Mùa bóng EURO lăn cũng là mùa các cửa hàng buôn hàng công nghệ cũ được dịp ăn nên làm ra, bất kể đà lạm phát và ế ẩm giữa thời bão giá.
Mua của người chán, bán cho người cần
Đã từ lâu, Hà Nội hình thành nên những con phố lớn chuyên buôn hàng công nghệ... cũ như Đặng Dung, Lê Thanh Nghị hay Bạch Mai với sự tấp nập hiếm thấy của những mặt hàng này. Sau một vài năm hoạt động, giờ đây sự đông đúc xưa kia đã giảm hẳn khi ngày càng ít người mua.
Tuy nhiên, khoảng 2 tuần trở lại đây, thị trường đồ cũ tại các chợ này có dấu hiệu sôi động trở lại khi trái bóng EURO 2012 đã lăn được nửa giải đấu. "Lượng khách tăng đột biến trái với thời điểm tháng 4, tháng 5 vừa qua. Trung bình mỗi ngày tôi nhập vào hơn 20 máy điện thoại cũ và bán ra cũng vèo vèo, chỉ ngày một ngày hai là hết", anh Văn Khang, chủ một cửa tiệm tại Bạch Mai cho biết.
Theo ghi nhận, các loại máy bán ra chủ yếu tập trung ở các dòng smartphone từ trung đến cao cấp thuộc thương hiệu Apple, Samsung và Nokia. Các chủ hàng cũng chủ động nguồn nhập là các dòng máy dễ bán, dễ kiểm tra hơn và là hàng công ty còn bảo hành thay vì nhập vào ồ ạt, chỉ cần ép giá như trước kia.
Dạo qua các cửa hàng thì có thể thấy iPhone 4, 4S vẫn là mặt hàng được tút tát, bầy bán nhiều với đủ các mức giá khác nhau để khách hàng lựa chọn. Chị Vi, chủ cửa hàng cầm đồ Đặng Dung cho biết: "Giá thì tuỳ loại từ iPhone 4 lock cho đến 4S Quốc tế, giá dao động từ 6,5 triệu đến 12 triệu/máy, còn giá nhập vào thì cứ trừ đi 1,5 đến 2 triệu trên giá bán em ạ".
Với các mẫu máy cũ nhập vào, thường giá trị giảm khoảng 20 đến 30% so với giá bán hiện tại, một khoảng cách đủ an toàn để đẩy ra hoặc sang ngang cho cửa hàng khác ăn chút dôi dư gọi là "phế".
Thực tế cho thấy, ngoài lượng hàng được thu gom từ các khách lẻ thì các chủ hàng cũng có một hệ thống liên thông để mỗi khi khách có nhu cầu là lập tức được cung ứng, bất kì loại điện thoại, máy tính bảng nào cũng có.
Nhộn nhịp hàng "second hand"
Cứ bóng lăn là cầm đồ nhộn nhịp và điều này đã trở thành thông lệ. Ngoài những dân chơi bạt mạng, cắm nhà, cầm xe thì điện thoại, máy tính bảng trở thành những vật dụng phổ biến nhất tại các cửa hàng cầm đồ.
Ngoài ra, các dân buôn online cũng khá nhộn nhịp giao dịch thời điểm này và lượng hàng tăng đột biến nhưng được đẩy đi khá "trôi". Quách Tuấn, dân buôn trên mạng Muare chia sẻ: "Em nhập hàng chủ yếu là từ các khách lẻ rồi sau đó đẩy lại cho các cửa hàng chuyên đồ cũ ăn chênh. Máy nào tốt, nhập giá cao, mẫu đẹp thì em trực tiếp bán để thu lãi và hồi vốn nhanh. Trộm vía từ đầu mùa đến giờ thu được cũng được hơn chục triệu".
Thực tế thì không phải người bán nào cũng là những con bạc độ bóng khát nước. Phần nhiều khách hàng chọn thời điểm này làm thời điểm đổi điện thoại mới bởi xét theo tình hình chung, điểm rơi của giá các dòng sản phẩm đang khá cao và vì thế hàng điện thoại secondhand cũng giảm theo một biên độ nhất định.
Anh Lê Dũng, khách hàng đang ngắm chiếc iPhone 4S bản lock cho biết: "Chỉ tháng trước giá máy khoảng hơn 10 triệu nhưng đến tháng này giá hàng lướt đã chỉ còn hơn 9 triệu. Nếu chờ để giảm sâu hơn cũng khó và nay là lúc tốt nhất để mình lên đời từ iPhone 4".
Theo thống kê của các chủ hàng, càng sát các vòng trong của EURO, tỉ lệ khách đến bán máy cũ đổi máy... rẻ hơn càng nhiều, bởi theo nhận định của dân cá độ thì mùa EURO năm nay nhiều bất ngờ quá.
Hoàng "độ", chuyên gia chuyển bóng và đặt cửa than thở: "Em đen quá, nếu chỉ chuyển không thôi thì giờ chắc sắm được iPhone 4S với iPad mới rồi. Thế mà ham đánh theo cuối cùng giờ đến cái Nokia cũng chẳng dám dùng vì ghi sổ nợ với nhà cái nhiều quá rồi, suốt ngày bị truy".
Vậy là cùng nhịp của trái bóng lăn, thị trường đồ số cũ đã có một mùa buôn bán khá sôi động theo từng diễn biến của vòng chung kết EURO 2012.
Theo Vietnamnet
Bình luận