AVG muốn "lấn sân" sang cung cáp dịch vụ truyền hình cáp.

Viettel, FPT cho rằng cơ quan quản lí nên trung lập về công nghệ và tập trung vào quản lí chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng, còn việc lựa chọn dịch vụ nào sẽ do doanh nghiệp quyết định trên cơ sở nhu cầu của thị trường.

Viettel, FPT Telecom muốn sử dụng cáp đồng trục

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, đến thời điểm này, Viettel đã có 200.000 km cáp quang trên toàn quốc. Hiện độ phủ của cáp quang đến hộ gia đình trung bình trên toàn quốc còn cách là 350 m, nhưng sắp tới Viettel sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn 200 m, thậm chí chỉ còn 100 m vào năm 2015. Điều này có nghĩa là cáp quang đã đến sát hộ gia đình. Do đó, chi phí đầu tư truyền hình cáp, IPTV sẽ giảm đáng kể, chất lượng cao và đặc biệt có thể đến vùng sâu, vùng xa, phổ cập đến các hộ gia đình Việt Nam.

"Mạng cáp quang ngày càng triển khai rộng khắp và sắp tới sẽ chỉ cách nhà dân 100 m. Như vậy, đoạn cáp cuối cùng đến với hộ gia đình để cung cấp dịch vụ truyền hình có thể là cáp đồng, cáp đồng trục, cáp quang. Tuy nhiên, hiện nay nếu lựa chọn tốt nhất cho cung cấp truyền hình tới nhà thuê bao không phải là cáp quang vì công nghệ này đang quá đắt, còn cáp đồng xoắn thì chất lượng không tốt và khi triển khai dễ đứt. Do vậy, việc triển khai cung cấp dịch vụ bằng cáp đồng trục là tốt nhất cho dịch vụ truyền hình trả tiền. Nhưng đáng tiếc rằng chúng ta lại muốn bỏ công nghệ này", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Vẫn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, hiện các mạng viễn thông lựa chọn cáp đồng trục, vừa làm được Internet băng rộng, vừa làm được truyền hình cáp, mà đặc biệt là không gây nhiễu. Trong khi đó cáp quang đang quá đắt nên có thể ngoài năm 2020 chúng ta mới nghĩ đến câu chuyện 50-60% là cáp quang đến với hộ gia đình, còn trong lúc này chỉ dám nghĩ đến 10% vào 2015 là cáp quang, còn lại là cáp đồng và cáp đồng trục. Hiện Viettel đang có mục tiêu mang truyền hình cáp đến tất cả các hộ gia đình, khi đó với cáp đồng trục có thể giải quyết được câu chuyện băng rộng đến các hộ gia đình với tốc độ cao. "Cho dù mạng 3G đã phủ tương đối rộng, nhưng tốc độ thực sự mong muốn cho nhu cầu băng rộng chỉ thỏa mãn được một phần. Do đó, để có thể mang băng rộng tốc độ cao đến từng hộ gia đình thì phải sử dụng cáp đồng điện thoại và nếu các công ty viễn thông đầu tư mạnh vào truyền hình cáp. Nếu chúng ta làm được điều này thì Việt Nam có thể sánh ngang với các nước đang có băng rộng hàng đầu thế giới. Chúng ta hãy để lựa chọn cáp quang, đồng hay đồng trục cho nhà mạng quyết định. Còn cơ quan quản lí nên chú trọng vào quản lí chất lượng dịch vụ", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Đồng tình với quan điểm này, đại diện của FPT cho rằng nếu triển khai cáp quang thì giá quá đắt. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ phải xem xét khía cạnh hiệu quả kinh doanh của mình để lựa chọn công nghệ. "Cơ quan quản lí nên trung lập về công nghệ và tập trung vào quản lí chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng, còn việc lựa chọn dịch vụ nào sẽ do doanh nghiệp quyết định trên cơ sở nhu cầu của thị trường", đại diện FPT nói.

Viện nghiên cứu: "Không nên chọn cáp đồng trục"

Tại Hội thảo xây dựng "Quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình Việt Nam đến năm 2020" vừa diễn ra gần đây, đại diện Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) cho hay ở Việt Nam có hơn 40 đơn vị triển khai truyền hình trả tiền, nhưng thực tế mới phủ sóng được một phần nhỏ dân số. Tiến sĩ Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông cho biết, cần ưu tiên phát triển công nghệ truyền hình mới. Song, khi nói về các loại hình truyền hình sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam trong thời gian tới, ông Tuấn cho biết điều này tùy thuộc địa hình và công nghệ. Theo ông Tuấn, ở thành phố người ta sẽ sử dụng truyền hình cáp vì xu hướng hưởng thụ cao và yêu cầu nội dung trên truyền hình cao như HD, 3D. Khu vực đồng bằng thì là truyền hình số mặt đất hoặc truyền hình cáp. Riêng miền núi, nông thôn phải là truyền hình số vệ tinh hoặc truyền hình số mặt đất vì truyền hình cáp khó mà kéo được lên tít đỉnh núi…

Trả lời câu hỏi liên quan đến việc Viettel, FPT Telecom muốn dùng công nghệ cáp đồng trục để cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, ông Tuấn cho biết: “Chúng tôi đặt ra quan điểm phát triển đơn vị mới hay không phải phụ thuộc công nghệ đơn vị ấy sử dụng là công nghệ gì? Một đơn vị mới gia nhập thị trường cần tránh sử dụng công nghệ lạc hậu và phù hợp với quy hoạch phát triển. Ví dụ như cáp đồng trục thì không nên phát triển, mà phải là công nghệ số”. Vẫn theo ông Tuấn, cáp đồng trục không phải không cung cấp được dịch vụ công nghệ số, nhưng Viện khuyến nghị nên kéo cáp quang, bảo đảm được việc cung cấp dịch vụ 3D TV chứ không nên làm mới công nghệ cũ. Còn với doanh nghiệp đã có truyền hình cáp rồi thì nên sớm chuyển sang công nghệ số.

Đổ xô xin làm truyền hình trả tiền

Mới đây, Viettel, FPT và AVG tuyên bố muốn nhảy vào lĩnh vực truyền hình trả tiền bằng việc cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Viettel và FPT cho rằng những doanh nghiệp viễn thông đang có nhiều lợi thế khi nhảy vào cung cấp dịch vụ truyền hình cáp bởi họ có lợi thế cung cấp nhiều dịch vụ trên cùng một hạ tầng và có thể nhanh chóng phổ cập dịch vụ truyền hình và Internet băng rộng đến 20 triệu hộ gia đình. Theo FPT, khi các dịch vụ mạng hội tụ rất nhiều trên cùng một đường cáp, nếu doanh nghiệp chỉ cung cấp một dịch vụ trên cùng một đường cáp thì không thể tồn tại được. Như vậy, FPT đang có lợi thế khi nhảy vào thị trường này. Hiện FPT Telecom đã đem sợi cáp ADSL đến với hơn 700.000 khách hàng và FPT có tham vọng kết nối nhiều hơn nữa.

Không chỉ có Viettel, FPT và AVG tuyên bố muốn nhảy vào lĩnh vực truyền hình trả tiền, theo Cục Viễn thông, hiện có tới vài chục doanh nghiệp xin làm dịch vụ truyền hình trả tiền. Tại cuộc họp giao ban tháng 7 vừa qua của Bộ TT&TT, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, chỉ riêng VTV đang dự kiến sẽ thành lập 5 doanh nghiệp hạ tầng trực thuộc để làm truyền hình cáp. Nguồn tin của Báo Bưu điện cho hay hiện VNPT cũng đang ấp ủ tham vọng nhảy vào lĩnh vực truyền hình trả tiền bằng một dịch vụ cung cấp qua vệ tinh Vinasat-2.

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (0)