Ngày 16/5/2007, nhân kỷ niệm 10 năm triển khai Internet ở Việt Nam, kỷ niệm 142 năm ngày Viễn thông thế giới và ngày Xã hội thông tin do Liên Hiệp quốc phát động, Bộ Bưu chính Viễn thông đã tổ chức Hội nghị quốc gia về phát triển Internet nhằm tổng kết, đánh giá sự phát triển của Internet Việt Nam sau 10 năm triển khai, phân tích nguyên nhân thành công và tồn tại, từ đó xác định các biện pháp để phát triển Internet nhanh, hiệu quả và có nhiều đột phá hơn nữa, đạt được các mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển Viễn thông và Internet đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Đến năm 2007, cả nước đã có 4,3 triệu thuê bao Internet quy đổi, đáp ứng nhu cầu sử dụng của 15,5 triệu dân, đạt mật độ 18,64 người sử dụng (NSD)/100 dân, cao hơn bình quân khu vực ASEAN và thế giới. Cùng với quá trình phát triển cũng nảy sinh một số vấn đề về chính sách quản lý, việc cấp phát sử dụng tài nguyên Internet, công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin trên mạng. Bài viết giới thiệu toàn cảnh 10 năm Internet Việt Nam ghi nhận từ hội nghị.
{mospagebreak title=Quản lý nhà nước: "mở" theo nhu cầu phát triển}
Quản lý nhà nước: “mở” theo nhu cầu phát triển
Một trong những chính sách quan trọng được coi là có bước đột phá trong tư duy quản lý Internet là Nghị định 55 về “Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet” ban hành tháng 8/2001 với quan điểm “Quản lý phải theo kịp nhu cầu phát triển”. Nghị định 55 có ý nghĩa lớn với sự phát triển của Internet vì trong gần 5 năm trước đó, Internet chỉ được “mở” theo năng lực quản lý hay “quản đến đâu mở đến đó” theo tinh thần Nghị định 21 “Quy định tạm thời quản lý Internet” ban hành tháng 3/1997.
Ngay sau Nghị định 55, Kế hoạch phát triển Internet Việt Nam 2001-2005 được Thủ tướng phê duyệt đặt ra 3 mục tiêu lớn: đẩy nhanh việc phổ cập Internet trong mọi hoạt động của nền kinh tế xã hội với chất lượng tốt, giá cả thấp hơn hoặc tương đương khu vực; phát triển hạ tầng Internet để ứng dụng thuận lợi thương mại, bưu chính viễn thông, ngân hàng, giáo dục, y tế,...; tạo lập môi trường cạnh tranh với nhiều DN tham gia cung cấp dịch vụ.
Theo đó, nhiều thành phần kinh tế được phép tham gia cung cấp dịch vụ Internet, số lượng các DN tham gia cung cấp dịch vụ cũng không bị hạn chế. Chính sách quản lý giá chỉ hạn chế các DN chiếm thị phần khống chế và cho phép các DN khác được tự quyết định đã tạo lập được môi trường cạnh tranh và thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ Internet. Các cơ chế, chính sách cũng hết sức ủng hộ và tạo điều kiện triển khai công nghệ mới như ADSL, Wi-Fi, WiMAX,... song song với việc thúc đẩy và hỗ trợ DN nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua ban hành các tiêu chuẩn, yêu cầu DN công khai thông tin chất lượng trên website.
Tuy nhiên, theo Vụ Viễn thông - Bộ BCVT, hệ thống văn bản pháp quy đến nay cũng đã bộc lộ những điểm không còn phù hợp với đặc điểm thị trường cũng như yêu cầu phát triển như việc phân loại quá chi tiết và cấp phép cho các IXP, ISP, OSP viễn thông, vấn đề phát triển các IX (Internet Exchange) mới, khả năng triển khai và năng lực cạnh tranh của các ISP không có hạ tầng. Ngoài ra, một số quy định cũng cần được chỉnh sửa đề phù hợp với các hệ thống pháp luật mới (luật DN 2005, luật Đầu tư 2005,...) như quy định về trò chơi trực tuyến, dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông.
Với một vài ý kiến tại Hội nghị về việc sửa đổi các quy định pháp lý liên quan tới viễn thông và Internet còn chậm, để sửa một nghị định phải mất đến ba năm, Thứ trưởng Bộ BCVT Lê Nam Thắng khẳng định: “Thời gian ba năm, Bộ BCVT dự kiến đã phải đưa ra luật Viễn thông, luật Tần số Vô tuyến điện, luật Bưu chính mới. Nếu có bất cập trong cơ chế, chính sách luật pháp về Viễn thông và Internet, Bộ quyết tâm nhanh chóng sửa đổi các nghị định, thông tư liên quan để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển Internet nhanh nhất”. Đây có thể coi là sự tái khẳng định của cơ quan quản lý nhà nước về quyết tâm “mở” năng lực theo nhu cầu phát triển của Internet.
{mospagebreak title=Hạ tầng và dịch vụ: bùng nổ ADSL}
Hạ tầng và dịch vụ: bùng nổ ADSL
Với các chính sách thúc đẩy cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ Internet, nhiều DN thuộc các thành phần kinh tế khác nhau đã tham gia thị trường. Theo thống kê, hiện có 26 DN đã được cấp phép cung cấp dịch vụ Internet, trong đó hơn 2/3 đã chính thức cung cấp, triển khai dịch vụ. Thị trường Internet của Việt Nam đã có cạnh tranh mạnh. Đối với dịch vụ truy cập Internet, thị phần của các DN ngoài Tập đoàn BCVT (VNPT) chiếm gần 50%, tuy nhiên đối với một số dịch vụ khác như điện thoại Internet hay trò chơi trực tuyến, cuộc chơi lại đang nằm trong tay các DN mới như OCI hay Vinagame.
Dấu ấn quan trọng góp phần đưa Internet trở nên phổ biến tại Việt Nam là sự ra đời và phát triển bùng nổ của dịch vụ truy cập Internet băng rộng ADSL. Nếu như năm 2004 các nhà cung cấp dịch vụ Internet phát triển được 570.000 thuê bao quay số và 300.000 thuê bao ADSL thì sang năm 2005 số lượng thuê bao quay số phát triển mới giảm xuống còn 476.000, trong khi số thuê bao băng rộng mới tăng gấp 4 lần, đạt trên 1,2 triệu thuê bao. Cuối năm 2005, cả nước có 2,9 triệu thuê bao qui đổi, đáp ứng nhu cầu sử dụng của 10,7 triệu dân, tương ứng với 12,9% dân số, vượt qua ngưỡng trung bình của châu Á (8,4%). Tháng 3/2007, số lượng NSD Internet đã vượt ngưỡng trung bình thế giới, xếp hạng 17 trong top 20 nước với 4,3 triệu thuê bao Internet quy đổi, phục vụ 15,5 triệu dân, đạt mật độ sử dụng 18,64 người/100 dân.
Với nhu cầu dịch vụ ADSL không ngừng tăng nhanh, mạng truy nhập băng thông rộng đã có mặt ở khắp các tỉnh thành và có cạnh tranh mạnh tại nhiều địa phương. VNPT và Viettel đã triển khai ADSL, kênh thuê riêng ở tất cả các tỉnh thành, EVN cung cấp ADSL, kênh thuê riêng, CATV, CDMA ở 24 tỉnh thành. Trong khi đó, các DN khác như FPT, SPT, Netnam, VNGT chỉ tập trung triển khai tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Do tác động của cạnh tranh, giá cước Internet những năm qua đã giảm mạnh. Các gói cước ADSL hiện nay giảm 3-4 lần so với khi bắt đầu triển khai năm 2003, đạt mức thấp hơn trung bình trong khu vực.
Kết nối Internet quốc tế cũng tăng nhanh về số hướng và băng thông. Hiện toàn quốc có 3 cổng kết nối đi 10 nước với tổng băng thông tính đến tháng 4/2007 là 8,7G. Các DN ngoài tập trung phát triển mạnh mạng của mình cũng đã thực hiện kết nối với nhau và với VNIX (Vietnam Internet Exchange) để tăng cường lưu lượng trung chuyển trong nước. Các nỗ lực mở rộng băng thông, mở kết nối đã giúp tốc độ và chất lượng truy nhập Internet ngày càng tăng cao. Bộ BCVT cũng đã ban hành tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng đối với ADSL và dịch vụ kết nối Internet đồng thời công khai thông tin chất lượng dịch vụ trên Website Bộ nhằm thắt chặt công tác quản lý chất lượng dịch vụ đang trở nên rất phổ biến này.
{mospagebreak title=Ứng dụng: nội dung thông tin số phát triển mạnh}
Ứng dụng: nội dung thông tin số phát triển mạnh
Nhu cầu Internet băng rộng nhanh chóng bùng nổ ngoài nguyên nhân do chất lượng kết nối tăng, giá cước hạ, thì sự gia tăng các ứng dụng, dịch vụ trực tuyến và thông tin tiếng Việt trên mạng đóng vai trò quan trọng.
Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam 2005 (Vienam ICT Index 2005) cho biết, 26/28 Bộ ngành, 52/64 UBND tỉnh thành đã có website, trong đó nhiều website công khai qui trình thủ tục dịch vụ công, một số website tỉnh thành bước đầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến như đăng ký kinh doanh, hải quan điện tử, quản lý trạm xăng dầu. Ứng dụng Internet trong giáo dục, y tế cũng trở nên phổ cập với 100% trường đại học và cao đẳng, 100% viện nghiên cứu, bệnh viện trung ương có kết nối Internet. Tuy có những điểm sáng nhưng thông tin trên mạng của hai ngành này được đánh giá là còn nghèo nàn, hiệu quả chưa cao.
Nội dung thông tin số phát triển mạnh nhất ở khu vực DN, nhanh chóng hình thành nền công nghiệp nội dung thông tin số ở nước ta. Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp CNTT cho biết, tính đến năm 2005 cả nước đã có trên 400 DN sản xuất, kinh doanh nội dung số, trong đó có khoảng 300 DN chuyên hoạt động trong lĩnh vực này, thu hút gần 25.000 lao động. Doanh thu toàn ngành năm 2006 đạt gần 110 triệu USD. Theo ông Đường, với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nội dung trên mạng chính là yếu tố quyết định sự phát triển của Internet, tuy nhiên cần lưu ý phát triển cân đối giữa công nghiệp nội dung và hạ tầng Internet. Nội dung cho Internet và thương mại điện tử (TMĐT) sẽ tăng trưởng đột phá khi hạ tầng Viễn thông được nâng cấp và an toàn bảo mật thông tin được đảm bảo hơn.
{mospagebreak title=Tài nguyên: địa chỉ IPv4 đang cạn kiệt}
Tài nguyên: địa chỉ IPv4 đang cạn kiệt
Với sự phát triển nhanh chóng của Internet, không gian địa chỉ IPv4 tưởng như rất lớn lại đang trở nên cạn kiệt ở cấp độ toàn cầu. Theo số liệu từ Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), số lượng địa chỉ IPv4 của thế giới vào khoảng 4,2 tỷ, bao gồm 256 khối /8, mỗi khối /8 tương đương 65.536 Class C hay 16.777.216 địa chỉ IP, và toàn bộ tài nguyên này được quản lý và cấp phát bởi Tổ chức cấp phát số hiệu Internet (IANA – Internet Assigned Numbers Authority). Tuy thế, số địa chỉ IPv4 hiện có thể cấp phát sử dụng của IANA chỉ còn 47 khối /8, trong khi đó, lượng cấp phát sử dụng tham khảo hàng năm là 9 khối /8 cho năm 2004, và 13 khối /8 trong năm 2005. Với tốc độ như vậy, theo dự báo của các chuyên gia, số lượng 48 khối /8 còn lại của IANA sẽ chỉ đủ dùng cho khoảng thời gian một vài năm tới. Hiện, các tổ chức quản lý Internet quốc tế đang xây dựng gấp các chính sách liên quan để quản lý chặt nguồn tài nguyên địa chỉ còn lại rất ít ỏi này. Các phương án dự kiến là cho đấu thầu, mua bán, chuyển nhượng.
Vấn đề thiếu địa chỉ đối với các ISP Việt Nam, theo ông Trần Minh Tân – Phó Giám đốc VNNIC, có 2 phương án giải quyết. Thứ nhất: các ISP có thể xin cấp phát địa chỉ dự phòng - hướng này là khó thực hiện và không lâu dài do các tổ chức quản lý địa chỉ hiện đã thắt chặt việc xét duyệt. Phương án còn lại, các ISP nghiên cứu đưa vào sử dụng IPv6 thay thế cho IPv4, tuy nhiên hiện chỉ có VNPT đang nghiên cứu ứng dụng công nghệ này. Ông Tân cho biết, sắp tới, Bộ BCVT sẽ thành lập đội “IPv6 Task Force” bao gồm các đơn vị có liên quan trong Bộ và các ISP đã cung cấp dịch vụ để xúc tiến triển khai IPv6 tại Việt Nam.
Một tài nguyên Internet khác đang được quản lý và sử dụng rất hiệu quả là hệ thống tên miền quốc gia .VN. Theo thống kê của VNNIC, đầu năm 2005 tổng số tên miền .VN được cấp phát còn dưới một vạn, thì đến thời điểm này, con số đó đã tăng hơn 4 lần, đạt trên 4 vạn tên miền. Thời gian gần đây cũng đang hình thành xu hướng các website chuyển từ tên miền cấp cao quốc tế dùng chung sang sử dụng tên miền quốc gia .VN do độ an toàn và khả năng phản ánh tính chất quốc gia của tên miền này. Hơn nữa, các hình thức giải quyết tranh chấp tên miền .VN đã được quy định rõ trong Luật CNTT giúp các chủ thể an tâm hơn khi sử dụng. Tuy vậy, các quy định hiện tại vẫn chưa cho phép mua bán, chuyển nhượng tên miền .VN. Để thực hiện điều này, cần phải sửa đổi một số văn bản pháp quy, trong đó có cả Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông - Thứ trưởng Bộ BCVT Lê Nam Thắng cho biết.
{mospagebreak title=An toàn an ninh: cấp bách}
An toàn an ninh: cấp bách
Theo Vụ Viễn thông, vấn đề an toàn an ninh mạng hiện nay là rất nghiêm trọng, ngày càng có nhiều thông tin độc hại trên Internet mà chưa có được các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn. Đại diện Vụ Công nghiệp CNTT cũng cho rằng, hiện các nguy cơ, các loại hình tấn công trên thế giới như phát tán virus diện rộng, tấn công bôi nhọ, phá hoại, lừa đảo trực tuyến, đánh cắp thông tin thẻ tín dụng,... hầu như đã xuất hiện đầy đủ và đang phát triển khá nóng tại Việt Nam.
Theo thống kê chưa đầy đủ thì năm 2006 tại Việt Nam có gần 900 virus mới xuất hiện, hơn 16 triệu lượt máy tính bị nhiễm virus, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với mỗi NSD Việt Nam ước tính gần 500.000 đồng/năm. Số liệu từ diễn đàn bảo mật Zone-H cũng cho biết, năm 2006 Việt Nam có trên 235 trang web bị tấn công từ bên ngoài, trong đó có tới 40 trang thuộc các cơ quan chính phủ. Số trang web bị hacker nội tấn công chưa thống kê được nhưng một số vụ điển hình có thể kể tới như học sinh Bùi Minh Trí tấn công vào website của Bộ Giáo dục Đào tạo hay các đợt tấn công DDOS làm DN TMĐT Vietco gần như rơi vào tình trạng phá sản. Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cũng thông báo, riêng trong quý I năm 2007 đã nhận được 3 yêu cầu hỗ trợ xử lý phishing quốc tế.
Trên thực tế, bên cạnh việc an ninh mạng chưa được các DN, tổ chức quan tâm đúng mức, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cũng còn chậm. Mặc dù chúng ta đã có Luật Giao dịch điện tử, Nghị định Chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, nhưng việc triển khai Nghị định, hệ thống kỹ thuật của Trung tâm chứng thực Chữ ký số quốc gia cũng như các Trung tâm Phòng chống tội phạm công nghệ cao, VNCERT chưa xứng tầm. Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc VNCERT Vũ Quốc Khánh cũng thừa nhận: tính ổn định và an toàn của không gian mạng là điều kiện tiên quyết để phát triển Chính phủ điện tử - TMĐT, đã đến lúc chúng ta phải quan tâm đến “chất lượng” an toàn thông tin của Internet Việt Nam.
{mospagebreak title=Năm 2020: bằng các nước phát triển}
Năm 2020: bằng các nước phát triển
Qui hoạch phát triển Internet đến năm 2010 đề ra chỉ tiêu mật độ thuê bao Internet đạt 8-12 thuê bao/100 dân, tỉ lệ NSD đạt 25-35%. Bộ BCVT trong buổi làm việc gần đây với Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ năm 2007 và kế hoạch đến năm 2010 đã đưa ra dự báo cao hơn: mật độ thuê bao đạt 13-15%, số NSD Internet đạt 35-40%. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá bày tỏ tin tưởng: giai đoạn 2007-2010 sẽ hình thành “cơn lốc Internet” ở Việt Nam, các chỉ tiêu về Internet mà Bộ đề ra trở thành các con số dự báo thấp và đến năm 2020 mức độ sử dụng Internet Việt Nam sẽ đạt trình độ các nước phát triển.
Căn cứ của các mục tiêu trên đây là Việt Nam có dân số trẻ, nhu cầu sử dụng, ứng dụng Internet trong thời gian tới là rất lớn, các DN Internet lớn đã có nguồn lực nhất định và có kinh nghiệm cạnh tranh. Nhiều chính sách và văn bản pháp luật quan trọng như luật giao dịch điện tử, luật CNTT, kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT đến năm 2010, chương trình phát triển công nghiệp nội dung thông tin số đến năm 2010,... đã được phê chuẩn và triển khai. Bên cạnh đó, việc liên tục triển khai các công nghệ mới với tốc độ cao hơn, phương thức kết nối dễ dàng hơn như Wi-Fi, điện thoại IP, 3G, WiMAX,... sẽ thúc đẩy nhanh số lượng và mật độ thuê bao băng rộng.
Các mục tiêu về tăng trưởng và phổ cập Internet rất cao, song trong công tác tạo lập chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước cần hài hoà được lợi ích của ba bên: nhà nước, DN và NSD, sao cho đồng thời đạt được hai mục tiêu: đưa Viễn thông – Internet trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đồng thời phổ biến Internet, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội. Cơn lốc phát triển Internet phải đồng hành cùng cơn lốc về tăng trưởng kinh tế của các DN cung cấp dịch vụ Internet và các nội dung giá trị gia tăng trên mạng.
(theo Tạp chí BCVT)
Bình luận