Công nghệ hiện tại cho phép chúng ta có thể tạo nên một ngôi nhà hiện đại không khác gì trong các phim khoa học viễn tưởng và các show truyền hình như Minority Report hay Eureka.
Nhiều năm trước, ngôi nhà tương lai từng được hình dung là nơi có nhiều robot giúp việc sẵn sàng chờ lệnh từ bảng điều khiển đầy những nút bấm và công tắc. Trên thực tế, tiến bộ công nghệ của 2012 đã khác xa cách đây 10 năm. Tự động hóa đang mang đến công nghệ gọn nhẹ và thông minh hơn thế.
Nhà thông minh là sự kết nối không dây của các thiết bị và người dùng có thể điều khiển chúng bằng máy tính hay điện thoại. Chủ đề này từng nóng lên tại sự kiện CES 2012 vừa diễn ra hồi tháng 2, và có vẻ như các nhà sản xuất lớn như Qualcomm, Samsung, LG, Google… và cả Apple đều đã sẵn sàng vào cuộc.
Công nghệ của Apple
Có thể lấy Apple như một ví dụ điển hình về việc phát triển hệ thống nhà thông minh như thế nào.
Apple hiện đang bán Time Capsule, thiết bị có vai trò của một máy chủ backup (sao lưu dữ liệu) và một router không dây. Thiết bị này sử dụng một ứng dụng trên máy tính gọi là Time Machine để kết nối với Capsule. Mỗi khi được kết nối với máy tính là một lần được sao lưu lại thông qua Wi-Fi. Time Capsule cũng là một router, cho phép khởi động các thiết bị khi kết nối với ĐTDĐ, đồng thời có thể giúp các thiết bị khác nhận biết khi nào chủ nhân có mặt ở nhà hay không (thông qua nhận diện kết nối với di động).
Mỗi khi trở về nhà, Time Capsule nhận diện iPhone bằng 1 địa chỉ IP và bắt đầu backup. Trong khi đó, Siri (tính năng nhận diện giọng nói đang có trên iPhone 4S) sẽ mở lời chào: “Chào mừng bạn đã trở về nhà”. Theo lịch của gia đình, hôm nay là ngày “pizza”, vì thế, ti-vi sẽ được bật lên để tìm thực đơn cho phù hợp. Chủ nhân chỉ cần yêu cầu “Hãy gọi Pizza của tiệm Ray”, và thế là pizza sẽ được Siri đặt hàng mang đến. Siri cũng biết chủ nhân của nó muốn xem ti-vi hay chương trình truyền hình nào. Nên chỉ cần ra lệnh “Xem phim” chẳng hạn, tự động mọi việc sẽ được thực hiện như ý muốn.
Với iHome, ngôi nhà của Apple, người dùng có thể giao tiếp với Siri ở bất cứ nơi nào trong nhà, và Siri sẽ trở thành người quản gia, nghe lệnh và điều khiển toàn bộ hệ thống trong nhà theo ý người dùng.
Tất cả những thiết bị cần sẽ chỉ là: một Siri API cho phép các nhà phát triển thiết lập các ứng dụng và xây dựng hệ thống điều khiển bằng giọng nói trong nhà với chức năng điều khiển của Siri; một hệ thống camera, đèn, khóa, cửa, hệ thống điều chỉnh không khí; một router giúp kết nối tương tác giữa các thiết bị; một iPhone, iPad, máy tính hay một thiết bị trung tâm điều khiển Siri; và công nghệ nhận diện giọng nói của tài khoản người dùng.
Tất nhiên Apple không phải là lựa chọn duy nhất. Google cũng đang nghiên cứu với một “trợ lí” giống như Siri dành cho thiết bị sử dụng nền tảng Android, cộng với sự trợ giúp của vô số nhà sản xuất thiết bị khác. Còn Amazon, hẳn sẽ không thể bỏ lỡ thị trường đầy tiềm năng này khi họ đã có sẵn trong tay các dịch vụ lưu trữ trên nền tảng “mây” và là nhà cung cấp dịch vụ giải trí tốt nhất hiện nay. Thậm chí với vai trò của một nhà phân phối “cỡ bự”, hầu hết các thiết bị phần cứng của nhà thông minh sẽ phải đi qua cửa của Amazon.
Ngày càng thông thái
Cửa sổ giống trong phim Minority Report
Khái niệm này được Samsung mang đến Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) cách đây 1 năm với mẫu thiết kế hoàn toàn mới. Có thể nhiều người nghĩ rằng công nghệ này không có gì lạ. Nhưng không hẳn. Cửa sổ thông minh mà Samsung giới thiệu hoàn toàn khác so với kiểu cửa kính công nghệ cao trước kia vốn chỉ có chức năng tự động làm giảm độ mờ đục của kính.
Cửa sổ thông minh được thiết kế theo mô hình cửa kính trong bộ phim Minority Report, mà bạn có thể cài đặt các ứng dụng vào trên đó, có thể lướt web,… Hiểu một cách đơn giản nhất nghĩa là bạn có thể coi cửa sổ này giống như một màn hình cảm ứng cỡ lớn, nhưng thú vị hơn nhiều khi chỉ cần một lần “chạm” vào các nút bấm là bạn có thể đóng một bậc cửa chớp. Công nghệ hiện đại này của Samsung sẽ được ứng dụng và sản xuất rộng rãi trên thị trường. Có lẽ đây chính là loại cửa sổ thông minh mà bất kì ngôi nhà nào cũng nên có.
TV thông minh
Nhiều năm nay TV thông minh đã không còn là một khái niệm mới xuất hiện. Hiện tại, các loại smart TV đều được trang bị hỗ trợ kết nối Internet không dây, tương thích với hiển thị 3D, kèm theo một kho ứng dụng cực kì phong phú. TV thông minh, hơn thế nữa, còn được trang bị bộ vi xử lí với khả năng tư duy và cho bạn hình ảnh có chất lượng tốt nhất ở mức có thể. Công nghệ này cho phép các nhà sản xuất giới thiệu các màn hình ti-vi siêu mỏng (chỉ vài mm), và có kích thước lớn nhất từ trước đến nay. Các kết nối di động cũng được trang bị sẵn. Các dòng TV thông minh trong tương lai chắc chắn sẽ vô cùng ấn tượng.
Không dây khiến nhà thông minh đỡ tốn kém hơn
Việc lắp đặt thiết bị cho một ngôi nhà thông minh hiện nay là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, chủ nhà phải bỏ ra những khoản tiền kếch xù cho mơ ước của họ. Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi năm ngành công nghiệp nhà thông minh “đóng góp” cho nhà sản xuất khoảng 12 tỉ USD. Tuy nhiên, chi phí này đang giảm xuống và người dùng sẽ có cơ hội sở hữu những ngôi nhà thông minh với mức giá phải chăng hơn nhiều, thậm chí rẻ đến mức đáng ngạc nhiên. Nếu có sẵn hạ tầng thiết bị, việc sử dụng hệ thống 100% mạng không dây, chi phí lắp đặt chỉ ở mức 180 USD và duy trì hệ thống với 80 USD mỗi tháng.
Tủ lạnh không dây
Tủ lạnh thông minh sẽ là vật dụng không thể thiếu trong một ngôi nhà thông minh. Hiện tại, 2 nhà sản xuất Hàn Quốc là Samsung và LG đang đưa ra nhiều ý tưởng về những chiếc tủ lạnh này. Chắc chắn, chúng không phải là những chiếc tủ lạnh thông thường như bạn vẫn dùng hàng ngày. Thời bạn gắn những ghi chú bên ngoài tủ lạnh bằng nam châm đã qua rồi, giờ đây, bạn có thể viết thẳng những dòng này lên trên màn hình cảm ứng của tủ lạnh. Chiếc tủ lạnh trong ngôi nhà kiểu mới sẽ được trang bị kết nối Wi-Fi, màn hình hiển thị LCD, điều khiển bằng giọng nói, và có thể kiểm tra những đồ ăn chứa bên trong bằng cách hiển thị trên smartphone vào bất kì lúc nào bạn muốn.
Bảo vệ bằng trí tuệ nhân tạo
Công nghệ tự động hóa có chức năng báo với chủ nhà mọi bất trắc, và nhờ có Internet, hệ thống này có thể tự kết nối với nhà chức trách khi có kẻ gian.
Tuy nhiên, nếu chỉ có thế thì kiểu bảo vệ này cũng chưa “thông minh” lắm. Nhà thông minh ngày nay còn có thể tự bảo vệ nó và những người trong nhà bằng nhiều “thuật” khác nữa. Nhờ vào một chương trình gọi là “trí tuệ nhân tạo”, ngôi nhà có thể tự “học” hành vi cũng như thói quen của chủ nhân, từ đó cho ra những cảnh báo về sức khỏe, cũng như nhắc nhở họ về những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai.
Tất cả các thiết bị kể trên đều được kết nối với hệ thống mạng trong nhà, nơi bạn có thể truy cập mọi thứ - từ cửa sổ thông minh, hệ thống sưởi ấm, đến hệ thống giải trí. Ngoài ra cũng có vài thiết bị nữa mà bạn sẽ tìm thấy cho ngôi nhà. Có người muốn xây dựng một khu vườn, nơi có thể dùng các vật liệu thông minh để khiến ngôi nhà xanh hơn, tiêu thụ ít năng lượng hơn. Với tốc độ phát triển của công nghệ như hiện nay, khoảng 10 năm nữa, hầu hết mọi người sẽ được sống trong những ngôi nhà thông minh.
Theo PCWorld VN
Bình luận