Sau khi có chính sách đổi giờ học giờ làm, có báo phản ánh hết tắc, có báo cho biết gây tắc thêm, cơ quan quản lí cũng không biết chính xác hiệu quả đến đâu.
Có tình trạng đó là do sự cảm tính từ khâu ra quyết định cho đến đánh giá kết quả. Công nghệ thông tin có thể giúp khắc phục những vấn đề như vậy.
Một cảnh sát giao thông có thể điều khiển để giảm tắc nghẽn ở ngã tư này nhưng người tham gia giao thông lại gặp tắc ở ngã tư tiếp theo do đi sai làn, do đèn giao thông không hợp lí hay do một trường học vừa tan giờ. Đó là do tầm quan sát của người cảnh sát giao thông bằng mắt thường chỉ giới hạn trong phạm vi 200 - 300m, thiếu sự hỗ trợ của hệ thống thông tin thời gian thực.
Với chính sách thay đổi giờ học giờ làm, ngày đầu tiên áp dụng, buổi sáng có báo đưa “đường thông hè thoáng, giảm ách tắc”, buổi chiều lại có báo đưa “giảm chỗ này, tắc chỗ kia”, người dân cũng mỗi người cảm nhận một kiểu, người thấy hết tắc, người thấy vẫn tắc. Cơ quan quản lí cũng không hơn gì người dân, họ cũng không thực sự biết chính xác liệu chính sách chia giờ đã mang lại hiệu quả đến đâu.
Tất cả những thực tế này do việc điều hành giao thông hiện tại vẫn dựa trên cảm tính.
Để giảm tình trạng tắc đường, theo các chuyên gia tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam (diễn ra 26, 27/6/2012 tại Hà Nội), đó phải là một chuỗi các giải pháp đồng bộ nhưng quan trọng hơn, đó không thể là các giải pháp nặng về cảm tính kiểu như chính sách phân làn, chia giờ đang được ngành giao thông áp dụng.
Đối với ý thức của người tham gia giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng có thể áp dụng xử lí bằng hình ảnh để việc tuyên truyền, cưỡng chế vi phạm hiệu quả hơn.
Theo TS. Trần Danh Lợi, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, dự báo về giao thông ở Việt Nam chưa chuẩn. Do đó, rất khó để đánh giá các biện pháp đưa ra phù hợp hay chưa. Chẳng hạn các chính sách chia giờ, thu phí, phân làn… là những giải pháp rất cơ bản mà các quốc gia đều triển khai. Nhưng khi áp dụng tại Việt Nam lại vấp phải sự phản đối từ người dân.
Để giảm ách tắc, bà Đỗ Tú Lan, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng cho rằng, cần sớm ứng dụng CNTT để khai thác hiệu quả hạ tầng hiện tại.
“Trước tiên, có thể triển khai hệ thống giao thông theo thời gian thực, trên cơ sở đó điều khiển đèn xanh đèn đỏ hợp lí. Chỉ thực hiện tốt việc này đã giải quyết được nhiều tình trạng ách tắc hiện nay. Rồi từ đó, phân tích lưu lượng xe, chủng loại xe (theo trọng tải…) để phân làn, phân tuyến hợp lí”, TS Bùi Mạnh Hải, Nguyên thứ trưởng Bộ KHCN bổ sung.
Tiến tới, trong quá trình quy hoạch giao thông đô thị, cũng rất cần các số liệu phục vụ công tác quy hoạch. Bà Lan cho biết các đối tác tư vấn nước ngoài khi làm việc cũng thường yêu cầu có con số tính toán về nhu cầu giao thông cho Hà Nội nhưng do không có dữ liệu nên thông tin chưa đầy đủ (hiện chủ yếu dùng phương pháp tính toán truyền thống).
Vì vậy, trong tương lai, để giải quyết tận gốc tình trạng tắc nghẽn giao thông, cần đưa CNTT vào phục vụ công tác thu thập dữ liệu, dự báo, quy hoạch.
Ông Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện KHCN VINASA cũng nhận định, vai trò của CNTT chính là giúp người lãnh đạo có dự báo chính xác thay vì cảm tính như hiện nay.
Theo PCWorld VN
Bình luận