Một bài báo vào hàng “bom tấn” sẽ đăng trên tạp chí Vanity Fair chỉ ra những sai lầm “chết người” của hãng phần mềm lớn nhất thế giới Microsoft trong 10 năm qua.
Theo bài viết này, Microsoft đã để mất thế thượng phong trong cuộc chơi công nghệ vào tay đối thủ Apple bởi những cuộc đấu đá nội bộ đầy quan liêu, sự phụ thuộc thái quá vào hệ điều hành Windows và một hệ thống quản lí làm nản lòng những tài năng công nghệ hàng đầu.
Đây là bài viết sẽ đăng trên tạp chí Vanity Fair số ra tháng 8, nhưng đã được tạp chí này giới thiệu tóm tắt và thu hút sự chú ý lớn. Mang tựa đề “Microsoft’s Lost Decade” (tạm dịch: “Thập kỉ mất mát của Microsoft”), bài viết đã vẽ nên một bức tranh không mấy sáng sủa tại Microsoft trong 10 năm qua.
Tác giả Kurt Eichenwald đã phỏng vấn nhiều nhân viên của Microsoft và dựa trên nhiều tài liệu của công ty, bao gồm email nội bộ, để thực hiện bài viết. Theo nhận định của tác giả này, một trong những vấn đề chính ở Microsoft thập kỉ qua là hệ thống đánh giá xếp hạng nhân viên kiểu “ngăn xếp”, trong đó số nhân viên được đánh giá xuất sắc, trung bình và kém luôn ở một tỉ lệ cố định. Đây được coi là một rào cản đối với năng lực sáng tạo và đẩy nhân tài ra đi.
Eichenwald viết: “Tất cả mọi nhân viên cũ và hiện tại của Microsoft mà tôi đã phỏng vấn đề coi hệ thống xếp hạng nhân viên là nhân tố hủy hoại lớn nhất ở Microsoft, đã khiến không biết bao nhiêu nhân viên quyết định bỏ tập đoàn mà đi. ‘Nếu bạn ở trong một nhóm gồm 10 người, bạn sẽ bỏ đi ngay trong ngày đầu tiên khi biết rằng, cho dù ai có làm việc tốt thế nào chăng nữa, thì trong nhóm sẽ có 3 người được đánh giá xuất sắc, 7 người bị đánh giá trung bình và 1 người bị đánh giá kém’, một kĩ sư phần mềm từng làm việc cho Microsoft tiết lộ. Cách đánh giá quan liêu như vậy khiến nhân viên chỉ thích cạnh tranh nội bộ chứ chẳng muốn cạnh tranh với các công ty khác”.
Ông Brian Cody, một kĩ sư từng làm cho Microsoft, khi được hỏi rằng bản đánh giá có dựa trên chất lượng công việc của ông không, đã cho hay: “Kết quả đánh giá chẳng liên quan mấy tới sự tiến bộ của tôi mà liên quan nhiều đến việc tôi phải làm thế nào để được quản lí biết đến nhiều hơn”.
Sự phụ thuộc quá đà vào hệ điều hành Windows cũng gây ra những thiệt hại lớn cho Microsoft, theo nhận định của bài báo, chủ yếu trong lĩnh vực điện toán di động. Bài báo nhấn mạnh rằng, Microsoft đã có một hệ điều hành điện thoại di động từ khá lâu trước khi hãng Apple tung ra chiếc iPhone. Nhưng Microsoft đã không thể phát huy được lợi thế này, chủ yếu bởi hãng khăng khăng muốn rằng, chiếc điện thoại, nếu có, phải lấy Windows là trung tâm.
Tác giả Eichenwald cũng chỉ ra những cuộc đấu đá nội bộ gây hại cho Microsoft, đặc biệt liên quan tới lĩnh vực di động. Ông Ed McCahill, một người từng làm quản lí marketing cho Microsoft 16 năm, cho hay: “Nếu nhìn vào chiếc điện thoại di động Windows Phone, bạn sẽ tự hỏi, vì sao mà Microsoft lại lãng phí vai trò dẫn đầu mà họ từng có được với các thiết bị chạy hệ điều hành Windows CE? Họ đã có ưu thế lớn, họ đã đi trước hàng năm. Nhưng chính họ đã phá hủy ưu thế đó. Họ mất hết ưu thế chính bởi sự quan liêu”.
Vào năm 1998, Microsoft đã phát triển được mô hình của một thiết bị đọc sách điện tử e-reader. Tuy nhiên, khi nhóm kĩ sư phát triển mô hình này giới thiệu sản phẩm của họ với Bill Gates, ngài Chủ tịch ngay lập tức gạt sang bên, cho rằng thiết bị này không hợp với Microsoft. “Ông ấy không thích giao diện người dùng của thiết bị, vì trông không giống Windows”, một nhà lập trình tham gia vào dự án trên nhớ lại.
Sau đó, nhóm kĩ sư này bị chuyển thành một nhóm làm việc về phần mềm Office, kết thúc sứ mệnh “mơ ước và sản sinh ra những ý tưởng mới” và thay vào đó, tập trung vào nhiệm vụ làm thế nào để tạo ra lợi nhuận.
Một cựu quan chức trong bộ phận Office tiết lộ rằng, “cái chết” của thiết bị e-reader ở Microsoft hồi năm 1998 không đơn thuần là hậu quả của ham muốn lợi nhuận tức thời. Vấn đề thực sự nằm ở phần màn hình cảm ứng. “Office được thiết kế để làm việc với bàn phím thay vì bút cảm ứng hay ngón tay. Công việc của chúng tôi phải đối mặt với đủ kiểu định kiến cá nhân”, ông này nói.
Nhiều nhân viên khác trong Microsoft cũng cho biết, sự trung thành với Windows và Office đã hết lần này tới lần khác cản trở họ nhảy vào những công nghệ mới. Anh Steve Stone, một nhân viên đã làm ở Microsoft 8 năm, nói với Eichenwald rằng: “Windows được coi là chúa trời, mọi thứ đều phải gắn với Windows. Những ý tưởng về điện toán di động với trải nghiệm người dùng dễ chịu hơn với một chiếc máy tính cá nhân đều bị xem là không quan trọng bởi một vài nhân vật quyền lực. Họ luôn có cách để tiêu diệt những ý tưởng đó”.
Một trong những kĩ sư trẻ làm việc ở dịch vụ chat MSN Messenger của đã Microsoft nhận thấy, đối tượng người dùng trẻ thường cập nhật status qua AIM của AOL - tính năng mà sản phẩm của Microsoft còn thiếu.
“Đó chính là sự khởi đầu cho xu hướng mạng xã hội như Facebook. Mọi người cần có một nơi nào đó để bày tỏ ý nghĩ. Mục đích chính của AIM không phải là chat, mà là để bạn có cơ hội đăng nhập bất kì lúc nào và xem xem bạn bè đang làm gì”, kĩ sư này nhớ lại. Khi anh nói với cấp trên rằng MSN Messenger thiếu tính năng tin nhắn ngắn, vị cấp trên ngay lập tức gạt phăng ý tưởng của anh, cho rằng không hiểu vì sao mà giới trẻ lại quan tâm tới việc quẳng lên mạng vài từ ngắn ngủi.
“Ông ấy không hiểu. Và vì ông ấy không hiểu hoặc là không tin là những người trẻ sẽ dùng các chương trình tin nhắn, chúng tôi đã chẳng làm gì hết”, vị kĩ sư nhớ lại.
“Trước đây, Microsoft là đỉnh cao, giờ thì họ chỉ là một miền đất bị bỏ hoang. Đó là Microsoft. Họ không còn hấp dẫn nữa. Trước đây, họ vẫn chế nhạo IBM. Nhưng bây giờ thì họ đã trở thành một công ty đúng như những gì họ chế nhạo”, ông Bill Hill, một cựu quản lí của Microsoft, nhận xét.
Theo VnEconomy
Bình luận
Tôi thấy ở đây chữ Lost Decade tác giả dùng rất hay. Sau khi đọc bài này xong tôi vẫn băn khoăn không biết nên dịch là "thập kỷ lạc lối" hay "thập kỷ mất mát"