Hãng bảo mật Sophos tại Mĩ mới đưa ra kết quả điều tra mới nhất cho biết Nga đã trở thành một siêu cường thư rác (spam email) và chỉ chịu đứng sau Mĩ trong việc sản sinh ra các loại bom thư điện tử.

Theo như số liệu báo cáo cập nhật hàng quý của Sophos thì "Quốc gia này đã nhảy vọt lên vi trí số hai thế giới với tổng số 8,3% tổng số thư rác trên thế giới. Nghĩa là trung bình cứ 12 thư rác trong hòm thư thì có một cái xuất xứ từ Nga"

Trong khoảng thời gian từ tháng 10/2007 đến tháng 12/2007, nước Mĩ tiếp tục dẫn đầu danh sách các quốc gia phát tán nhiều thư rác nhất thế giới với 21% trong tổng số thư "không mời mà đến". Những thư rác đó có thể là các đoạn quảng cáo tiếp thị vớ vẩn, các loại virus hay các đoạn mã độc và các phần mềm độc hại.

Tuy nhiên, xét trên bình diện khu vực, châu Á lại là nhà vô địch với tổng số 32%, tiếp đó là châu Âu với 27% và khu vực Bắc Mĩ chỉ đứng thứ ba với 26,5%.

Các quốc gia báo động đỏ với tình trạng thư rác trong báo cáo này bao gồm: Mĩ (21%), Nga (8,3%), Trung Quốc (4,2%), Brazil (4%), Hàn Quốc (3,9%), Thổ nhĩ kì (3,8%), Italia (3,5%), Ba Lan (3,4), Đức(3,2%), Tây ban nha (3,1%), Mexico (3,1%) và Anh (2,5%).

Mike Haro, chuyên gia phân tích bảo mật cao cấp tại Sophos cảnh báo "Các quốc gia liên tục nằm trong nhóm những nước dẫn đầu về phát tán thư rác cần phải đảm bảo rằng họ đang nỗ lực hơn nữa để bảo vệ các hệ thống máy tính của mình bởi nếu như vẫn còn đứng ở các vị trí đứng đầu đó như thể đang thỏa hiệp với tình trạng phát tán tràn lan các thư điện tử đính kèm mã độc và các phần mềm độc hại thì các hacker sẽ tiếp tục coi các hệ thống máy tính tại các quốc gia này như những đích tấn công dễ dàng khi chuyển các dạng thư rác trên có kèm theo botnet và từ đó sẽ nắm quyền kiểm soát"

Sophos cho biết thêm "Một trong những thủ thuật mới đây nhất mà những tên tội phạm mạng hay sử dụng để lọt qua khỏi các bộ lọc thư rác là chúng gửi đi các bức thư đính kèm các file nhạc của các ngôi sao nổi tiếng như Elvis Presley, Fergie và Carrie Underwood".

Những file này thực tế lại là những file âm thanh với những lời lẽ xúi giục người nhận thư mua vào những cổ phiếu của những công ti ít tên tuổi.

Và Haro kết luận "Loại thư rác này là một ví dụ điển hình cho biết làm thế nào mà những tên tội phạm mạng sẽ thay đổi phương thức và chiến lược nhằm xúi giục người nhận thư tiến hành những hành động dại dột"

Quang Minh (theo AFP)



Bình luận

  • TTCN (0)