Đêm 11/10/2007 “cư dân mạng” nhắn tin cho nhau về đoạn phim tươi mát của cô diễn viên chính trong một bộ phim ăn khách đang chiếu trên đài truyền hình quốc gia. Ngay đêm đó, đường dẫn vào các trang web chia sẻ video có chứa đoạn phim trên hầu như tắc nghẽn.
Hai ngày sau, báo chí trong nước rùm beng về một vụ tai tiếng mới, trên các diễn đàn (forum), các nhật ký điện tử (blog) lập tức xuất hiện những bài bình luận rôm rả, thôi thì khen chê đủ kiểu – hình thành một cơn sốt trong dư luận cả nước.
Vụ việc chưa kịp lắng xuống, báo chị lại tốn giấy mực vào vụ kiện “Trà-Chanh” giữ một cô ca sĩ và một nữ phóng viên chung quanh một bài viết của cô này trên blog riêng mà cô cho biết là có tới 2 triệu lượt người truy cập …
Có thể kể ra nhiều trường hợp tương tự, cho thấy ở các đô thị nước ta đang hình thành một hiện tượng xã hội mới: “mạng xã hội ảo” (virtual social network). Trong xã hội ảo hoá đó con người tồn tại, giao thiệp với nhau thông qua việc chia sẻ cảm xúc, ý nghĩ, quan niệm một cách tương đối tự do, không bị ràng buộc về không gian và thời gian mặc dù vẫn phải tuân thủ luật lệ của thế giới thực và những quy tắc ứng xử nhân văn. Ở nước ta, mạng xã hội ảo mới manh nha nhưng nhanh chóng trở thành một hiện tượng vì nó đáp ứng nhu cầu được lên tiếng, được bày tỏ và chia sẻ của người dân.
Biểu hiện đầu tiên của sự hình thành mạng xã hội ảo là sự lan tràn các trang tin tiện tử các nhân (blog, weblog). Xuất hiện trên thế giới vào cuối năm 1999, bùng nổ từ đầu năm 2000 chủ yếu trong giới trẻ, blog du nhập vào Việt Nam vào khoảng năm 2004 cùng với sự lan tràn các dịch vụ nhắn tin trực tuyến của Yahoo. Cuối năm 2006, một cô gái có biệt danh là Bé Crys viết trên blog của mình những cảm nhận không đẹp lắm về một lần thăm Hà Nội, làm dấy lên một làn sóng phản đối rầm rộ, và cũng từ đó người ta bắt đầu chú ý đến blog. Năm 2007 là thời gian blog phát triển rầm rộ nhất. Tuy chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng giới công nghệ thông tin dự tính số người viết blog (blogger) bằng tiếng Việt không dưới vài triệu, mỗi blogger lại tạo ra vài trang blog đặt trên các mạng khác nhau, viết đủ loại đề tài từ chuyện thị phi tới những vấn đề thời sự nóng bỏng.
Không chỉ bùng nổ về số lượng, trào lưu blog cũng đang thay đổi về chất. Từ những ghi chép cá nhân về những vui buồn trong cuộc sống để chia sẻ với bạn bè thân thiết, blog đang trở thành một kênh thông tin mang tính xã hội sâu sắc và có tác động mạnh đến cộng đồng. Blog của những cây bút có hiểu biết, có tâm huyết và trách nhiệm công dân đã thu hút sự quan tâm tìm đọc của rất nhiều người, không thu kém các tờ báo truyền thống. Nhiều nhà báo có tên tuổi đã sử dụng blog để phát biểu những vấn đề mà khuôn khổ của một tờ báo chính thức không đăng tải được. Ở Mỹ, loạt blog có tên TMP (Talking Points Memo) của nhà báo nghiệp dư 38 tuổi Jossh Marshall có số độc giả thường xuyên lên tới 700.000 người, trong đó 84% có trình độ đại học trở lên, khả năng tạo dư luận không thua kém các tờ báo lớn, khiến Los Angles Times phải kêu lên: “Blog can stops the presses” (Blog có thể làm máy in ngừng chạy).
Nếu blog chủ yếu là phương tiện truyền thông cá nhân lưu hành chủ yếu giữ những người quen biết nhau thì diễn đàn (forum) mang tính xã hội rộng lớn hơn. Cũng như trong đời sống thực, diễn đàn là nơi những người cùng sở thích trong một lĩnh vực nào đó thảo luận những vấn đề mà họ cùng quan tâm. Nhưng khác với đời sống thực, diễn đàn trên mạng Internet là không gian ảo, ở đó các thành viên đều ẩn sau những biệt hiệu (nick), những hình ảnh đại diện (avatar)… Nhờ tính chất ẩn danh và bình đẳng này, các thành viên có thể phát biểu thẳng thắn, trung thực những điều mình suy nghĩ mà không sợ bị theo dõi hay trù dập. Có thể nói, sau tấm mặt nạ ảo, không ít người được sống thực với những suy nghĩ, tình cảm của mình, được chia sẻ và nhận được sự cảm thông từ những con người không quen biết - điều không dễ dàng có được trong thế giới thực.
So với báo chí truyền thống, diễn đàn ảo có khả năng truyền tải thông tin bằng nhiều phương tiện hình ảnh, âm thanh, video khá hấp dẫn, tốc độ thông tin nhanh, lại dung nạp nhiều quan điểm, nhiều cách nhìn đôi khi trái ngược nhau tạo nên một môi trường sinh hoạt phong phú, tự do và dân chủ. Tất cả những yếu tố đó lôi cuốn giới trẻ rất mạnh mẽ, nhiều bạn trẻ tham gia cùng lúc nhiều diễn đàn, thảo luận đủ mọi vấn đề. Không chỉ thảo luận một số diễn đàn huy động lao động của thành viên vào các hoạt động mang tính chất xã hội rõ rệt như cứu trợ thiên tai, giúp đỡ trẻ em nghèo, tập hợp tư liệu lịch sử, dịch và phổ biến những công trình nghiên cứu của nước ngoài. Cao trào hoạt động xã hội của các diễn đàn ảo có lẽ là các hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào đầu tháng 12/2007, trong đó có nhiều thành viên các diễn đàn mạng khác nhau tham gia.
Tất nhiên không phải mọi hiện tượng trong thế giới ảo đều mang ý nghĩa tích cực. Báo chí đã không ít lần phê phán các “web đen”, “blog bẩn”. Vài tháng trước, cả nước từng bị chấn động khi báo chí phanh phui hàng chục kẻ gian mạnh rủ rê người dân nhẹ dạ đầu tư tiền bạc vào hoạt động kinh doanh tiền tệ bất hợp pháp thông qua các trang web như Colonyinvest… Đáng tiếc là trong hàng ngàn nạn nhân có rất nhiều người chưa hề biết Internet là gì, còn Nhà nước thì đã không ngăn chặn được hoạt động kinh doanh trái pháp luật của những kẻ lừa đảo, cũng không hề cảnh báo cho người dân những rủi ro mà họ có thể gặp phải khi đầu tư vào một hoạt động mà họ không biết rõ. Thế nhưng, không nên đồng nhất sự lừa đảo với bản chất của mạng xã hội ảo. Kẻ lừa đảo hay tội phạm thì ở đâu cũng có, chúng lúc nhúc trong thế giới thực và cũng không hề vắng bóng trong thế giới ảo.
Điều đáng quan tâm hơn là mạng xã hội ảo đang đặt ra thách thức cho các hoạt động tinh thần của xã hội như báo chí, xuất bản, văn hoá tư tưởng, thậm chí cả nhà trường, làm cho các thiết chế này không còn có thể an nhiên tự tại, và theo ý nghĩa đó, thúc đẩy sự đổi mới. Các tổ chức này không còn “độc quyền” cung cấp thông tin và kiến thức cho người dân, mà buộc phải “cạnh tranh” với mạng xã hội ảo trong việc chiếm lấy trái tim của công chúng. Trong giáo dục chẳng hạn, sinh viên thời nay có nhiều kênh để tiếp nhân tri thức, hình thành và cọ xát quan điểm với người khác trong xã hội ảo, điều đó buộc trường đại học phải thay đổi để thích nghi. Báo chí cũng không thể nhắm mắt bịt tai các sự kiện trong đời sống bởi vì nếu sự việc đó thực sự có ý nghĩa, cho dù báo chí không đề cập thì cũng sẽ có nhiều người viết về nó, bình luận về nó trên mạng xã hội ảo và gây dư luận không kém báo chí truyền thống.
Vậy thì, đã đến lúc không thể thờ ơ với sự phát triển của mãng xã hội ảo, không thể coi đó chỉ đơn giản là trò chơi của lớp trẻ “sớm nở tối tàn”. Càng không nên coi đó là một “nguy cơ” tiềm ẩn cần phải được ngăn chặn bằng đủ thứ tường lửa (firewall), công an mạng (net-cop)… Ở Trung Quốc, sau khi tốn nhiều công sức và tiền của để xây dựng và vận hành một bức tường lửa khổng lồ (Great Firewall) ngăn chặn người dân tiếp cận thông tin về những đề tài cấm kỵ như Thiên An Môn, Pháp Luân Công … nay nhà cầm quyền nhận ra rằng, bức tường lửa có hiệu quả nhất nằm trong lòng người, trong lớp thanh niên chủ nhân tương lai của đất nước chứ không ở trong hệ thống kỹ thuật tinh vi. Âu đó cũng là một kinh nghiệm đáng chú ý trong việc hoạch định những chính sách linh hoạt nhằm phát huy tích cực của mạng xã hội trong việc phục vụ cộng đồng và thúc đẩy tiến bộ xã hội.
(Theo Huỳnh Hoa - TBKTSG)
Bình luận
"Blog có thể làm máy in ngừng chạy" => chữ "press" có nghĩa là NXB hoặc "báo chí" (the Press) mới đúng. Câu của báo LA Times bị dịch sai rồi.
Kết luận hay, nhưng hơi vội.
Không những kết luận hay mà đoạn nhận định ở ngay phía trên của kết luận cũng hay.
Ngoài ra kết luận có vẻ không vội đâu. Gã khổng lồ phương bắc đang xem xét dỡ bỏ bức tường lửa kiên cố để lấy lòng phương Tây kia kìa[url]article/3688[/url].
Hơi tiếc cái đoạn dịch trong ngoặc của báo LA Times. Trong ngữ cảnh ấy mà còn dịch "press" là "máy in" thì thì ẩu quá.