Khi giá cước và các chiêu khuyến mãi của các nhà mạng đều đã tương đương nhau, cuộc đua thu hút số lượng thuê bao giờ đây chắc chắn sẽ phải chuyển hướng.

Và các loại hình dịch vụ Giá trị gia tăng (GTGT) trên chuẩn 3G cũng như trên nền tảng mạng thế hệ sau NGN ((Next Genergation Network)… đang được dự báo sẽ là hướng đi tiếp theo cho giai đoạn mới. Thực tế, các dịch vụ GTGT tại thị trường Việt Nam hiện đã và đang phát triển ra sao? hãy cùng chúng tôi nhìn đlại bức tranh toàn cảnh.

Sôi động…

Thực chất, cuộc đua giành thị phần bằng dịch vụ GTGT đã được các mạng và các công ty nội dung khởi động từ lâu. Bằng chứng là số lượng dịch vụ tăng nhanh, đặc biệt “nở rộ” với các hình thức tải nhạc chuông, hình nền… Một số dịch vụ cao cấp cũng đã được chú trọng như TV Mobile - truyền hình di động, Internet Mobile...

Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh tổng quát của dịch vụ GTGT do 6 nhà mạng cung cấp, ngoài S-Fone đã có những dịch vụ riêng biệt (nhưng phần nhiều chưa được triển khai rộng rãi do hạn chế cơ sở hạ tầng), thì các mạng chủ yếu chỉ phát triển dịch vụ trên những lĩnh vực khá quen thuộc như tra thông tin chứng khoán, thông tin giáo dục, nhạc chuông, background, Music… Những dịch vụ thực sự có sức hấp dẫn, làm nên sự khác biệt giữa các mạng thì chưa có nhiều, nếu không muốn nói là còn mờ nhạt.

Song có một tín hiệu tích cực là các mạng đang nỗ lực đem đến tiện ích nhiều hơn cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ. Điển hình HT Mobile với dịch vụ đăng ký hoặc hủy các dịch vụ GTGT thông qua tin nhắn đến số 121. Hay VNPT, Viettel với dịch vụ mới mẻ như là Fixed-SMS.

Về phía các công ty cung cấp dịch vụ, những doanh nghiệp này cũng kịp “ghi tên” mình bằng một số dịch vụ độc đáo. Điển hình là công ty cổ phần truyền thông GapIT với dịch vụ mới nhất “Nhắn tin SMS để biết tắc đường”. Đây là một dịch vụ được GapIT phối hợp chặt chẽ với Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội, qua đó, sẽ thông tin cho người sử dụng tình trạng giao thông tại các điểm nút theo yêu cầu thông qua tin nhắn SMS. Được biết, “Nhắn tin SMS để biết tắc đường” đã được ứng dụng tại nhiều nước trên thế giới và thu được kết quả tốt nhưng đây là lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Với ý nghĩa xã hội đặc biệt của nó, dịch vụ nhận được nhiều ủng hộ của dư luận xã hội và khách hàng.

Một số doanh nghiệp khác trong lĩnh vực địa ốc như công ty Hoàng Việt (Đơn vị chủ quản trang thông tin Nhadatsaigon.vn) cũng đã cho ra mắt dịch vụ “Nhà đất qua tin nhắn SMS”. Đây là dịch vụ nhằm phục vụ những khách hàng có nhu cầu mua, bán, thuê hay cho thuê nhà tại TP. HCM. Hay công ty cổ phần Vạn Phát Hưng, một trong những doanh nghiệp địa ốc tại TP. HCM cũng đang tiến hành việc đưa SMS vào hoạt động kinh doanh của công ty.

Như vậy, mong đợi có những dịch vụ riêng biệt, những ứng dụng ngày càng gần với cuộc sống của khách hàng đã phần nào được quan tâm.

Bùng nổ?

Thái độ đón nhận của người sử dụng và việc chú trọng khai thác dịch vụ GTGT của các nhà cung cấp đã chứng tỏ xu hướng cạnh trên hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, chưa thể kết luận dịch vụ GTGT đã thực sự bùng nổ, nhiều đột phá hoàn toàn mới lạ tại thời điểm này. Ngược lại, thời điểm hiện tại được nhận định là bước chuyển để người sử dụng có nhiều lựa chọn chất lượng trong tương lai. Nhiều chuyên gia viễn thông đã nhận định: hạn chế của dịch vụ GTGT chủ yếu xuất phát từ yếu tố hạ tầng công nghệ. Vậy điểm yếu này sẽ được xóa bỏ thế nào trong năm 2008?

Trước mắt, khách hàng có thể trông đợi vào kết quả cuộc thi tuyển cấp phép 3G và WiMax sắp diễn ra. Trong năm 2008, Bộ Truyền thông & Thông tin sẽ cấp phép 3G và Wimax lần lượt cho 3 doanh nghiệp thuộc mỗi mục. Với công nghệ 3G, các dịch vụ GTGT sẽ không dừng lại ở tải nhạc chuông, hình nền, truy cập Internet thông qua GPRS tốc độ chậm… Thay vào đó, khách hàng được sử dụng dịch vụ chất lượng cao và chuyên dụng hơn.

Sự thay đổi rõ nhất sau cấp phép là những dịch vụ 3G đích thực sẽ có mặt và được triển khai rộng rãi tại Việt Nam. Còn hiện tại, do nhiều yếu tố, đặc biệt là cơ sở hạ tầng mạng, các dịch vụ - dù được công bố là 3G - cũng chỉ triển khai được ở chuẩn 2,5G.

Một tín hiệu quan trọng nữa dự báo sự bùng nổ của dịch vụ GTGT trong thời gian tới là VNPT, Viettel và EVN Telecom cơ bản sẽ xây dựng xong mạng viễn thông thế hệ mới NGN, hỗ trợ đắc lực cho nâng cao chất lượng, giảm giá dịch vụ - vào cuối năm 2008.

Lợi ích lớn nhất của NGN so với thế hệ mạng trước đó là khả năng tích hợp. Thực tế, mạng viễn thông truyền thống dựa trên công nghệ chuyển mạch kênh TDM, đơn thuần là sự tập hợp của các mạng riêng lẻ như mạng cố định, mạng di động, mạng Internet. Mỗi mạng riêng biệt đó chỉ phục vụ cho một loại dịch vụ viễn thông nhất định và không thể sử dụng cho mục đích khác và đòi hỏi đội ngũ quản lý riêng.

Nhưng với mạng NGN tất cả các dịch vụ này đều chạy trên nền một hệ thống chuyển mạch gói. Nó tích hợp cả phần thoại, số liệu, di động, cố định, băng rộng, băng hẹp... Ví dụ, trước kia, khách hàng không thể sử dụng các dịch vụ di động bằng điện thoại cố định. Nhưng hiện nay khách hàng Việt Nam đã có thể nhắn tin cho thuê bao di động từ một máy điện thoại cố định và ngược lại… Trong khi đó, xu hướng sử dụng dịch vụ của khách hàng là ngày càng đơn giản, ít thiết bị và đa tính năng. Rõ ràng, NGN đã trở thành sự lựa chọn tất yếu.

Về hiệu quả kinh doanh lâu dài, NGN sẽ giúp giảm giá thành dịch vụ và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Và quan trọng nhất, mô hình kinh doanh trên mạng NGN sẽ kích thích các dịch vụ nội dung phát triển mạnh mẽ và có thể xã hội hoá việc cung cấp dịch vụ này do giá thành dịch vụ thấp hơn hiện nay rất nhiều.

Đáng mừng nhất, lợi ích của NGN đang đi vào thực tế tại Việt Nam. VNPT đã triển khai nền tảng này cách đây vài năm và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2008. Các doanh nghiệp viễn thông EVN Telecom, Viettel Telecom cũng chọn thế hệ mạng mới NGN cho chiến lược phát triển lâu dài. Trong khi EVN Telecom chọn hướng NGN hóa mạng cố định trước thì Viettel Telecom lại chọn mạng di động làm “mũi tiên phong”. Hiện Viettel Telecom mới đầu tư và đang lắp đặt thiết bị đáp ứng cho khoảng 10 triệu thuê bao di động.

Một gương mặt có vẻ “ngoại đạo” là FPT Telecom cũng tham gia cuộc vận động này. Thông tin cho thấy, FPT Telecom sẽ cung cấp dịch vụ điện thoại cố định trên nền tảng NGN và tổng đài Softswich. Khách hàng lựa chọn dịch vụ trên sẽ cùng lúc được sử dụng Internet băng rộng, điện thoại cố định và truyền hình IP.

Rõ ràng, NGN đã làm các công ty viễn thông, dịch vụ với các loại hình kinh doanh khác biệt xích gần nhau hơn.

Ngoài các yếu tố công nghệ, năm 2008 được đoán là bước chuyển mạnh để dịch vụ GTGT bùng nổ còn do sự tham gia, đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài. Sự xuất hiện của những tên tuổi như France Telecom, Docomo, SK Telecom… cũng hứa hẹn nhiều dịch vụ mới. Thế mạnh của các doanh nghiệp nước ngoài là công nghệ và dịch vụ công nghệ cao, có chiều sâu, khu biệt từng đối tượng khách hàng như Mobile TV, Mobile Network TV…Và khi họ tới Việt Nam, các doanh nghiệp và cả khách hàng đều sẽ được thừa hưởng tất cả những ưu thế đó. Nguyên bộ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông, GS.TS Đỗ Trung Tá từng nhận định: Việt Nam quyết định chuyển toàn bộ mạng lõi sang mạng thế hệ NGN từ năm 2008 nên sự tham gia của các đối tác nước ngoài là rất quan trọng…

Tất cả các yếu tố nêu trên cho phép nhiều người sử dụng tin tưởng: năm 2008 là sẽ khởi đầu “thời điểm vàng” của các dịch vụ GTGT tại Việt Nam…

(Theo eChip Mobile)



Bình luận

  • TTCN (0)