Truyền thông xã hội giúp Hiệp hội Olympic Anh đưa các vận động viên tới gần người hâm mộ hơn.

Phủ sóng mạnh trên Facebook, Twitter, Youtube… Olympic Luân Đôn 2012 đi vào lịch sử như một kì thế vận hội “truyền thông xã hội” đầu tiên, cho phép người hâm mộ cập nhật mọi diễn biến và thông tin của Olympic.

Thế vận hội mùa hè diễn ra tại Luân Đôn năm nay mang tới cho mọi người cơ hội theo dõi mọi thứ trên điện thoại, Internet và mạng xã hội. Những người hâm mộ hẳn phải vô cùng vui mừng khi Olympic Luân Đôn trở thành kì thế vận hội “truyền thông xã hội” đầu tiên trong lịch sử.

Ý tưởng của ban tổ chức được hậu thuẫn rất lớn từ thực tế phát triển mạng xã hội hiện nay: 4 năm trước, trong Thế vận hội Bắc Kinh, chỉ có khoảng 100 triệu người dùng Facebook; con số này giờ đã lên hơn 900 triệu người dùng. Twitter cũng tương tự: 6 triệu người dùng từ năm 2008 đã tăng vọt lên hơn 600 triệu người dùng. Ông Clive Woodward, Giám đốc thể thao của Hiệp hội Olympic Anh (TeamGB) chia sẻ đã sẵn sàng dùng tài khoản Twitter của mình để xuất bản mọi thông tin về thế vận hội, cho phép mọi người cập nhật ngay lập tức mà không phải chờ đợi các tờ báo ngày hôm sau. Ngoài ra, theo Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), có khoảng 2.014 người tham dự Olympic được cho phép dùng mạng xã hội để cung cấp cái nhìn và quan điểm của họ về các trận thi đấu tại thế vận hội.

Những người hùng của thể thao

Trên Facebook, một cổng thông tin đặc biệt về Olympic đã được mở, bao gồm hồ sơ của những ngôi sao sáng nhất thế vận hội được trình bày theo hình thức “timeline” của Facebook. Ví dụ, bạn có thể theo sát sự nghiệp và cuộc sống của “thần đồng nhảy cầu” Tom Daley từ thời điểm hiện tại ngược trở về thời điểm anh vừa sinh ra. Theo đại diện Facebook châu Âu, những câu chuyện về vận động viên sẽ tồn tại mãi mãi.

Còn với tài khoản Twitter chính thức của IOC, người hâm mộ sẽ liên tục bày tỏ sự ủng hộ tới từng môn thể thao và cá nhân vận động viên. Lewis Wiltshire – Giám đốc thể thao Twitter Anh cho biết: “Người hâm mộ chưa bao giờ được tiếp cận trực tiếp với những người hùng của mình như thế này”. Ngược lại, vận động viên cũng dùng Twitter để phản hồi lại những câu hỏi, những lời chúc may mắn, nói chuyện với đồng nghiệp, hay chia sẻ những chuyện hậu trường mà người khác không thể biết.

Tuy nhiên, nỗ lực toàn diện nhất phải kể tới chính bản thân IOC trong việc hình thành Trung tâm vận động viên Olympic. Nó cung cấp thư mục tìm kiếm của mọi vận động viên trên mạng xã hội. Điều đó có nghĩa là mọi cập nhật của vận động viên trên Facebook, Twitter, Google Plus... sẽ đều được quy về một mối. Người hâm mộ truy cập trang web này được tận hưởng nội dung “khuyến mãi”, ví dụ video hướng dẫn chèo thuyền của vận động viên Matthew Pinsent. Sắp tới, IOC cũng hoạt động trên Instagram, Foursquare và Tumblr.

Tính hai mặt của Olympic “truyền thông xã hội”

Cho phép vận động viên bày tỏ suy nghĩ tới lượng lớn khán giả không phải lúc nào cũng là ý hay. Ông Clive thừa nhận: “Thế giới không hoàn hảo”.

TeamGB quản lí hơn 1.000 người, không chỉ là vận động viên mà còn là trọng tài và nhân viên hỗ trợ. Cơ hội để một ai đó nói những điều không hay ho là vô cùng cao. Chính vì thế, TeamGB phải giành mọi nỗ lực để đào tạo, trong đó có việc giới thiệu video hướng dẫn cho các vận động viên, cảnh báo về nguy cơ của những tin tweet quá thoải mái sẽ làm ảnh hưởng tới danh tiếng của họ. Một trong những câu nói ưa thích của ông Clive khi trao đổi với vận động viên là: “Bạn muốn được nhớ tới như thế nào”. Theo ông Clive, họ phải trở thành hình mẫu 24 giờ/7 ngày, ngay cả trên Twitter. Vận động viên cũng phải ghi nhớ quy tắc nghiêm ngặt của IOC về những gì được đăng và cấm đăng, đặc biệt là video và hình ảnh trong khuôn khổ thế vận hội. Mặt khác, truyền thông xã hội mang lại cái nhìn tường tận về những cảm xúc khi trở thành vận động viên Olympic.

Giấc mơ Olympic của Jeanette Kwakye - vận động viên chạy nước rút của Anh đã tan vỡ chỉ vì chấn thương ở gót chân sát kì thế vận hội. Cô đã chia sẻ trải nghiệm cá nhân này với hàng ngàn người theo dõi trên Twitter.

Với ngày khai mạc đang đến gần, Kwakye cho biết cô sẽ dùng mạng xã hội để ủng hộ đồng đội, và kêu gọi những người hâm mộ khác cũng hành động giống mình và hình thành văn hóa ủng hộ trên Twitter.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)