Với lệnh cấm tới đây của châu Âu trong việc sử dụng chuột và động vật vào việc thử nghiệm các sản phẩm mỹ phẩm, các hãng sản xuất mỹ phẩm bắt đầu đi tìm kiếm các giải pháp công nghệ cao thay thế. Một vi mạch điện tử giả phỏng cơ chế phản ứng của người là một trong những giải pháp như vậy.

Thử nghiệm trên động vật

Các tiến bộ vượt bậc trong y học từ những loại vắc xin cho tới các van tim nhân tạo đã ghi nợ rất nhiều từ các loài động vật như chuột, thỏ, chó, lợn và khỉ. Các loại động vật mà đa phần là chuột thường xuyên được sử dụng như một mẫu thử tính độc hại của các hóa chất tổng hợp. Điều này đã và đang giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự an toàn và hiệu quả của các sản phẩm y học mới đối với con người.

Tuy nhiên, các thử nghiệm trên động vật vẫn có thể gây nhiều nghi vấn và các nhà nghiên cứu luôn đặt ra câu hỏi liệu các phản ứng trên cơ thể động vật có phản ánh đúng những gì có thể xảy ra đối với con người. Bên cạnh đó, công chúng đang ngày càng có phản ứng mạnh mẽ về việc thử nghiệm trên động vật, đặc biệt là việc gây đau đớn trên cơ thể chúng khi kiểm nghiệm các sản phẩm như son môi hay kem đánh màu mắt.

Một làn sóng phản đối đã lan rộng dọc các quốc gia bên bờ Đại tây dương khiến cho Liên minh châu Âu phải ban hành một đạo luật có hiệu lực từ tháng 3 năm 2009 nhằm cấm các thử nghiệmi các sản phẩm mỹ phẩm trên cơ thể động vật.

Giải pháp thay thế

Trước tình hình lệnh cấm có thể sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động của ngành sản xuất mỹ phẩm, các nỗ lực tìm kiếm các giải pháp thay thế động vật trong thí nghiệm đã được tiến hành.

Jonathan Dordick tại phòng thí nghiệm của Học viện bách khoa Rensselaer (Mĩ) đã cùng đồng nghiệp của mình phát triển một vi mạch điện tử có chứa hàng trăm các chấm trắng phủ trên đó là các tế bào của người và các loại enzym.

Vi mạch này được thiết kế ra nhằm giả phỏng các phản ứng của con người đối với các hợp chất hóa học có nguy cơ độc hại để từ đó có thể thay thế cho các con vật dùng trong thí nghiệm khi tiến hành các cuộc kiểm nghiệm sản phẩm mới trong y học, mỹ phẩm.

Vi mạch bao gồm hai lớp. Lớp thứ nhất có tên gọi MetaChip gồm nhiều hàng chứa một số các ô nhỏ enzym gan người. Lớp thứ hai có tên gọi DataChip. Lớp này cũng gồm các dãy ô nhỏ chứa các tế bào bàng quang, gan, thận, tim, da hay phổi. Những thành phần này sẽ tùy thuộc vào mục đích của các thử nghiệm. Hai lớp vi mạch được kết hợp với nhau, tạo ra một hệ giả phỏng các phản ứng của con người đối với hóa chất. Nếu các tế bào ngưng hoạt động sau thử nghiệm, nghĩa là đã có dấu hiệu của hóa chất độc hại

Dordick và nhóm nghiên cứu đã đề ra kế hoạch thương mại hóa loại vi mạch này vào thời điểm trước năm 2009 thông qua công ti của họ, Solidus Biosciences. Nhóm nghiên cứu hi vọng các sản phẩm vi mạch này sẽ là giải pháp thay thế hiệu quả và rẻ tiền cho các động vật dùng trong thí nghiệm.

Dordick nói "Không một ai nghĩ rằng các vi mạch này sẽ có thể thay thế hoàn toàn các động vật trong thí nghiệm nhưng khả năng kiểm nghiệm tính độc hại của vi mạch có thể sẽ phần nào làm giảm bớt lượng động vật bị chết và tổn thương trong các thí nghiệm"

"Vào cuối mỗi ngày, bạn sẽ thấy ít động vật bị chết hơn"

Nhận xét về các vi mạch, giám đốc Trung tâm các giải pháp thay thế thử nghiệm động vật tại đại học Johns Hopkins Alan Goldberg cho biết "Các giải pháp thay thế cho việc thử nghiệm trên động vật bao gồm da tổng hợp và mô phỏng trên máy tính. Tuy nhiên, các sản phẩm vi mạch giả phỏng luôn chứng tỏ ưu thế hơn cả bởi tính hiệu quả, nhanh chóng và sự dễ dàng trong sử dụng. Chắc chắn rằng đây sẽ là chiến lược cho tương lai"

Dordick cho biết hiện đã có một công ti dược phẩm và một hãng sản xuất mỹ phẩm đang tiến hành thử nghiệm các vi mạch và họ hi vọng rằng đến cuối năm 2009, Sodidus sẽ cho ra thị trường các loại vi mạch này.

Thành Việt (theo AP/CNN)



Bình luận

  • TTCN (0)