Sự xâm nhập của doanh nghiệp nước ngoài như Baidu trong lĩnh vực kinh doanh nội dung số tại Việt Nam có thể khiến các doanh nghiệp Việt Nam mất dần thị trường và Việt Nam ngày càng mất chủ quyền số.
Nguy cơ mất "sân nhà"
Baidu đang bắt đầu triển khai các dự án về nội dung số của mình tại Việt Nam, trong đó đáng chú ý là các dự án đầu tư đều đang thuộc lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt ở thị trường trong nước hiện nay là tìm kiếm và mạng xã hội.
Ông Phan Anh Tuấn, Giám đốc mạng Go.vn của VTC Online cho biết, người dùng Việt Nam có những đặc thù riêng mà không phải mạng xã hội nào cũng đáp ứng được. Tại Việt Nam, các mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Google+, hoặc các mạng xã hội thuần Việt như Go.vn đều đã trải qua thời gian dài, tìm được hướng đi riêng với đối tượng người dùng phù hợp, trung thành. Go.vn sẽ tiếp tục đẩy mạnh các dịch vụ địa phương, đặc biệt là giáo dục - mảng xương sống trong chiến lược của Go đã được định hướng từ đầu. "Do đó, chúng tôi cho rằng mặc dù có nhưng Baidu sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn đến các doanh nghiệp làm nội dung số", ông Tuấn nói.
Ông Hồ Minh Đức, Phó Tổng giám đốc Naiscorp, đơn vị đang làm dịch vụ cùng lĩnh vực tìm kiếm giống Baidu cũng cho rằng, việc Baidu vào thị trường Việt Nam là một điều tất yếu và bất kì một doanh nghiệp lớn nào tham gia thị trường Internet và nội dung số ở Việt Nam cũng đều tạo ra những cơ hội và thách thức chứ không chỉ là Baidu, đây là một điều hoàn toàn bình thường trong kinh doanh. Các doanh nghiệp Việt Nam phải biết được sự xâm nhập này ngay từ khi khởi nghiệp chứ không phải bây giờ mới biết và các doanh nghiệp Việt Nam nếu biết vận dụng thế mạnh của mình thì hoàn toàn có thể vẫn làm chủ được tình hình. Bên cạnh đó, phía Naiscorp cũng đã tìm hiểu rất rõ về Baidu nên không gặp nhiều lo lắng.
Khác với những ý kiến trên, ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG nhận định rằng Baidu vào Việt Nam dĩ nhiên có ảnh hưởng, nhưng sẽ là ảnh hưởng chung áp dụng cho bất kì công ty nước ngoài nào. Ở đây sẽ có 2 khía cạnh: tích cực và không tích cực. Ảnh hưởng tích cực là đẩy mạnh sự cạnh tranh trong ngành, bởi cạnh tranh luôn là động lực để phát triển, hướng dẫn người dùng Internet với các dịch vụ, sản phẩm mới, và giúp đào tạo một thế hệ nhân sự biết làm sản phẩm Internet trong dài hạn. Còn ảnh hưởng không tích cực là tiếp tục tạo áp lực rất lớn với các công ty nội địa, thua về khả năng kĩ thuật, sản phẩm, tài chính và nguồn lực, tiếp tục làm gia tăng sự thiếu hụt về nhân sự trong ngắn hạn, do quá ít người trong ngành bị "săn" bởi nhiều công ty và quan trọng nhất, là về dài hạn thì các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng bị mất thị trường và Việt Nam càng ngày càng bị mất chủ quyền số của mình.
Doanh nghiệp Việt vẫn cần sự ủng hộ
Tuy cũng có ý kiến cho rằng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự xâm nhập của Baidu, nhưng các doanh nghiệp cho rằng để ngành nội dung số phát triển và doanh nghiệp trong nước có thể cạnh tranh với nước ngoài thì họ cần được ủng hộ.
Theo ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG, các doanh nghiệp trong nước xuất phát sau, nguồn lực ít và kém, và bản chất của ngành Internet/nội dung số hầu như không có rào cản bảo hộ thị trường, khác với tất cả các ngành công nghiệp khác. Vì vậy, cuộc chiến cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới sẽ là cuộc chiến khá sòng phẳng, ai giỏi hơn, mạnh hơn sẽ thắng. Doanh nghiệp trong nước sẽ cần 2 điều, đầu tiên là bản thân phải nỗ lực và quyết tâm cao độ trong việc phát triển, luôn phải học hỏi, đào tạo và thu hút nguồn lực, nhắm vào các mục tiêu lớn dài hạn. Điều thứ hai cũng rất quan trọng là sự ủng hộ của chính sách, công chúng và báo chí. Chúng ta không cần phải tạo rào cản bảo hộ, nhưng chúng ta cần phải đặt niềm tin và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có thể đi trên con đường dài hạn.
Ông Hồ Minh Đức, Phó Tổng giám đốc Naiscorp cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cạnh tranh với Baidu mà trong thời gian tới sẽ cả với Naver (Hàn Quốc) và một số công cụ tìm kiếm khác sẽ vào Việt Nam trong thời gian rất ngắn. Ngoài những lợi thế về cộng đồng, tính bản địa, dịch vụ nào tốt hơn có cộng đồng mạnh mẽ hơn sẽ chiến thắng. Bởi người Việt không quan tâm là dịch vụ của Việt Nam hay nước ngoài mà chỉ quan tâm đến việc dễ sử dụng và những lợi ích mà nó mang lại. Bên cạnh đó, ông Đức cũng hi vọng vào những sự bảo hộ có lợi cho doanh nghiệp Việt từ Chính phủ để các doanh nghiệp trong nước có thể phát triển hơn.
Theo ICTnews
Bình luận
Có cần phải nói nhiều về việc này vậy không?
Chỉ là việc 1 thằng Khựa mon men vào thị trường Việt Nam mà mọi người đã sồn sồn lên như vậy. Giả sử, đó chỉ là 1 thằng nào đó ở 1 nước nào đó khác Tung Của thì cũng chẳng ai quan tâm đến làm gì. Hết báo này viết đến báo kia viết, liệu có đáng không? Dù khen hay chê thì nó cũng đã đạt được mục tiêu của nó là trong những ngày qua đã được PR miễn phí rồi.
Đánh Việt Nam trên khắp mặt trận
Chưa khi nào Trung Quốc mạnh tay như bây giờ. Trên biền thì chiếm đảo, đất liền thì mua cây, mua đỉa... mua người, giờ tới Internet rồi...