Sáu năm trước đây, gọi chàng trai xứ Nghệ Nguyễn Xuân Tài là “nghèo rớt mồng tơi” cũng không "ngoa", khi hành trang vào đời của anh chỉ là tấm bằng cử nhân và số vốn 5 triệu đồng (tương đương 350 USD cùng thời điểm).
Vậy mà anh cùng nhóm cộng sự đã dám dũng cảm từ chối lời mời 25 triệu USD từ Google (công ty sở hữu công nghệ tìm kiếm online hàng đầu thế giới) vì không muốn công ty mình bị “Mỹ hóa”.
Công ty một bàn, một máy tính
Vừa tròn 6 năm trước, tháng 7/2006, 5 chàng sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã khởi nghiệp bằng việc thành lập công ty cổ phần dịch vụ công nghệ thông tin Naiscorp (Sóc Bay).
Tổng giám đốc công ty Nguyễn Xuân Tài (SN 1983) nhớ lại: “Năm anh em trong nhóm sáng lập công ty đều xuất thân từ nông thôn, gia đình rất nghèo. Để thành lập công ty, mỗi người chỉ có thể góp 5 triệu đồng, thêm một chiếc bàn gỗ trị giá khoảng 80 ngàn đồng và chiếc máy tính được cha mẹ mua cho từ thời sinh viên. Chỉ có thế, không hơn không kém”.
Với vốn liếng ít ỏi như thế, họ đã khiến cộng đồng kinh doanh bất ngờ khi trở thành đối tác của một “khủng long tài chính” ngày ấy là Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG; rồi nhanh chóng vươn lên là một trong số những công ty dẫn đầu thị trường công nghệ Việt Nam về công cụ tìm kiếm online.
Năm 2006, khi đa số người dân Việt Nam mới quen thuộc với các công cụ tìm kiếm trên mạng như Google, hay Yahoo! Search, ít ai tin rằng một công ty Việt Nam có thể cung cấp công cụ tìm kiếm online “thuần Việt”, càng ít người dám tin rằng một công ty như thế sẽ thành công.
Thế nhưng, với sự mày mò nghiên cứu công nghệ thông tin từ những năm tháng sinh viên, sự đoàn kết, đam mê công nghệ và định hướng phát triển công ty rất rõ ràng, 5 chàng trai xứ Nghệ đã thuyết phục được nhà đầu tư.
Quỹ đầu tư nêu trên đã rót vốn vào Sóc Bay chỉ một tháng sau khi công ty này thành lập. “Vấn đề “đầu tiên” – “tiền đâu” đã được giải quyết nhờ công ty đã biết “đứng trên vai người khổng lồ””, Xuân Tài thuật lại.
Naiscorp là công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và đi sâu vào nghiên cứu ứng dụng các hệ thống tìm kiếm thông tin hướng ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Việt, hiện phục vụ bốn triệu lượt truy vấn thông tin mỗi ngày.
Tính riêng trên điện thoại di động, dịch vụ của Naiscorp nhận được hơn một tỉ lượt yêu cầu xử lí/ngày.
Tập thể lãnh đạo và nhân viên công ty đều rất trẻ. Tổng Giám đốc năm nay 29 tuổi và bốn cựu sinh viên đại học Bách Khoa, cũng là bốn người bạn đồng hương luôn sát cánh trong các vị trí khác nhau của Ban giám đốc Hồ Minh Đức, Đinh Nho Nam, Lê Văn Hùng và Nguyễn Hoàng Trung.
Nhớ lại việc vì sao đối tác là Quỹ đầu tư mạo hiểm có quy mô toàn cầu và hết sức có uy tín trong lĩnh vực đầu tư phát triển công nghệ thông tin, viễn thông; vậy mà những chàng cử nhân mới ra trường ngày đó lại có thể “gạ gẫm” được rót tiền, Xuân Tài cho biết: “Từ khi là sinh viên, tôi đã có kinh nghiệm xin tài trợ của nhiều công ty, đến khi khởi nghiệp cũng tìm được vốn đầu tư, tôi đã rút ra kinh nghiệm là các nhà đầu tư trước tiên thường nhìn vào tiềm lực con người.
Để nhà đầu tư tin cậy “chọn mặt gửi vàng” thì những người sáng lập phải chứng minh rằng chúng tôi là một nhóm hết sức đoàn kết và đam mê, sẵn sàng dốc sức để giải quyết bất cứ khó khăn nào mà công ty gặp phải”.
Nhóm sáng lập Sóc Bay đã có những buổi làm việc chính thức với nhà đầu tư từ khi họ là sinh viên năm cuối Đại học Bách Khoa Hà Nội.
“Thời gian đó là những đêm trắng vừa thức làm đồ án tốt nghiệp, vừa viết kế hoạch kinh doanh. Chúng tôi đã hết sức hồi hộp trước những buổi thuyết trình kế hoạch kinh doanh trước nhà đầu tư. Năm anh em chúng tôi đều là kĩ sư về công nghệ thông tin, chưa ai từng học về kinh tế.
May mắn nhờ quyết tâm, cùng với lắng nghe sự phản hồi của nhà đầu tư; trao đổi, bàn bạc với nhau rất nhiều, cuối cùng chúng tôi cũng vượt qua được khâu tìm kiếm vốn”, Xuân Tài chia sẻ.
Đã có nguồn vốn, tiếp đó là những công việc cơ bản để xây dựng công ty như thuê trụ sở, nhân công, mua máy móc… Trang web tìm kiếm Socbay.com đã ra đời và sau đó là hàng loạt các sản phẩm công nghệ như phần mềm ứng dụng trên thiết bị di động Socbay iMedia, cổng thông tin du lịch Socbaytravel.com quảng bá cho các công ty du lịch, dịch vụ tìm kiếm, xử lí dữ liệu, tổng hợp dữ liệu…
Biểu tượng chú sóc bay vừa nhanh nhẹn vừa kiên trì nhẫn nại, tìm kiếm thông tin trên mạng như… nhặt hạt dẻ đã dần trở nên quen thuộc với cộng đồng mạng.
Từ chối “giấc mơ Mỹ”
Với nhiều người, được một “đại gia” của Mỹ mời sáp nhập có thể là giấc mơ, nhưng với những chàng trai xứ Nghệ này thì không.
Chỉ hai tháng sau khi thành lập công ty, 5 chàng trai tiếp tục nhận được lời đề nghị từ một “người khổng lồ” khác, lần này là Google – công ty sở hữu công nghệ tìm kiếm online hàng đầu thế giới.
Tổng giám đốc của Google khi đó đã mời 5 thành viên sáng lập sang thăm quan và làm việc tại trụ sở chính của Google ở Mountain View (bang California, Mỹ). Sau nhiều cuộc trao đổi, “người khổng lồ” Google đề xuất trả 25 triệu USD nếu như ban lãnh đạo Sóc bay lựa chọn phương án sáp nhập là một phần của Google quốc tế.
Ngoài số tiền “khủng” nêu trên, mỗi thành viên sáng lập cũng sẽ nhận mức lương 8.000 USD/tháng, cùng với các ưu đãi khác về nhà ở, xe cộ và điều kiện làm việc. “Đó thực sự là lời đề nghị có sức cám dỗ. Nhưng còn những tham vọng, niềm tự hào dân tộc… Chúng tôi tự hỏi tại sao mình lại bán đi công nghệ Việt mà mình đã tự tìm tòi, nghiên cứu và trở thành những người làm thuê. Vì thế chúng tôi đã từ chối lời đề nghị đó hết sức nhẹ nhàng, không hề nuối tiếc”, Xuân Tài nhớ lại.
Tiếp tục những câu chuyện về nguồn vốn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vị Tổng giám đốc trẻ tuổi này chia sẻ kinh nghiệm: “Khi gặp khó khăn về nguồn vốn thì phải hết sức bình tĩnh xử lí và đặc biệt lúc đó là lúc không được nghĩ đến tiền.
Phải nghĩ đến hướng đi, tầm nhìn, ước mơ của doanh nghiệp. Lúc nghĩ đến tiền là lúc trước khủng hoảng kia, còn lúc khủng hoảng đã xảy ra rồi mà nghĩ đến tiền thì không ai có tiền cho anh cả. Càng nghĩ về tiền thì càng không có tiền”.
Kinh nghiệm “xương máu” của Xuân Tài cho thấy, Sóc Bay có thể giữ vững tốc độ phát triển như hiện nay vì đã dự đoán trước được khủng hoảng, và thống nhất rằng khủng hoảng kinh tế có thể kéo dài 3 – 4 năm tới. Công ty đã rất chủ động để vượt qua khủng hoảng bằng cách cắt giảm chi phí, xác định lại hướng đi của doanh nghiệp rồi mới nghĩ đến “làm thế nào để người ta rút tiền ra đầu tư cho mình”.
“Người ta không bao giờ đầu tư nếu ta không có một tầm nhìn, một hướng đi chắc chắn. Nếu anh nói anh có thể kiếm 100 triệu đô trong năm nay, còn năm sau anh không biết làm thế nào thì không ai đầu tư cho anh cả”, anh đúc rút kinh nghiệm.
Minh chứng cho nhận định của mình, Xuân Tài cho biết hiện hướng đi của mình là đầu tư nhiều hơn vào các phần mềm ứng dụng cho thiết bị di động, công cụ tìm kiếm cho điện thoại di động.
“Chúng tôi tin tưởng rằng ngay khi kinh tế khó khăn thì người tiêu dùng vẫn sẵn sàng mạnh tay chi cho các thiết bị di động và công cụ tìm kiếm, để có một cuộc sống tiện nghi và nhiều lựa chọn thông minh hơn”, chàng trai này chia sẻ.
Theo Pháp Luật
Bình luận
Đâu phải cứ nhất thiết là Google. Rõ ràng VN cần những người tài giúp xây dựng nền CNTT nước nhà phát triển như Xuân Tài.
Bây giờ có hối cũng không kịp
Thấy socbay mấy năm nay đâu có phát triển dc gì đâu, giờ có muốn hối cũng không kịp.
Đồng ý với bác, như bác Bill Nguyễn có khi lại hay.
Có một số dự án với các công ty lớn nhất VN, và với chính phủ, thế là ổn rồi bác
Mình không rõ các mảng tìm kiếm khác như thế nào, nhưng vừa mới thử tìm cái này:
http://bit.ly/OsejaE
và không được kết quả nào về "ngô" or "giá ngô" cả
Rất là chảnh
Tôi thấy Socbay có phát triển gì đâu! Sản phẩm thì cùi bắp! Chẳng có cái nào ra hồn. Bác nào muốn biết thì cứ vào trang chủ socbay.com mà test thì biết liền.
Công nghệ luôn thay đổi, sóng sau xô sóng trước. Bán công nghệ chứ đâu phải bán thân đâu! Thấy "không muốn bị Mỹ hoá" chẳng nói lên điều gì, tự hão.
Còn giờ thì Google chắc không thèm để mắt đến Socbay hôm nay rồi.
socbaytravel.com bị hack?
socbaytravel.com bị hack?
nó bị frame redirect qua motvisao.com
Nếu muốn VN hoá thì sao ko ai chịu bỏ tiền ra đầu tư với những quyền lợi hậu hĩnh như Google...