Mới đây, Hanoi Telecom (Vietnamobile) đã có đơn kêu cứu lên Bộ TT&TT về việc VNPT bất ngờ tăng giá cho thuê trạm thu phát sóng (BTS) tăng từ 110% đến 562% khiến nhà mạng này có nguy cơ "sập tiệm". Trong khi đó, VNPT khẳng định đây là cơ chế "thuận mua, vừa bán".
Hanoi Telecom "tố" VNPT tăng giá BTS quá "khủng"
Ngày 29/6/2012, Hanoi Telecom - đơn vị chủ quản mạng Vietnamobile đã gửi đơn lên Bộ TT&TT "tố" VNPT bất ngờ tăng giá cho thuê sử dụng chung trạm BTS với mức quá cao đến mức bất bình thường.
Đại diện Hanoi Telecom cho biết, DN này đã chấp hành chỉ đạo và chủ trương của Chính phủ cũng như Bộ TT&TT về việc dùng chung cơ sở hạ tầng nhằm tận dụng tối đa nguồn lực quốc gia, tránh đầu tư lãng phí không cần thiết. Vì vậy, Hanoi Telecom đã thực hiện sử dụng dùng chung 922 trạm BTS, trong đó có 293 trạm BTS của VNPT. Tuy nhiên, từ cuối năm 2011, Hanoi Telecom bắt đầu nhận được công văn từ một số đơn vị, công ty con của tập đoàn VNPT về việc tăng giá thuê cơ sở hạ tầng, nhà trạm, áp dụng từ 1/1/2012. Chẳng hạn, giá trạm BTS (có mã là 248018) có mức tăng khủng khiếp nhất được VNPT đưa ra mức giá thuê trước đó là 8,161 triệu đồng/tháng nhưng mức áp dụng từ 1/1/2012 là 91,72 triệu đồng/tháng. Mức trạm tăng "khủng" thứ 2 (có mã là 246002) đã cho thuê với mức 11,11 triệu đồng/tháng song mức giá áp dụng từ 1/1/2012 là 74,47 triệu đồng/tháng. Sau khi Hanoi Telecom tiến hành đàm phán thì VNPT đã đồng ý giảm giá 50%. Tuy nhiên, giá thuê BTS tăng lên trung bình hơn 2 lần so với giá cũ, cá biệt có những trường hợp tăng gần 6 lần.
"Theo giá thuê mới này, có những trạm chúng tôi phải trả tới 50 triệu đồng/tháng, tương đương 600 triệu đồng/năm (đây là giá đã được giảm giá đặc biệt 50%, đối với các đơn vị khác, giá thuê vị trí lắp đặt ăng ten có thể lên tới hàng trăm triệu đồng/tháng). Chi phí này đủ cho chúng tôi xây mới 1 trạm mà không cần đi thuê. Việc này cho thấy, các đơn vị của VNPT tăng giá thuê cơ sở hạ tầng không dựa trên chi phí. Đồng thời, điều này đi ngược lại chủ trương khuyến khích chia sẻ, dùng chung cơ sở hạ tầng đã được quy định trong Luật Viễn thông và các văn bản có liên quan của Bộ TT&TT", đại diện Hanoi Telecom chia sẻ.
Đại diện Hanoi Telecom cũng cho biết, VNPT chỉ gửi thông báo mức giá mới áp dụng chứ không hề có thông báo hay giải thích về nguyên nhân tăng giá bất thường này. "Chúng tôi đồng ý và chia sẻ với VNPT vì những chi phí tăng thêm hiện nay như điện, nhân công... để bù vào mức giá mà chúng tôi sử dụng chung các trạm BTS của VNPT. Thế nhưng, các khoản chi phí này không thể tăng bất thường như vậy được. Và nếu để Hanoi Telecom sử dụng chung cơ sở hạ tầng trạm BTS thì bản thân VNPT cũng được lợi vì chi phí thuê trạm được chia sẻ rất lớn có thể đến hơn 50%. Trong khi đó, giá cho thuê địa điểm lắp đặt cột BTS đã được hợp đồng và gần như không thay đổi. Việc tăng giá như vậy rõ ràng đang làm khó chúng tôi", đại diện Hanoi Telecom bức xúc.
Theo tính toán của Hanoi Telecom, Vietnamobile là mạng nhỏ và phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng của các nhà mạng khác nên rất bất lợi trong việc đàm phán giá thuê. Hàng loạt động thái tăng giá thuê kênh truyền dẫn và nhà trạm đang thuê của VNPT và Viettel làm cho chi phí vận hành của Vietnamobile tăng lên hàng trăm tỉ đồng mỗi quý. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của Vietnamobile, nhất là trong bối cảnh giá cước viễn thông ngày càng giảm và gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của các doanh nghiệp lớn trên thị trường.
Vì vậy, Hanoi Telecom đã đề nghị Bộ TTT&TT tiến hành can thiệp, quản lí về giá đối với các doanh nghiệp có thị phần lớn, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh của thị trường viễn thông. Trước mắt là đề nghị VNPT giữ nguyên giá thuê cơ sở hạ tầng trong thời gian chờ Bộ xem xét, quyết định.
VNPT: "Thuận mua, vừa bán"
Trao đổi với báo BĐVN về vấn đề trên, ông Vũ Tiến Dương, Phó trưởng Ban Kinh doanh của VNPT cho biết, VNPT đã phân cấp giá cho thuê các trạm BTS cho các đơn vị thành viên quyết định mức giá cụ thể. Việc tăng giá cho thuê trạm BTS là do giá điện, giá thuê vị trí đặt trạm tăng. "Yêu cầu sử dụng chung trạm BTS là không bắt buộc bởi đây là cơ chế thị trường. Nếu Hanoi Telecom thấy VNPT có giá thuê cao thì có thể đi thuê các doanh nghiệp khác. Nhiều doanh nghiệp bên ngoài cũng làm cột BTS cho thuê chứ không chỉ mình VNPT", ông Vũ Tiến Dương nói.
"Bản thân VNPT cũng bị những doanh nghiệp khác nâng giá. VNPT vẫn phải chịu mức giá cho thuê cột điện của điện lực với giá tăng gấp 7 - 8 lần song cơ quan quản lí Nhà nước có can thiệp được đâu. VNPT vẫn phải thuê của điện lực", ông Vũ Tiến Dương so sánh.
Theo ICTnews
Bình luận