Dù những phần mềm bảo mật trên di động đã ra mắt được khoảng 1 năm nhưng lượt tải mới chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ so với số lượng người dùng smartphone.
Trong số các ứng dụng bảo mật tải về, đa số lựa chọn theo dạng miễn phí và thậm chí có doanh nghiệp như CMC Infosec còn chưa đưa ra lộ trình thu phí.
Mối đe dọa tiềm năng
Sau gần một năm ra mắt sản phẩm Bkav Mobile Security (4/10/2011), ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và phát triển Bkav cho biết, tính đến nay, tổng số lượt tải về của các phiên bản bao gồm Android, iOS, Windows Phone, BlackBerry vào khoảng 295.000 lượt, trong đó đa số người dùng tải về theo dạng miễn phí. Ông Sơn cho rằng, mặc dù lượt tải chưa cao nhưng thị trường phần mềm bảo mật trên di động vẫn được đánh giá là rất tiềm năng vì lượng người dùng smartphone rất lớn. Nguyên nhân khiến lượt tải phần mềm bảo mật di động còn thấp là do người dùng không biết được lợi ích và ý thức sử dụng phần mềm bảo mật còn chưa cao như trên máy tính. Ví dụ như với tin nhắn rác, dù gặp hàng ngày và cảm thấy rất bức xúc nhưng không phải ai cũng biết dùng phần mềm để chặn lại.
Các hãng bảo mật đều đã cảnh báo về sự gia tăng của các cuộc tấn công trong năm 2012. Mới đây, hãng bảo mật Trend Micro đã phát hiện ra hơn 5.000 ứng dụng độc hại được thiết kế nhằm vào hệ điều hành di động Android của Google và ước tính trong quý 3 tới sẽ có khoảng 38.000 mẫu malware, và sẽ tăng lên 130.000 mẫu trong quý 4. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng mối nguy vi rút trên Android mới dừng ở mức nguy cơ chứ chưa hề lây lan, nhân bản trên diện rộng giống như vi rút trên máy tính. Ngoài ra, số lượng vi rút trên di động cũng không nhiều, mới chỉ ở mức hàng trăm nghìn so với mức hàng trăm triệu vi rút trên máy tính. Chính vì thế, người dùng chưa cảm nhận thấy vi rút trên smartphone và đây cũng là nguyên nhân khiến người sử dụng còn thờ ơ với phần mềm diệt vi rút trên di động.
Còn theo ông Vũ Lâm Bằng, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và phát triển của CMC Infosec, sau 2 tháng kể từ khi ra mắt ngày 8/7/2011, CMC Mobile Security đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người sử dụng smartphone tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới với tổng số lượt download gần 5.000 lượt qua market.android.com, trong đó Việt Nam chiếm 61%, Mỹ 14,1% và Ấn Độ là 5,6%. Tuy nhiên, cho đến giờ, lượt tải về cũng chưa thực sự cao và sản phẩm CMC Mobile Security phiên bản đầu tiên chỉ mang tính chất thử nghiệm của CMC Infosec. Trên cơ sở đó, ngày 18/7, CMC Infosec đã giới thiệu CMC Mobile Security với nhiều sự thay đổi, cải tiến đáng kể cả về giao diện và khả năng phân tích mã độc: nhanh, sâu và chính xác. Hệ thống lọc tin nhắn tin cậy, thông minh, cung cấp bộ ba: Black List, Keyword Filter và Smart Filter giúp người sử dụng loại bỏ tin nhắn rác hiệu quả hay tính năng giúp người dùng điều khiển thiết bị từ xa thông qua tin nhắn SMS hoặc website để xác định được vị trí máy điện thoại khi bị thất lạc.
Cũng theo ông Sơn, mặc dù có số lượng ít nhưng vi rút trên di động lại chủ yếu tập trung ở các kho tải (market) thay vì nằm rải rác như trên máy tính. Vì vậy, nếu không cẩn thận, nguy cơ nhiễm mã độc từ phần mềm trên di động có thể sẽ còn cao hơn máy tính, bởi vì tin tặc có thể "lừa" người dùng tải các phần mềm nổi tiếng ngay trên các kho tải như trong tháng 4 đã xuất hiện liên tiếp vi rút núp bóng phần mềm Instagram và phiên bản mới của Angry Birds...
Ở Việt Nam, khách hàng đã phản ánh với Bkav về một vài vi rút trên Symbian tự động gửi tin nhắn đến bạn bè trong danh bạ để mời tải phần mềm, mỗi lần click vào để tải, người dùng sẽ mất phí 15 nghìn đồng.
"Dự kiến, trong tháng 8, Bkav sẽ cho ra mắt phiên bản trên hệ điều hành Symbian bên cạnh các phiên bản Android, iOS, Windows Phone, BlackBerry hiện tại. Sau đó, Bkav sẽ tập trung marketing, truyền thông mạnh mẽ cho sản phẩm để nhiều người biết đến hơn", ông Sơn nói.
Người dùng chỉ có ý thức khi bị nhiễm vi rút
Theo ông Vũ Lâm Bằng, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và phát triển của CMC Infosec, hiện phần đông người dùng mới chỉ sử dụng các chức năng cơ bản trên smartphone như nghe gọi, nhắn tin SMS... nên chưa có sự quan tâm đúng mức đối với việc bảo mật trên di động. Và chỉ khi nào họ sử dụng smartphone để giao dịch hay thanh toán trực tuyến và xảy ra nguy cơ bị chiếm dụng tài khoản... thì mới thực sự để ý và sử dụng nhiều phần mềm bảo mật trên di động.
Cùng quan điểm, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và phát triển Bkav cho biết, do người dùng chưa biết đến phần mềm bảo mật trên di động và hiệu quả của nó nên chưa có sự quan tâm, dù 2 tính năng chặn tin nhắn rác và chống trộm là 2 tính năng rất cần thiết đối với người dùng di động hiện nay.
Trước câu hỏi đến bao giờ phần mềm bảo mật trên di động được nhiều người sử dụng, ông Sơn cho rằng sẽ phụ thuộc vào cả phía nhà sản xuất lẫn người dùng. Cụ thể, nhà sản xuất sẽ phải có các chương trình quảng bá rầm rộ để nhiều người biết đến hơn và bản thân người dùng cũng sẽ phải có ý thức hơn trong việc bảo mật thông tin cá nhân trên điện thoại. Trường hợp phần mềm bảo mật trên điện thoại cũng giống như máy tính trước kia, nếu không bị lây nhiễm thì người dùng sẽ không bao giờ có ý thức. "Ngay từ những năm 2009-2010, Bkav đã cảnh báo về nguy cơ bùng nổ vi rút di động và người dùng sẽ quan tâm nhiều hơn nhưng thực tế cho thấy, người dùng vẫn chưa có ý thức an toàn thông tin cho di động", ông Sơn nói.
Không cần phải đợi đến khi thanh toán trên di động bùng nổ vì ngay cả tin nhắn, ảnh, clip hiện nay cũng chứa rất nhiều thông tin quan trọng của người dùng. Thực tế, trong thời gian qua, có rất nhiều sự việc lọt thông tin cá nhân trên điện thoại khi mang ra hàng sửa chữa điện thoại. "Tương tự, nếu người dùng bị nhiễm vi rút thì chỉ việc kết nối Internet là mọi thông tin cá nhân sẽ bị mất, lọt ra bên ngoài", ông Sơn nhấn mạnh.
Theo ICTnews
Bình luận