Phút cuối cùng của ngày 30/6/2012 được định sẽ dài 61 giây, khi các nhà điều khiển thời gian thêm “1 giây nhuận” để bù cho những chuyển động lắc lư của Trái đất.
Động tác trên được thực hiện là nhằm bù cho sự phân kì dần dần của thời gian theo Mặt trời, có nghĩa là khoảng thời gian cần thiết để Trái đất hết một ngày.
Trái đất mất hơn 86.400 giây để hoàn thành một vòng quay 360 độ quanh trục của chính nó. Trái đất lắc lư trên trục của mình và bị ảnh hưởng bởi lực hút của Mặt trời, Mặt trăng cùng thủy triều đại dương. Tất cả những tác động này làm vòng quay của Trái đất không phải là 86.400 giây.
Kết quả là Trái đất bị trệch nhịp so với Thời gian nguyên tử quốc tế (TAI), dùng nhịp của các hạt nguyên tử để đo thời gian chính xác đến nhiều phần tỉ của một giây.
Việc điều chỉnh này bắt đầu vào năm 1972. Trước đó, thời gian được đo bằng vị trí của mặt trời hoặc các ngôi sao so với trái đất, theo Thời gian Greenwich (GMT) hoặc theo UT1. Đây là lần thứ 25 có sự can thiệp về “giây nhuận” đối với hệ thống thời gian UTC (giờ Zulu).
“Ngày nay thời gian được xây dựng, xác định, và đo đạc bằng đồng hồ nguyên tử, ổn định hơn rất nhiều thời gian dựa vào thiên văn học. Điều này cho phép chúng ta đảm bảo rằng mọi người trên trái đất có cùng thời gian chính xác”, Telegraph dẫn lời Noel Dimarcq, giám đốc của hệ thống thời gian - không gian SYRTE tại Đài quan sát Paris cho biết.
TAI được định bằng hàng trăm đồng hồ nguyên tử ở khắp thế giới, đo dao động của nguyên tử hóa học caesium, cho phép chúng ta phân chia một giây thành 10 tỉ phần nhỏ hơn.
Với sự chính xác như vậy “cứ 300 triệu năm mới mất đi một giây nguyên tử”, ông cho hay.
Mỗi khi có sự chênh giữa thời gian TAI và UT1 quá lớn, Cơ quan vòng quay trái đất và các hệ thống thời gian quốc tế IERS lại can thiệp và thông báo thực hiện “1 giây nhuận”, và thường được thông báo từ nhiều tháng trước.
3 lần thêm “giây nhuận” gần đây là vào năm 2008, 2005 và 1998. Năm 1972, các nhà khoa học đã thêm 2 lần “giây nhuận” vào ngày 30/6 và 31/12. Từ đó đến nay, trung bình 18 tháng lại có một giây nhuận, nhưng thời điểm thêm giây nhuận rất bất định, do nó phụ thuộc vào chuyển động của Trái đất.
Theo Dân Trí
Bình luận
Một ngày khác biệt