Chỉ cần một nửa những gì Gartner dự đoán trong bản báo cáo "Triển vọng công nghệ 2012" trở thành sự thực, gã khổng lồ phần mềm cũng đủ để toát mồ hôi hột.
Đầu tiên và trước nhất, hãng nghiên cứu danh tiếng này tin rằng thị phần của Apple tại thị trường Mỹ và tây Âu sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay. Kế đến, Gartner dự đoán rằng vào thời điểm 5 năm nữa, số người dùng bỏ lại laptop ở nhà sẽ tăng đáng kể so với hiện nay.
Lép vế trên sân chơi di động
"Các sản phẩm có khả năng lướt Web nhưng kích cỡ chỉ nhỏ tương đương ĐTDĐ sẽ giảm giá tới mức hợp lý, khoảng 400 USD.
50% những người có nhu cầu làm việc "di động" sẽ chuyển sang sử dụng thiết bị kiểu này, thay vì laptop cồng kềnh hơn. Với việc các dịch vụ lưu trữ dữ liệu trên Web ngày càng phổ biến, người dùng sẽ không cần quan tâm tới ổ cứng hay chip nhớ flash của laptop nữa".
Đây quả là những lời dự báo u ám cho tương lai của Microsoft. Ngoài hệ điều hành Windows Mobile, Microsoft tỏ ra xoay xở khá chậm chạp trên địa hạt di động.
Ngài Chủ tịch Bill Gates thậm chí còn khẳng định chính thức là sẽ không có đối thủ iPhone nào hết, đồng nghĩa với việc "bỏ mặc" thị trường cho Apple tung hoành.
Bên cạnh đó, điều cần lưu ý là hai sản phẩm di động "đình đám" nhất hiện nay: Apple iPhone và siêu laptop di động EEE của Asus đều không sử dụng hệ điều hành Windows. Rõ ràng, vị thế của Microsoft trên lãnh địa di động không được "độc tôn độc ngã" như trong lĩnh vực phần mềm truyền thống.
Việc các thiết bị di động trong tương lai ngày càng có thiết kế tinh giản để tiết kiệm điện, thu nhỏ kích cỡ... cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho Microsoft. Nhờ phần mềm Web và "ổ cứng Web", nhà sản xuất không cần nhồi nhét vi xử lý quá mạnh hay bộ nhớ quá lớn cho thiết bị của mình nữa.
Rát mặt với nguồn mở
Trong khi ấy, với Vista, Microsoft lại tạo ra một ấn tượng là "Hệ điều hành của Microsoft luôn đòi hỏi phần cứng siêu việt, cao cấp".
Nhưng chừng ấy tin xấu vẫn chưa là gì, nếu đem so với dự đoán thứ 4 của Gartner, rằng trong vòng 5 năm nữa thôi, 80% phần mềm thương mại trên thị trường sẽ sử dụng công nghệ nguồn mở, không ít thì nhiều.
"Nhiều công nghệ nguồn mở hiện đã trưởng thành, vận hành ổn định và nhận được sự hỗ trợ tốt từ cộng đồng phát triển. Đây là cơ hội tuyệt vời để doanh nghiệp và người dùng cá nhân tiết kiệm chi phí, tăng cường hiệu suất công việc. Ngược lại, phớt lờ xu hướng này đồng nghĩa với việc bạn đã mất đi lợi thế cạnh tranh rất lớn".
Về xu hướng "phần mềm-như-một-dịch-vụ", Gartner dự đoán đến năm 2012, doanh nghiệp sẽ chi tới một phần ba ngân sách công nghệ của mình cho các dịch vụ Web. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cấp tiến còn bắt tay xây dựng cơ sở hạ tầng IT của mình như một dịch vụ ngay từ lúc này.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, những bản dự báo 5 năm không phải lúc nào cũng đạt tỷ lệ chính xác cao. Và liệu Gartner có phải trường hợp ngoại lệ hay không, chúng ta hãy cùng chờ xem.
(Theo Trọng Cầm -VNN/CNET)
Bình luận