heo đại diện các đơn vị cung cấp nội dung như Bluesea, VMG..., họ cũng có quyền được cung cấp miễn phí hoặc thu phí đối với các ca khúc sau ngày 1/11.

Một số đơn vị như VMG, Bluesea... cho rằng họ có đầy đủ quyền để cung cấp miễn phí hoặc thu phí dịch vụ tải nhạc của mình đến người dùng.

Trong khi đó RIAV lại khẳng định những đơn vị này không kí quyền ghi âm với RIAV và nếu cung cấp cho người dùng những ca khúc của họ thì sẽ vi phạm quy định pháp luật.

Từ 1/11, các website âm nhạc trong nước bao gồm Zing, Nhaccuatui, Socbay, Nhac.vui, Nghenhac, GoMusic sẽ đồng loạt thu phí với mức phí dự kiến là 1.000 đồng/lần tải nhạc hoặc thu theo thuê bao hàng tháng, có thể được điều chỉnh tăng hoặc giảm tùy theo tình hình thực tế khi chương trình vận hành.

Có thể cho người dùng tải miễn phí nhạc bản quyền

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng Giám đốc VMG cho biết, khi cung cấp nhạc trên di động, do phải làm việc với các nhà mạng lớn và có yêu cầu chặt chẽ về bản quyền nên để có thể cung cấp dịch vụ tải nhạc qua di động, nhạc chuông, nhạc chờ... cho người dùng, các đơn vị cung cấp nội dung số (CP) buộc phải đi mua bản quyền tác giả ở Trung tâm Bản quyền tác giả Việt Nam (VCPMC) và bản quyền ghi âm ở Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV). Nhưng sau một thời gian, các CP thấy rằng VCPMC chỉ là đại diện cho một số nghệ sĩ hay RIAV là thay mặt cho một số hãng đĩa chứ không đại diện cho toàn bộ thị trường âm nhạc ở Việt Nam, nhất là khả năng cập nhật chậm, trong khi yêu cầu của người sử dụng bao gồm những ca khúc mới, của những ca sĩ nổi tiếng... nhưng không ít nghệ sĩ, hãng đĩa trong số này không nằm trong VCPMC hay RIAV. Ví dụ như hãng đĩa Music Face của nhạc sĩ Đức Trí với những gương mặt nổi tiếng như Lê Hiếu, Phương Vi, Suboi, Quốc Thiên, Quân Rapsoul, Anh Khang, Hoàng Bách..., hãng đĩa Music Box, hãng đĩa Viết Tân Studio... hay Công ty Mỹ Tâm Entertainment.

Khi đó, để tạo sự khác biệt, thay đổi trong kinh doanh, các CP buộc phải đi trước bằng cách kí hợp đồng, hợp tác trực tiếp với các ca sĩ, các nhạc sĩ, nhà phát hành, công ty thu âm, biểu diễn... Sau đó, các CP thường sẽ kinh doanh nhạc bản quyền chủ yếu trên di động và sử dụng kênh Internet để quảng bá, truyền thông cho ca khúc, nhạc sĩ, ca sĩ... để người dùng nghe, tải về trên di động.

Cũng theo ông Hà, đối với VMG, đơn vị này vừa kí hợp đồng bản quyền với RIAV đối với quyền thu âm, quyền ca sĩ... và VCPMC đối với quyền tác giả dành cho những ca khúc cũ "đi cùng năm tháng" và kí hợp đồng bản quyền trực tiếp với những ca sĩ, nhạc sĩ, hãng đĩa những ca khúc mới. Do đó, VMG hoàn toàn có quyền cung cấp, thu phí hoặc không thu phí các ca khúc, bởi vì, trong điều khoản kí với các bên liên quan đã quy định "VMG được quyền cung cấp nội dung bài hát đó ở trên Internet để quảng bá hình ảnh, dịch vụ mà không thu phí".

"Đó là chưa kể, chúng tôi có những hợp đồng với nghệ sĩ được độc quyền phát hành ca khúc hay album trên di động và Internet trong một khoảng thời gian nhất định, từ 3 tháng cho đến 1 năm. Khi đó, VMG sẽ là đơn vị duy nhất được quyền cung cấp cho khách hàng và bất kì đơn vị nào khác phát hành là sai quy định pháp luật", ông Hà nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Hoàng Thanh Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ truyền thông thế hệ mới (Bluesea) cho biết, đơn vị này cũng đã kí hợp đồng với RIAV và VCPMC cũng như các ca sĩ, nhạc sĩ, hãng đĩa khác không nằm trong 2 đơn vị này. Vì thế, Bluesea có quyền thu phí hoặc miễn phí đối với các ca khúc trên website musicmusic.vn của mình.

Đại diện Nhacso.net cho biết, hiện đơn vị này cũng có hợp đồng với RIAV, VCPMC. Tuy nhiên, Nhacso.net vẫn đang trong quá trình đàm phán với các đơn vị liên quan và chưa có quyết định chính thức về vấn đề này, dù về cơ bản, Nhacso.net ủng hộ việc thu phí.

Chỉ có 4 website đã kí đồng thời với cả RIAV và VCPMC

Bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch RIAV cho biết, hiện Hiệp hội chỉ có hợp đồng với 4 đơn vị bao gồm FPT (đơn vị sở hữu nhacso.net), 24h (đơn vị sở hữu nhac.vui), Zing và MV Corp. Những đơn vị khác đều đã hết hạn hợp đồng hoặc không kí hợp đồng với Hiệp hội vì mức giá họ đưa ra quá rẻ so với mức mà RIAV chấp nhận được. “Những doanh nghiệp này đều không được cung cấp miễn phí hoặc thu phí những ca khúc thuộc quyền sở hữu của Hiệp hội”, bà Dung nhấn mạnh.

Còn theo đại diện của VCPMC, tính đến tháng 4/2012, đã có khoảng 19 website đã thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả đối với những ca khúc của VCPMC. Ngoài các website trong danh sách sẽ thu phí từ ngày 1/11/2012 như Zing, Nhaccuatui, socbay, nhac.vui... thì danh sách 19 website trên còn những trang web lớn khác bao gồm nhacso.net. yeucahat.com, clip.vn, baamboo.com, music.soha.vn, tamtay.vn, chacha.vn... "Những trang web còn lại này nếu không kí hợp đồng về quyền ghi âm... thì cũng không được cung cấp miễn phí hoặc có phí cho người sử dụng", vị đại diện này cho biết thêm.

Vị đại diện này cũng không loại trừ khả năng một số đơn vị kí hợp đồng tác quyền trực tiếp với những ca sĩ không thuộc Trung tâm. Khi kiểm tra, nếu họ trình được hợp đồng tác quyền và quyền ghi âm thì sẽ không vi phạm các quy định về pháp luật.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)