Nguồn nhân lực CNTT đang ở tình trạng "cung không đủ cầu". Ảnh: L.A.D.

Nhân dịp đầu năm mới Mậu Tý, nhận xét về chất lượng nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam hiện nay, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng cho rằng, "chất lượng nguồn nhân lực thấp không chỉ làm giảm năng lực cạnh tranh của ngành CNTT Việt Nam, mà còn gây lãng phí rất lớn cả về thời gian và tiền của nhân dân."

- Hiện tại, nguồn nhân lực CNTT đang ở tình trạng “cung không đủ cầu”. Xin ông cho biết nguyên nhân chính của tình trạng này và giải pháp cụ thể để khắc phục?

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng: - Nói một cách đúng đắn hơn thì việc phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt Nam hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành CNTT và chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của xã hội. Có nhiều nguyên nhân như: ngành CNTT Việt nam có những bước phát triển nhảy bậc, hàng loạt dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài phát triển công nghiệp CNTT quy mô lớn được triển khai, công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng,…

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh một nguyên nhân, đó là trong thời gian vừa qua công tác dự báo nhu cầu và quy hoạch phát triển nguồn lực CNTT chưa được quan tâm đúng mức. Chính vì vậy, chúng ta chưa có sự chuẩn bị kịp thời, đồng bộ để đón làn sóng đầu tư phát triển công nghiệp CNTT, cơ sở hạ tầng thông tin và đáp ứng nhu cầu nhân lực triển khai ứng dụng CNTT.

Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trương đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực CNTT. Xây dựng và triển khai Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt Nam đến năm 2015 là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo đủ nhân lực CNTT phục vụ nhu cầu phát triển và ứng dụng CNTT, xây dựng kinh tế tri thức và xã hội thông tin, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo chất lượng, đồng bộ, chuyển dịch nhanh về cơ cấu theo hướng tăng nhanh tỷ lệ nguồn nhân lực có trình độ cao, tăng cường năng lực CNTT quốc gia.

- Thưa Thứ trưởng, Bộ Thông tin - Truyền thông đã chủ trì soạn thảo Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT đến năm 2020. Xin ông cho biết những định hướng cụ thể của Quy hoạch đề ra và tiến độ triển khai Quy hoạch này, thời gian dự kiến được phê duyệt?

- Chỉ thị 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã chỉ rõ "Phát triển nguồn nhân lực cho công nghệ thông tin là yếu tố then chốt có ý nghĩa quyết định đối với việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin". Nhận thức và quán triệt sâu sắc quan điểm nêu trên, từ năm 2006, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt Nam đến 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Căn cứ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí và ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ký quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT VN đến 2020 (Quyết định số 05/2007/QĐ-BTTTT ngày 26/10/2007).

Quy hoạch này xác định quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp phát triển nguồn nhân lực CNTT VN đến 2020 với nhiều nhiệm vụ cụ thể bao gồm: Phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên công nghệ thông tin; Phát triển đội ngũ nghiên cứu về công nghệ thông tin; Xây dựng và phát triển đội ngũ giám đốc công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước; Đào tạo các tài năng về công nghệ thông tin; Đào tạo nhân lực trình độ cao về công nghệ thông tin; Đào tạo nghề về công nghệ thông tin; Phát triển nhân lực công nghệ thông tin trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng; Đào tạo và bồi dưỡng kiến thức công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức; Dạy tin học cho sinh viên, học sinh các cấp; Phổ cập tin học cho nhân dân,…

Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xúc tiến triển khai các nhiệm vụ và giải pháp của Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt Nam đến năm 2020.

- Bộ TT-TT cũng đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình đào tạo nhân lực CNTT. Xin Thứ trưởng cho biết một vài nội dung cụ thể của chương trình?

Ảnh
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng. Ảnh: L.M.

- Để đẩy mạnh triển khai “Chương trình phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin ở Việt Nam từ nay đến năm 2010” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 331/QĐ-TTg ngày 6/4/2004 và Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin Việt nam đến 2020, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đến năm 2015.

Dự thảo Kế hoạch xác định 17 dự án, đề án trọng tâm cần được xây dựng ngay trong năm 2008 để có thể triển khai trong các năm tiếp theo nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt nam đến 2010 và 2015 bao gồm: dự án nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học về CNTT, dự án phát triển đào tạo nghề về CNTT, dự án Quỹ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực CNTT, dự án xây dựng hệ thống thông tin nhân lực CNTT,…

Đây là một cách làm mới, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt nam, đáp ứng yêu cầu ứng dụng và phát triển CNTT Việt Nam.

- Trong buổi làm việc với Bộ TT-TT, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu xây dựng Chuẩn về đào tạo nhân lực CNTT và Đề án kiểm định chất lượng lao động. Xin Thứ trưởng cho biết tiến độ triển khai các Đề án này thế nào và nội dung cụ thể của các chương trình?

- Như đã nói ở trên, nguồn nhân lực CNTT Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành CNTT và chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của xã hội cả về số lượng cũng như chất lượng. Chất lượng nguồn nhân lực thấp không chỉ làm giảm năng lực cạnh tranh của ngành CNTT Việt Nam, mà còn gây lãng phí rất lớn cả về thời gian và tiền của nhân dân.

Ý tưởng xây dựng Đề án về chuẩn đào tạo, xếp bậc nhân lực CNTT và Đề án kiểm định chất lượng nhân lực CNTT là nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nhân lực CNTT thông qua việc thúc đẩy áp dụng các chương trình, giáo trình, tiêu chuẩn đào tạo CNTT quốc tế, đồng thời kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Vừa qua, Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT đã ký kết thoả thuận hợp tác phát triển nguồn nhân lực CNTT, trong đó có nội dung hợp tác xây dựng cơ chế, chính sách và phối hợp thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT.

Sắp tới, hai Bộ sẽ hợp bàn phương án tổ chức thực hiện thoả thuận hợp tác, và sẽ xem xét, cân nhắc các vấn đề liên quan, trong đó có phương án xây dựng các đề án này.

- Để giải quyết nhu cầu của nhân lực CNTT, với vai trò của cơ quan quản lý, Bộ TT-TT sẽ “xã hội hóa” việc đào tạo này như thế nào, và có cơ chế chính sách gì khuyến khích các doanh nghiệp mở trường đào tạo CNTT? Khi hàng loạt các DN đa quốc gia ồ ạt đầu tư vào VN như Intel, Foxcon, IBM….chúng ta có thỏa thuận gì để “kéo” họ cùng đào tạo nguồn nhân lực, theo đơn đặt hàng của chính họ không?

- Bộ TT-TT đang phối hợp với Bộ GD-ĐT nhằm xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho đào tạo và phát triển nhân lực CNTT. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT-TT đang tích cực xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng phê duyệt những cơ chế chính sách đặc thù này.

Nội dung chủ yếu của các cơ chế chính sách này là nhằm cải thiện quy trình, thủ tục thành lập trường cao đẳng, đại học chuyên đào tạo về CNTT, phân cấp mạnh mẽ và cho phép các trường loại này được tự chủ nhiều mặt trong hoạt động của mình, kể cả về chương trình, giáo trình, tuyển sinh và tài chính.

Nếu được Thủ tướng phê duyệt, tôi cho rằng đây sẽ là một bước đột phá mạnh mẽ và sâu rộng trong công tác xã hội hoá đào tạo nhân lực CNTT, việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp, xã hội cho công tác đào tạo nhân lực CNTT sẽ có những chuyển biến nhảy vọt. Đây cũng sẽ là giải pháp khả thi để thu hút hiệu quả nhất các doanh nghiệp, tập đoàn CNTT lớn đang có ý định đầu tư vào Việt Nam vào việc tổ chức đào tạo hoặc liên kết với các trường để đào tạo CNTT.

- Bên cạnh các chương trình đào tạo, chất lượng “đầu ra” của nguồn nhân lực CNTT cũng đang được quan tâm. Xin Thứ trưởng cho biết biện pháp gì khắc phục nhược điểm lớn hiện nay là nguồn nhân lực trong lĩnh vực này khi đã tốt nghiệp nhưng vẫn phải đào tạo lại?

- Thực ra với một lĩnh vực có tốc độ phát triển và đổi mới công nghệ rất nhanh như công nghệ thông tin thì việc sinh viên ra trường cần có sự đào tạo thực hành để tiếp cận thực tế là cần thiết và bình thường. Ở nhiều nước, các tập đoàn CNTT đều có các chương trình đào tạo nhân viên mới khá bài bản và kéo dài từ 3 đến 6 tháng. Tôi cho rằng các doanh nghiệp CNTT ở Việt Nam cũng cần xem đây là một việc bình thường.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế là sinh viên của chúng ta chưa được cung cấp đầy đủ một số kỹ năng mà lẽ ra họ có thể được đào tạo bài bản hơn trong nhà trường. Đó là kỹ năng về ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, trình bày, tính độc lập và khả năng tổ chức công việc và một số kỹ năng khác.

Do vậy, để nâng cao chất lượng đầu ra cho đào tạo nhân lực CNTT, điều quan trọng là cần có sự cải cách, đổi mới về phương pháp và chương trình đào tạo, các trường cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để cho sinh viên được tiếp cận thực tế ngay cả khi còn trên ghế nhà trường.

Ở nhiều nước, sinh viên năm thứ 3 được đi làm thực tế tại doanh nghiệp 1 năm trước khi vào năm cuối cùng, còn ở nước ta nhiều khoa CNTT thậm chí không yêu cầu sinh viên phải đi thực tập tại doanh nghiệp, điều này làm cho sinh viên ra trường có quá ít kiến thức thực tế, và không chú trọng trau dồi những kỹ năng nói trên.

Do vậy, các trường cần có chính sách, quy định cụ thể hơn để đảm bảo sinh viên có đủ số tiết thực tập thực tế cần thiết tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, thay vì chỉ làm một số đề tài do giáo viên giao như hiện nay.

- Bộ TT-TT đã kiến nghị lập Trung tâm đào tạo CNTT, và trực tiếp quản lý Học viện BCVT. Vậy quá trình này hiện nay ra sao, thưa Thứ trưởng?

- Về đào tạo nguồn nhân lực CNTT: Nghị định 187/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007 của Chính phủ quy định Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thuộc các lĩnh vực quản lý của Bộ. Như đã trao đổi ở trên, Bộ TT-TT chú trọng việc đề xuất xây dựng cơ chế chính sách để nhằm thúc đẩy đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT, cụ thể là đang phối hợp với Bộ GD-ĐT nhằm tập trung xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho đào tạo và phát triển nhân lực CNTT.

Ý kiến về thành lập Trung tâm đào tạo CNTT, và trực tiếp quản lý Học viện BCVT cần hiểu chính xác hơn. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT cần gắn kết chặt chẽ với hệ thống giáo dục quốc dân, phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục và đào tạo của Đảng và Nhà nước.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

(Theo Hoàng Hùng - VNN)



Bình luận

  • TTCN (0)