Giá cả leo thang, lãi suất tiết kiệm giảm... tạo nên một diện mạo u ám lây sang cả thị trường đồ số vốn đang mùa ra mắt sản phẩm mới.
Le lói và... vụt tắt
Lần lượt từ đầu quý 3 trở lại đây, các ông lớn như Nokia, Samsung, HTC và Sony đều tung ra những át chủ bài của năm 2012. Tuy nhiên, thay vì sự đón nhận hồ hởi của thị trường như cùng kì hàng năm, dường như năm nay các siêu di động bom tấn không đạt được sức hút như kì vọng.
Sau màn khởi động nhẹ nhàng từ đầu tháng 4, đến nay Nokia vẫn khá im lìm với dòng sản phẩm Windows Phone mặc dù đây được coi là canh bạc sống còn của hãng. Đảo qua các cửa hàng di động lớn ở Hà Nội như CellPhoneS, HoanghaMobile hay NhatcuongMobile, qua thăm dò thì lượng khách không mấy quan tâm đến các dòng sản phẩm này dù cùng một mức giá, điện thoại Nokia vẫn có cấu hình cao hơn một vài dòng máy Android.
Anh Trung Dũng, khách hàng đang định mua smartphone tại cửa hàng di động cho biết: "Lúc đầu tính lấy Lumia 700 nhưng sau một hồi thì mình chuyển sang dòng điện thoại Android vì nhu cầu của mình được đáp ứng tốt hơn. Màn hình và cảm ứng của máy Nokia mượt thật đấy nhưng hỗ trợ phần mềm của Windows Phone chưa cao khiến mình rất lăn tăn".
Cái dớp này ảnh hưởng đến cả sản phẩm Nokia Lumia 900 cao cấp nhất vừa ra mắt. Mặc dù đi kèm gói khuyến mại khủng, cùng mức giá bán ra khá ưu đãi, thực sự tại thị trường Hà Nội Nokia Lumia 900 không tạo được sức hút như mong chờ. Theo một nhân viên cửa hàng Viettel gần hồ Hoàn Kiếm cho biết, mặc dù nằm trong danh sách cửa hàng bán ra kèm khuyến mại nhưng lượng khách trong ngày 24/6 không cao, không có cảnh chen lấn để xếp hàng mua được máy kèm khuyến mại.
Cũng nằm trong tình cảnh "bom xịt", HTC One X sau 2 tháng bán ra cũng đã có những bước điều chỉnh giá nhất định, chỉ còn xấp xỉ 14 triệu hàng chính hãng và hơn 11 triệu hàng ngoài, trong khi giá thời điểm ra mắt là 16 triệu.
Điều đáng nói là, HTC là thương hiệu khá uy tín trong các dòng sản phẩm smartphone Android nhưng với việc để lại khoảng lặng cùng One X là một minh chứng rõ nét về sự xuống sức của thị trường, bất kể theo nhiều đánh giá khách quan sản phẩm này là một trong những smartphone tốt nhất thế giới tính tới thời điểm hiện tại.
Tại các diễn đàn như Muare, Tinhte, 5giay, Handheld... rất khó để tìm thấy các chủ đề rao bán siêu di động này bởi lẽ lượng hàng được các chủ hàng nhập về không cao do nhu cầu mua ít, dẫn đến việc lưu chuyển hàng hoá trên các kênh bán hàng trực tuyến rất thấp.
Cũng thuộc top siêu di động, Samsung Galaxy S III là cái tên không thể không nhắc tới trong mùa mua sắm năm nay. Mặc dù khẩu hiệu là "Điện thoại được mong chờ nhất mùa hè" nhưng thực tế giữa việc mong chờ, diện kiến và... xuống tiền mua là 2 hướng hoàn toàn khác nhau.
Nếu như thời điểm máy ra mắt, giá bán ra xấp xỉ 16 triệu kèm gói quà tặng trị giá hơn 11 triệu đồng thì đến nay vẫn từng ấy khuyến mại nhưng giá máy rớt xuống chỉ còn 14,7 triệu và theo lời chủ một cửa hàng di động ở phố Lê Duẩn thì: "Bán túc tắc nhưng doanh số kém hơn Galaxy Note và Galaxy S II".
Khách hàng chờ giảm giá
Hầu hết tâm lí của người mua tại thời điểm này đều chờ một sự điều chỉnh giá của các nhà sản xuất và đại lí bán lẻ bởi theo phần đông đều cho rằng việc bỏ ra 14-15 triệu đồng để mua một chiếc di động là quá xa xỉ, tuy nhiên nếu mức giá dao động từ 10 đến 12 triệu thì sẽ cân nhắc lại và sẵn sàng mua nếu dưới 10 triệu đồng.
Thực tế thì, các siêu di động bom tấn đang ở trong giai đoạn "hớt váng", và chắc chắn trong thời gian tới sẽ có những điều chỉnh từ phía các đơn vị phân phối với mức biến động từ 10 đến thậm chí là 20%, mà đơn cử có thể kể tới thương hiệu Sony Ericsson (nay là Sony Việt Nam).
Theo anh Hữu Minh, khách hàng có nhu cầu sắm smartphone Android cho biết: "Nếu bắt buộc phải mua máy tại thời điểm này, tôi sẽ chọn mua các dòng máy cũ hơn nhưng cùng cấu hình, hiệu năng, giá rẻ hơn. Ví dụ như Galaxy Note và S III, tôi sẽ mua Galaxy Note, thay vì dồn tiền vào một sản phẩm vừa được khai sinh, mức giá vẫn còn chót vót".
Một điều dễ thấy là, người tiêu dùng thay vì làm những "cảm tử quân", lao đến mua máy từ những ngày đầu ra mắt với mức giá trần thì giờ đây độ máu lửa trong chi tiêu đã giảm hẳn. Thậm chí ngay cả với bom tấn iPhone 4S, nhiều khách hàng so giá, chọn cửa hàng qua nhiều lần thẩm định rồi mới mua máy tại nơi bán rẻ nhất, nhiều khuyến mại nhất.
Thậm chí trong nhiều trường hợp gần đây, nhiều người tiêu dùng có điều kiện còn không ngần ngại tham gia làm thẻ ngân hàng để hưởng ưu đãi giảm giá rebate (một hình thức trợ giá và hoàn tiền sau khi mua hàng) như trường hợp anh Đoàn Linh, khách hàng mua iPad mới bằng thẻ tín dụng để được trừ 2 triệu, thay vì bỏ tiền mặt ra mua máy mới.
Tất nhiên, trong cuộc chơi kiểu này cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Đó có thể là việc người dùng bị tính phí quẹt thẻ lên tới 2,3%, và đồ số càng đắt, số tiền bị thu càng nhiều. Ngoài ra, nếu chi tiêu bằng thẻ tín dụng không chi trả đúng hạn thì ngoài việc phải đóng lãi suất, khách hàng thiếu kinh nghiệm còn phải đối mặt với việc nộp phí trả chậm số dư tối thiểu của thẻ, mà nếu tính đi tính lại có khi hoà hoặc thiệt so với số tiền được khấu trừ lúc mua máy.
Mặc dù vậy, với những đánh giá gần đây về chỉ số tiêu dùng, chắc chắn sức mua của người Việt với các siêu di động sẽ còn giảm trong 1-2 tháng tới và chỉ bắt đầu tiếp đà khởi sắc vào giữa quý 4 năm nay.
Theo Vietnamnet
Bình luận