Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, sắp tới sẽ tiến hành thanh tra việc kinh doanh dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về. Động thái trên nhằm giải quyết vấn đề phá giá dịch vụ này, gây thiệt hại nặng nề cho quốc gia.

Báo Bưu điện Việt Nam vừa có loạt bài phản ánh về tình trạng các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đua nhau phá giá dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về. Vấn nạn này đã diễn ra trong thời gian dài gây thiệt hại không nhỏ cho chính các doanh nghiệp viễn thông và lợi ích quốc gia.

Trên thực tế, Bộ TT&TT đã tiến hành nhiều buổi họp và đưa ra các chính sách, văn bản quản lí chặt hơn đối với dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về. Gần đây nhất, Bộ TT&TT đã ra 2 văn bản để siết chặt kinh doanh dịch vụ và chống việc các doanh nghiệp đua nhau bán phá giá. Cụ thể, Bộ TT&TT đã ban hành Công văn số 140/BTTTT-VT ngày 17/1/2011 về tăng cường quản lí dịch vụ viễn thông quốc tế trong đó yêu cầu: cung cấp dịch vụ VoIP chiều về trên cơ sở giá thành; nghiêm cấm bán phá giá, bù chéo, kinh doanh lậu lưu lượng và thực hiện nghiêm túc cơ chế báo cáo, đặc biệt với doanh nghiệp có thị phần khống chế. Đến tháng 3/2011, Bộ TT&TT ban hành tiếp Công văn số 559/BTTTT-VT về thông báo giá thông thường và tỉ lệ % xác định việc phá giá thanh toán dịch vụ VoIP quốc tế chiều về, theo đó giá bán thông thường là 855 đồng/phút (khoảng 4,1 cent) và các doanh nghiệp nếu bán thấp hơn 15% so với mức giá này thì được xem là phá giá. Quy định này được áp dụng từ tháng 4/2011. Tại thời điểm đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ VoIP quốc tế chiều về cũng đã có cam kết với nhau để giữ mức giá trên.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp viễn thông thì mức giá đó chỉ được các doanh nghiệp tuân thủ trong khoảng 2 tháng, sau đó cuộc chiến giảm giá cước kết nối quốc tế chiều về bắt đầu tái diễn. Một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho hay, đến nay giá dịch vụ kết nối VoIP quốc tế chiều về đã quay lại mức trước khi thiết lập giá bán thông thường mà Bộ TT&TT ban hành là xấp xỉ mức 2,7 cent/phút (chưa đến 600 đồng/phút), thậm chí có doanh nghiệp đã bán dưới 2,65 cent/phút.

Theo phân tích của các chuyên gia viễn thông, với tình trạng phá giá như thế này mỗi năm các doanh nghiệp của Việt Nam đã làm thiệt hại vài chục triệu USD. Việc cạnh tranh quá đà đã khiến dịch vụ trở nên "cằn cỗi", thậm chí có doanh nghiệp còn thua lỗ và dừng không cung cấp dịch vụ nữa.

Trao đổi với báo Bưu điện Việt Nam ngày 27/8/2012, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, hiện nay các văn bản quy định quản lí kinh doanh dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về rất chặt chẽ và đầy đủ. Nhưng các doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện các quy định. Hiện vai trò quản lí dịch vụ này thuộc trách nhiệm của Cục Viễn thông. Trong Luật đã quy định có thanh tra chuyên ngành nằm trong Cục Viễn thông để phục vụ cho công tác thực thi, thanh kiểm tra lĩnh vực viễn thông. Tuy nhiên, Cục Viễn thông mới được thành lập được 1 năm, bộ máy thanh tra chuyên ngành chưa được thành lập nên không tiến hành thanh tra được. "Sắp tới Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về. Căn cứ vào mức độ vi phạm của doanh nghiệp để tiến hành xử lí. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết sẽ áp dụng hình phạt bổ sung là thu hồi giấy phép".

Nguồn tin từ Cục Viễn thông cho hay, ngày 27/8/2012 Cục Viễn thông đã gửi văn bản yêu cầu tất cả các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về phải báo cáo tình kinh doanh dịch vụ của mình. Văn bản này cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông sẽ họp với Cục Viễn thông trong tháng 9 để giải quyết vấn đề bán phá giá dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về.

Một số doanh nghiệp viễn thông cho rằng, Bộ TT&TT có thể áp dụng chính sách phân chia hạn mức lưu lượng kết nối điện thoại quốc tế chiều về theo tiêu chí thống nhất giữa các nhà khai thác dựa trên năng lực, quy mô... của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có thể triển khai nghiêm túc những biện pháp quản lí và các biện pháp như xử phạt tài chính nếu vi phạm. Các doanh nghiệp này khẳng định sẽ ủng hộ việc Bộ TT&TT tiến hành hình thức xử lí cao nhất là thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về nếu phát hiện có vi phạm.

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (0)