Điện thoại di động của Motorola đã có nhiều thay đổi, từ chiếc StarTAC đầu tiên ra mắt vào năm 1996, đến chiếc Razr V3 thành công trong năm 2004 và cả thế hệ điện thoại mới như E8, V9.
Những ngày đầu năm 2008, sự kiện Motorola xem xét việc có thể bán bộ phận kinh doanh điện thoại di động thu hút sự chú ý của không chỉ báo giới, mà còn cả những người dùng.
Trong khi đang chờ quyết định của tên tuổi đứng thứ ba trong làng sản xuất điện thoại di động, tạp chí công nghệ Cnet bình chọn 25 điện thoại tiêu biểu nhất của Motorola từ những năm giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước.
Năm 1996, trong khi thiết kế chung điện thoại di động chỉ nghèo nàn là dạng thanh thì Motorola StarTAC đã làm nên một cuộc cách mạng. Lần đầu tiên, người dùng chỉ cần đẩy nhẹ là có thể bật nắp chiếc điện thoại gập mỏng manh của mình. Vẫn với kiểu dáng đó, 8 năm sau Motorola lại thành công với dòng Razr.
Năm 2002, Motorola giới thiệu V70, đây là máy xoay 180 độ. Thiết kế của V70 đã tạo ra một xu hướng mới, với bàn phím được che lấp và chỉ lộ ra sau khi xoay ngược thân máy.
Cũng trong năm 2002, V60 ra đời và được xem là chiếc điện thoại "tất cả trong một" của Motorola. Máy được sản xuất để chạy nhiều mạng, hỗ trợ phương thức đa truy cập phân chia theo thời gian.
Motorola V600 ra mắt năm 2003. Máy có thiết kế gọn nhẹ, đẹp và mở đường cho một loạt các model dòng V như V180, V220, V300 và V505 ra đời.
Motorola MPx200 là chiếc smartphone nhỏ nhắn, chạy hệ điều hành Windows Mobile. Không chỉ có kiểu dáng gập, "chú dế" này còn rất chắc chắn. Motorola tung MPx220 ra thị trường trong năm 2003.
A630 là điện thoại đầu tiên của Motorola có bàn phím Qwerty, với thân hình hơi lớn. Nhà sản xuất điện thoại Mỹ giới thiệu model này vào năm 2004. Đây cũng là thiết bị đầu tiên được sản xuất cho mạng T-Mobile.
Tháng 11 năm 2004, Motorola giới thiệu điện thoại siêu mỏng Razr V3, mẫu điện thoại thành công nhất của hãng. Với kiểu dáng gập, mỏng manh, các phiên bản của dòng Razr đã làm say mê nhiều người dùng, mở đầu một xu hướng điện thoại mới.
Motorola A845 được hãng giới thiệu vào cuối năm 2004. Đây là "dế" 3G đầu tiên, được đánh giá cao về khả năng kết nối. Tuy nhiên, A845 sớm biến mất sau khi ra mắt.
MPx ra mắt năm 2004, chạy hệ điều hành Windows Mobile và có thiết kế khá kỳ cục so với những chiếc điện thoại thời bấy giờ. Máy có bản lề, bàn phím Qwerty điệu đà nhưng khó bấm và được dành riêng cho thị trường Bắc Mỹ.
E1 mở đầu cho dòng điện thoại nghe nhạc mang tên Rokr, thiết bị đầu tiên có chương trình nghe nhạc iTunes. Tuy nhiên, máy tồn tại nhiều hạn chế, ít tính năng.
Motorola E815 là điện thoại 3G cho mạng CDMA. Tuy nhiên, máy không được đánh giá cao do bị giới hạn thời gian khi chuyển file bằng Bluetooth.
i580 là điện thoại Razr cho CDMA, cũng là thiết bị khai sinh ra tính năng Push-to-talk gây nhiều sự chú ý. Mặc dù có thiết kế không đẹp, nhưng i580 là điện thoại chắc chắn nhất.
Được mệnh danh là điện thoại Razr thiết kế dạng thanh, Slvr L7 kết hợp giữa kiểu dáng mỏng manh của V3 và sự cứng cáp của dòng nghe nhạc Rokr. Máy được cài đặi iTunes. Sau L7, Motorola còn có thêm các phiên bản L6, L2 chạy trên mạng GSM và L7c cho mạng CDMA.
Ra mắt tháng 2/2006, Pebl U6 là điện thoại gập có tính đổi mới của Motorola. Tuy nhiên, điểm hạn chế là nhà sản xuất dành riêng phiên bản này cho T-Mobile, mặc dù thêm bốn màu sắc cho U6, nhưng chỉ sau một năm, thiết bị này nhanh chóng bị khai tử.
Krzr K1 mang thiết kế của dòng Razr, tuy nhiên máy không có thêm tính năng nào mới so với thế hệ trước. Ra mắt năm 2006, chiếc điện thoại này hoạt động tốt và bán chạy trên nhiều thị trường. Ngoài phiên bản GSM, Motorola còn bổ sung K1m chạy trên mạng CDMA.
Razr V3i Dolce & Gabbana ra mắt năm 2006 là phiên bản vàng của mẫu điện thoại danh tiếng Razr V3i.
Rizr Z3 là mẫu điện thoại trượt của Motorola. Z3 ra mắt cuối năm 2006. Sau đó một năm, Motorola ra thêm Z6tv xem truyền hình, Z6c hỗ trợ hai mạng GSM và CDMA cùng thuộc dòng Rizr.
Dòng Q bắt đầu được Motorola giới thiệu năm 2006, đây là dòng điện thoại thông minh chạy trên hệ điều hành Windows Mobile. Máy có thiết kế chắc chắn, bàn phím Qwerty tiện dụng, nhưng hoạt động không được như mong muốn. Những thiết bị tiêu biểu của dòng Q là Q8, Q9, Q9 Global.
Dòng Razr V3xx được giới thiệu trong năm 2007, đây được xem là điện thoại kết nối HSDPA mạnh mẽ của Motorola.
Tiếp tục khai thác dòng Razr, Maxx Ve dành cho mạng CDMA có kiểu dáng thay đổi so với các điện thoại khác, hãng đã thêm đèn flash cho camera, thiết kế cũng chắc chắn hơn.
Mùa hè 2007, Motorola đã khai sinh một nhãn hiệu mới trên nền tảng dòng Razr đã quá thành công mang tên Razr2. Đây là những điện thoại có các tính năng cao cấp, màn hình lộng lẫy, hoạt động tốt và kiểu dáng cũng mượt mà hơn. Các điện thoại của dòng Razr2 là V8, V9.
Rizr Z8 có thiết kế trượt uốn cong đặc biệt. Đây là thế hệ điện thoại giải trí mới của Motorola. Tại CES 2008, hãng tiếp tục ra mắt Z10 dựa trên thiết kế Z8, được trang bị camera 3,2 Megapixel, quay phim 30 hình/giây.
Moto Ming A1200 chạy hệ điều hành Linux, đây là chiếc điện thoại thông minh của Motorola nhưng không để lại nhiều ấn tượng.
Moto Sidekick được sản xuất dành riêng cho nhà mạng T-Mobile. Máy có màn hình trượt lên để lộ bàn phím Qwerty. Tuy nhiên, đây là thiết bị có lỗi về pin, Motorola đã chậm trễ trong việc sửa những khiếm khuyết này.
E8 là sự quay trở lại của dòng điện thoại nghe nhạc Rokr, được giới thiệu tại CES 2008. Bỏ qua chương trình iTunes, máy mang đến bàn phím ảo với nhiều thay đổi. Bên cạnh đó, E8 còn hỗ trợ nhiều tính năng điện thoại, chụp hình và nghe nhạc.
(Theo Số hoá)
Bình luận