Bộ trưởng Lê Doãn Hợp (đang đứng) tại buổi làm việc với VNPT ngày 13/2/2008. Ảnh: Thái Khang.

Ngày 13/2, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT đã đề xuất cổ phần hoá toàn bộ VNPT - một động thái mang tính “cách mạng” vì thời gian qua, việc cổ phần hoá của VNPT bị cho là chậm trễ.

Ngày 13/02/2008, tại Hà Nội, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cùng các Thứ trưởng đã có buổi làm việc với VNPT về chiến lược phát triển của doanh nghiệp nhà nước chủ lực này.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Long Trận, Quyền chủ tịch HĐQT VNPT cho biết, hiện VNPT đang tiến hành cổ phần hoá các đơn vị thành viên, trong đó chủ yếu là các đơn vị thuộc khối xây lắp và công nghiệp. Riêng mạng di động MobiFone đang trong giai đoạn đấu thầu lựa chọn tư vấn cổ phấn hoá và đã thực hiện xong phần chấm điểm kỹ thuật.

VNPT đã báo cáo thủ tướng Chính phủ để triển khai cổ phần hoá Công ty Tài chính Bưu điện, Công ty Cáp Focal, Công ty In tem Bưu điện. Bên cạnh đó, VNPT đã trình Thủ tướng cho phép cổ phần hoá Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC và Công ty VASC sau khi đã điều chuyển phần đường trục và tách báo điện tử Vietnamnet và VnMedia ra khỏi hai đơn vị này.

Ông Phạm Long Trận cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, VNPT cũng sẽ phải cố phần hoá Vinaphone. Tuy nhiên, VNPT đang muốn giữ Vinaphone để thực hiện việc hội tụ công nghệ để đáp ứng xu hướng phát triển hiện nay. Bên cạnh đó hiện nguồn thu chính của VNPT vẫn dựa vào hai mạng di động, vì vậy nếu cổ phần hoá cả hai mạng di động thì sẽ khó bù đắp cho việc phát triển mạng cố định và mạng băng rộng.

VNPT “thèm” cơ chế cổ phần

Mặc dù vậy, ông Phạm Long Trận cho biết, VNPT cũng đang chuẩn bị đầy đủ các yếu tố để tiến tới cổ phần hoá toàn bộ phần viễn thông của Tập đoàn. Bởi theo các Phó Tổng giám đốc của VNPT, cơ chế công ty cổ phần sẽ giải được nhiều vấn đề khó của VNPT hiện nay. Chẳng hạn, hiện đang có một nghịch lý rằng cơ chế tiền lương của VNPT làm hài lòng người có năng lực yếu, nhưng người giỏi lại dứt áo ra đi. Cơ chế tiền lương không dễ thay đổi và chỉ còn con đường cổ phần hoá mới giải quyết được bài toán này.

Hay về vốn, ông Lâm Hoàng Vinh, Phó Tổng giám đốc VNPT đưa ra ví dụ như hãng viễn thông Trung Quốc China Telecom khi cổ phần hoá chỉ bán đi 10% giá trị thì đã có được số vốn bằng với vốn điều lệ của hãng này. Ông Nguyễn Bá Thước, Phó Tổng giám đốc VNPT nhận định, việc cổ phần hoá của VNPT trong thời gian qua chậm và manh mún. “Hiện nay cơ chế đang “khóa” doanh nghiệp nhà nước. Nếu VNPT muốn giữ vai trò chủ lực của quốc gia thì phải “cởi trói” được cơ chế này. "Chúng tôi “thèm” được hoạt động theo cơ chế công ty cổ phần như Tập đoàn Bảo hiểm, Dầu khí…”, ông Nguyễn Bá Thước nói.

Bộ TT&TT: Lo năm 2008 VNPT chưa cổ phần hóa xong Mobifone

Tại buổi làm việc với VNPT, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho rằng VNPT cần phải đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá, coi cổ phần hoá là xu thế tất yếu. Không những cổ phần hoá doanh nghiệp lớn như MobiFone mà trong tương lai cổ phần toàn bộ các doanh nghiệp viễn thông, trong đó cổ phần những doanh nghiệp viễn thông hiện có và những doanh nghiệp mới được thành lập.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng nói muốn cổ phần hoá phần viễn thông, VNPT phải xác định được mô hình cho mình. Vì vậy, VNPT cần xây dựng đề án tổ chức mô hình viễn thông để xác định hướng cho việc cổ phần hoá. Tuy nhiên, việc VNPT cổ phần hoá viễn thông không thể tách khỏi xu hướng hội tụ dịch vụ và công nghệ.

“VNPT không nên tổ chức kinh doanh theo từng dịch vụ mà phải là mạng lưới thống nhất cho phù hợp với công nghệ. Sau đó mới cổ phần hoá phần hạ tầng này. Nếu VNPT cổ phần hoá xong sẽ tự nhiên hoá giải được “vòng kim cô” cơ chế hiện nay đối với doanh nghiệp nhà nước” Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói.

Cũng tại buổi làm việc này, Thứ trưởng Trần Đức Lai cho rằng, VNPT tuy đã cổ phần hóa xong hơn 40 đơn vị thành viên những đây chỉ là những đơn vị nhỏ. Trong khi đó, với tiến độ như hiện nay của VNPT chưa chắc hết năm 2008 đã cổ phần hoá xong MobiFone. Vì vậy, Thứ trưởng Trần Đức Lai đề nghị VNPT phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá theo chỉ đạo của Chính phủ.

(Theo Thái Khang - ICnews)



Bình luận

  • TTCN (0)