Theo ước tính của các mạng, hiện có khoảng 10 triệu SIM số đẹp đang "chết" trên kênh phân phối của các đại lí SIM. Theo quy định mới sắp được Bộ TT&TT ban hành thì sau 3 tháng không phát sinh cước sẽ bị thu hồi.

Ngăn tình trạng SIM số đẹp "chết" trên kênh phân phối

Bộ TT&TT đang xây dựng Thông tư về quy định giá cước sử dụng dịch vụ thông tin di động mặt đất và giá hàng hóa viễn thông chuyên dùng thông tin di động mặt đất. Thông tư này sẽ đưa ra quy định sau thời gian 3 tháng kể từ ngày người sử dụng dịch vụ thực hiện giao kết hợp đồng hòa mạng với doanh nghiệp di động, nếu số thuê bao đã được hòa mạng không có cước thuê bao và không phát sinh lưu lượng đi hoặc đến thì giao kết hợp đồng sẽ chấm dứt.

Các mạng di động cho biết, với quy định này sẽ nhắm mạnh đến đối tượng ôm nhiều SIM nhưng thực chất không sử dụng, trong đó đối tượng buôn bán SIM số đẹp sẽ nằm trong danh sách "nguy hiểm" nhất khi thông tư này có hiệu lực. Theo ước tính của các mạng di động thì hiện có khoảng 10 triệu SIM số đẹp đang nằm "chết" trên kênh phân phối của các đại lí mà không đem lại doanh thu cho nhà mạng cũng như giá trị cho khách hàng do các đại lí găm lại để bán kiếm lời. 10 triệu SIM số này thuộc diện dễ bị thu hồi nếu các đại lí SIM số đẹp không kịp tiêu thụ hoặc không có "chiêu" nào sử dụng theo kiểu để SIM kích hoạt chiếu lệ "né" việc quản lí.

Đại diện Viettel Telecom cho biết, nhà mạng này rất muốn được giải phóng mấy triệu SIM số đẹp của mình đang nằm "chết" trong kênh phân phối (các đại lí) để đến tay khách hàng. "Hiện Viettel cũng có đến vài triệu số đẹp mà đại lí SIM thẻ đang găm lại để bán cho những người có nhu cầu dùng số đẹp. Nhiều SIM số đẹp bị thổi giá lên đến cả tỉ đồng nhưng nằm chết trên kênh phân phối vài năm và không đem lại bất cứ doanh thu gì cho nhà mạng. Trong khi đó, nhà mạng vẫn phải duy trì hệ thống và đóng phí kho số hàng năm", đại diện Viettel Telecom nói. Vẫn theo đại diện Viettel Telecom, hiện nay đang có nghịch lí là hiệu quả sử dụng SIM đầu 11 số lại tốt hơn SIM đầu 10 số vì quá nhiều SIM 10 số bị các đại lí găm lại bán với giá cao cho khách hàng. Trong đó, rất nhiều SIM bị găm kiểu này chỉ phát sinh một vài nghìn đồng/tháng. Như vậy, chỉ có các đại lí buôn bán SIM số đẹp được hưởng lợi ở đây.

Tương tự như ý kiến của Viettel, đại diện VinaPhone cũng cho biết họ ủng hộ chính sách quản lí chặt của Bộ TT&TT. Trước đây, VinaPhone cũng đã đưa ra thời hạn bộ SIM thẻ lưu hành trên thị trường sau 2 năm sẽ bị thu hồi. Nhưng quy định mới của Bộ TT&TT sẽ tiếp tục điều chỉnh mạnh hơn. Như vậy sẽ thúc đẩy việc sử dụng SIM thẻ được tốt hơn và hạn chế được tình trạng SIM số đẹp "chết" trên kênh phân phối và nhà mạng sẽ sử dụng kho số hiệu quả hơn.

Đại lí SIM thẻ án binh, nghe ngóng

Trước hàng loạt các chính sách đã ban hành và sẽ ban hành của Bộ TT&TT về quản lí thuê bao trả trước, siết chặt khuyến mãi và thời gian lưu hành SIM thẻ đã khiến các đại lí SIM số đẹp bắt đầu nhập SIM thẻ cầm chừng để nghe ngóng. Một đại lí SIM thẻ trên đường Nguyễn Lương Bằng – Hà Nội nói: "Chúng tôi cũng thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng nhắc đến việc sẽ thanh tra các điểm bán SIM thẻ và sẽ ra nhiều quy định quản lí nên chúng tôi không dám nhập nhiều bộ Kit, vì ngộ nhỡ chính sách thay đổi thì sẽ trở tay không kịp. Thời gian vừa qua, một số mạng di động cũng đã siết chặt việc khuyến mãi. Có lúc chúng tôi nhập rất nhiều bộ Kit SIM sinh viên, nhưng sau đó nhà mạng cắt hết SIM này và chuyển sang gói cước khác khiến chúng tôi không bán được. Nhiều khách hàng mua SIM sinh viên về dùng bị chuyển sang gói cước khác đến tận cửa hàng bắt đến chúng tôi".

Một chủ đại lí SIM thẻ trên đường Tây Sơn cho biết hiện họ không nhập hàng nữa mà tập trung bán nốt những bộ SIM thẻ đã nhập thời gian vừa qua để chờ xem chính sách của các mạng di động và Nhà nước sẽ thay đổi như thế nào.

Lãnh đạo một mạng di động cũng chia sẻ với Báo Bưu điện Việt Nam rằng có nhiều đại lí SIM thẻ lớn cũng gọi điện hỏi về chính sách trong thời gian tới sẽ thay đổi như thế nào. "Nhiều đại lí lớn nhập cả chục nghìn bộ Kit một lúc hiện cũng nghe ngóng và nhập hạn chế để chờ chính sách mới", đại diện mạng di động này nói.

Trao đổi với Báo Bưu điện Việt Nam, một lãnh đạo Cục Viễn thông cho biết, chính sách quản lí thị trường di động đang bắt đầu phát huy tác dụng. Chính sách đang điều chỉnh hành vi của người dùng từ việc "mua SIM thay thẻ cào" sang "chỉ những người có nhu cầu thực sự mới mua SIM mới". Như vậy, chắc chắn việc phát triển thuê bao mới của các mạng di động sẽ bị chững lại, nhưng sẽ thực chất hơn và hạn chế được thuê bao ảo.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)