Đưa nội dung không có bản quyền lên Internet có thể bị truy tố.

Theo Thông tư liên tịch giữa Bộ VH-TT&DL và Bộ TT&TT có hiệu lực từ 6/8 tới, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội, lưu trữ thông tin hay tìm kiếm thông tin số... sẽ phải trực tiếp bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền tác giả về sở hữu trí tuệ.

Cụ thể, nếu các doanh nghiệp là nguồn khởi đầu đăng tải, truyền đưa hoặc cung cấp nội dung thông tin số qua mạng viễn thông và Internet mà không được phép của chủ thể quyền; hay hoạt động như nguồn phân phối thứ cấp các nội dung thông tin số do vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan mà có sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, đối với một số trang nhạc trực tuyến hay mạng xã hội, việc chia sẻ các bản thu chương trình biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đều do cộng đồng thực hiện và rất khó xác định thành viên đó có phải là chủ sở hữu hay không.

Ngoài ra, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến sẽ phải yêu cầu người sử dụng dịch vụ cam kết thực hiện trách nhiệm bảo đảm sử dụng hợp pháp nội dung thông tin số đưa lên hệ thống mạng Internet và mạng viễn thông; hay cảnh báo trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự, khả năng bị xử phạt vi phạm hành chính, bị truy tố trách nhiệm hình sự đối với cá nhân người sử dụng mạng xã hội trực tuyến có hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ phải gỡ bỏ và xoá nội dung thông tin số vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, cắt, ngừng và tạm ngừng đường truyền Internet, đường truyền viễn thông khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của Thanh tra Bộ TT&TT hoặc Thanh tra Bộ VH-TT&DL hoặc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật. Thông tư có hiệu lực từ 6/8/2012.

Ảnh
Không chỉ với nội dung trong nước, một số trang như Nhạc số đã chặn truy cập từ nước ngoài. Theo một nguồn tin thân cận với FPT, Nhạc Số sẽ không còn được đầu tư tiền mua bản quyền nhạc.

Liên quan đến vấn đề này, đầu năm 2012, một trong những website chia sẻ video lớn nhất thế giới là MegaUpload.com đã bị đóng cửa vì bị tố cáo vi phạm bản quyền, và nhà sáng lập cùng một số người liên quan đã bị bắt giữ, đồng thời bị buộc tội vi phạm luật chống sao chép.

Theo ICTnews



Bình luận

  • TTCN (0)