phải thực hiện hài hòa, cân đối và được số đông các nước lựa chọn, đưa vào sản xuất đại trà. Khi đó, người dùng sẽ được sử dụng vô tuyến băng rộng với mức giá rẻ nhất, còn bản thân các nhà mạng cũng sẽ được đầu tư công nghệ với mức giá thấp nhấp. “3 phương án tần số vô tuyến băng rộng mà Cục đưa ra đã bám sát các xu hướng trên thế giới và khu vực”, ông Hoan cho biết thêm.

Cùng quan điểm với ông Hoan, bà Chris Perera, Giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề về Chính sách và Quản lí Dải tần khu vực châu Á – Thái Bình Dương của tổ chức GSMA cho biết, việc quy hoạch hài hòa giữa các quốc gia sẽ giúp giảm giá thành thiết bị đầu cuối vì không phải tích hợp quá nhiều công nghệ và có thể sản xuất hàng loạt cũng như giảm nhiễu tại vùng biên giới.

Ngoài ra, mỗi quốc gia khi quy hoạch triển khai tần số hợp lí sẽ giúp các nhà mạng có thể triển khai mạng lưới một cách rộng khắp mà vẫn tiết kiệm chi phí. Bởi vì, các băng tần số thấp (700 MHz - 900 MHz) đồng nghĩa với việc cần xây dựng ít trạm BTS hơn nhưng diện phủ sóng vẫn rộng, vì vậy công nghệ này phù hợp với các khu vực nông thôn, vùng sâu, hẻo lánh. Ngược lại, các tần số cao (1800 MHz - 2600 MHz) sẽ đáp ứng được yêu cầu về dung lượng cao nên phù hợp với khu vực thành thị. “Như ở nước Mỹ, việc áp dụng chính sách cân đối tần số di động đã giúp GDP nước này tăng thêm 1,07 tỉ USD. Việc chậm trễ cân đối tần số ngược lại sẽ ảnh hưởng nặng nề tới cả GDP cũng như thị trường việc làm”, bà Perera dẫn chứng.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai cho biết, việc phát triển thông tin vô tuyến nói chung và vô tuyến băng rộng nói riêng luôn gắn liền với quy hoạch băng tần, nghiên cứu công nghệ, định hướng cho các doanh nghiệp tiếp cận phổ tần số vô tuyến điện và công nghệ mới, hướng đến việc cung cấp cho thị trường các dịch vụ vô tuyến tiềm năng lớn. Do đó, quản lí tài nguyên tần số đang là vấn đề cấp thiết nhằm tạo ra môi trường đáp ứng các nhu cầu đa dạng trong xu thế phát triển của các công nghệ vô tuyến mới và sự cạnh tranh trong môi trường viễn thông. Mặt khác, xu thế quản lí tần số đã chuyển dịch từ quản lí chủ yếu bằng các quy định kĩ thuật sang quản lí tần số bằng chính sách trên cơ sở kinh tế trong việc phân bổ tài nguyên tần số.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều diễn giả quốc tế đến từ Intel, Nokia Siemens, Ericsson, Samsung, Huewei, Qualcomm và NTT DoCoMo. Đây là dịp để các nhà quản lí, doanh nghiệp viễn thông và các nhà cung cấp thiết bị trao đổi về định hướng quy hoạch tần số, định hướng công nghệ và dịch vụ. Đồng thời, giúp cho các cơ quan quản lí tần số, viễn thông Việt Nam có cái nhìn rõ hơn về xu hướng phát triển công nghệ, xu hướng hài hòa tần số trên thế giới và khu vực, tiềm năng và định hướng phát triển những năm tới.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, sự đóng góp của các dịch vụ dữ liệu băng rộng đối với sự tăng trưởng kinh tế là rất lớn. Nếu phát triển thêm 10% dân số truy cập băng rộng sẽ tương đương với mức tăng trưởng GDP bình quân là 1,21% ở các nước phát triển và 1,38% ở các nước đang phát triển.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)