Smartphone ngày nay dùng tính năng làm yếu tố tiếp thị chính. Ảnh: TechnologyReview.

Đã qua rồi thời của “thay đổi có tính cách mạng” như iPhone của Apple làm được năm 2007. Ngày nay, các hãng smartphone bắt đầu tập trung cạnh tranh từ những chi tiết rất nhỏ, như máy ảnh tốt hơn, pin “dài hơi” hơn.

Thời của “giá trị gia tăng”

Nếu sự kiện của Nokia và Motorola hôm 5/9 nói lên được điều gì về kỉ nguyên di động mới, đó sẽ là cuộc chiến khởi nguồn từ Apple khi hãng ra mắt iPhone năm 2007 đang chuyển sang giai đoạn trường kì của những “giá trị gia tăng” trên thiết bị.

Hiện tại không phải là thời cho những đột phá có tính cách mạng – như việc Apple cổ súy công nghệ màn hình cảm ứng và bước nhảy vọt về việc “mở” thiết bị cho các nhà phát triển ứng dụng – mà là tạo hiệu ứng marketing để thu hút khách hàng chú ý tới lợi thế như: máy ảnh tốt hơn, thời lượng pin lâu hơn.

Michael Mace – cựu Phó Chủ tịch kế hoạch sản phẩm tại Palm và cựu Giám đốc tiếp thị tại Apple nhận xét: “Dù thay đổi về tính năng tiểu tiết hơn nhiều trong quá khứ, việc nuôi dưỡng sự trưởng thành cho một danh mục sản phẩm là điều bình thường, đặc biệt khi mọi người đều gắn bó với việc sao chép kiểu dáng của Apple, một sai lầm lớn theo ý kiến của tôi. Khi các tính năng trở nên tinh xảo hơn, người dùng nói chung sẽ tập trung vào từng khác biệt nhỏ.”

Trước mùa mua sắm lớn nhất trong năm, gần như mọi hãng sản xuất lớn đều đã công bố (hoặc chuẩn bị công bố) sản phẩm mới. Họ đều mang tới trọn bộ tính năng đáng chú ý trong một hay hai năm gần đây, như màn hình sắc nét hơn và trợ lí bằng giọng nói.

Hôm 5/9, Nokia và Microsoft khai màn bằng việc giới thiệu Lumia 920 và 820 chạy hệ điều hành Windows Phone 8. Sản phẩm mới trang bị bàn sạc không dây và máy ảnh được nâng cấp. Tiếp sau đó là Motorola Mobility (nay là công ty con của Google) với bộ ba điện thoại RARZ mới, cùng các cải tiến như thời gian dùng pin lâu hơn và hiệu suất xử lí nhanh hơn. Để tô điểm cho sự kiện, Motorola đã mời tới ban nhạc rock của Úc biểu diễn và bữa tiệc miễn phí sau đó. Trước đó một tuần, Samsung – hãng sản xuất smartphone số một thế giới – công bố điện thoại Windows Phone 8 đầu tiên, Ative S. Ngày 12/9 tới đây, Apple được kì vọng sẽ vén màn iPhone thế hệ 6, hay còn được gọi là iPhone 5. HTC cũng dự định tổ chức sự kiện ra mắt sản phẩm mới vào 19/9.

Theo Mace, các sản phẩm xuất hiện trước iPhone 5 rõ ràng sẽ lưu lại tâm trí mọi người nhiều hơn. Khung thời gian nói trên cho thấy Motorola và Google đánh giá khá cao Nokia và Microsoft, bất chấp doanh số Nokia Windows không hề khả quan. Tuy nhiên, dù cùng làm sự kiện trong một ngày và lại làm sau đối thủ, bộ ba smartphone của Motorola xét về tính năng lại kém ấn tượng hơn hẳn sản phẩm Nokia. Như vậy, vô tình Google tạo ra lợi thế cho Microsoft/Nokia.

Mace thêm vào: “Nhược điểm của Nokia là Apple có thể nghĩ về thông điệp của họ và đáp trả. Tuy nhiên, với Nokia mà nói, ngay cả khi bị Apple công kích đây cũng sẽ là một chiến thắng, vì như vậy, Apple đã công nhận Nokia là đối thủ lớn.”

Bài toán của Nokia và Apple

“Giá trị của bản thân smartphone, dù là giá trị biên hay điều gì khác, chỉ là một phần trong phương trình. Nếu không có lực đẩy doanh số, sản phẩm không thể sống sót”, Shaun Collins – Giám đốc hãng nghiên cứu CCS Insight và cựu lãnh đạo Nokia – bày tỏ. “Thành công của những điện thoại này phụ thuộc vào nhiều thứ hơn là bản thân chúng. Hỗ trợ từ các nhà mạng và nhà bán lẻ là điều sống còn.”

Nokia – dù chưa công bố ngày bán hàng hay giá bán – cũng phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn. Để thay đổi sự ưa thích hiện tại dành cho Apple hay điện thoại Android, Nokia và Microsoft phải để mắt tới bài toán tiếp thị và cung cấp điện thoại ở giá thấp đáng kể. Thành công dựa trên việc người dùng chuyển từ Apple và Android sang Nokia, song sẽ là thách thức khó khăn để đưa được thông điệp này tới đúng mục tiêu.

Với Apple, nhiệm vụ chính tại thời điểm này, ngoài việc duy trì vị trí công ty giá trị nhất thế giới về vốn hóa thị trường, là không để ai thấy được sự lo ngại của mình. “Giới thiệu sản phẩm thú vị, giao hàng nhanh chóng và không dành nhiều thời gian nói về Google, Microsoft và Nokia”, đó là những gì theo Mace, Apple nên làm.

Bất kể là lợi thế nào, những ưu thế mà Apple tạo ra được không thể thiếu vắng bóng dáng cộng đồng các nhà phát triển ứng dụng trung thành. Chuck Goldman – nhà sáng lập công ty quản lí ứng dụng di động doanh nghiệp Apperian – cho rằng dù các hệ sinh thái khác tỏ ra hấp dẫn, chúng không dễ gì đoạt ngôi của Apple trong tương lai gần. Hệ sinh thái iOS vững vàng cùng số lượng các nhà phát triển đam mê cũng như lượng ứng dụng vượt trội sẽ giúp Apple nắm chắc vị trí dẫn đầu.

Theo ICTnews/TechnologyReview




Bình luận

  • TTCN (0)