Quy định phạt đến 10 triệu đồng nếu để người sử dụng truy cập thông tin có nội dung đồi trụy, cờ bạc... là một trong số những đề xuất được cho rằng sẽ gây khó dễ cho doanh nghiệp, đại lí Internet.
Phạt người dùng 1 triệu đồng nếu không đăng kí thông tin cá nhân khi chơi game online
Theo dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lí, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đang được lấy ý kiến trên website Bộ TT&TT, những điểm truy nhập Internet công cộng hoạt động từ 0 giờ đến 8 giờ hoặc không tuân thủ thời gian hoạt động do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định; sử dụng đường truyền thuê bao để cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cho công cộng; không có đăng kí kinh doanh đại lí Internet hoặc không có hợp đồng đại lí Internet, sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng.
Mức phạt tương tự cũng được áp dụng cho các hành vi như để người sử dụng Internet sử dụng các tính năng của máy tính thực hiện các hành vi bị cấm tại Nghị định quản lí, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng hay để người sử dụng truy cập, xem, tải các thông tin, hình ảnh, phim có nội dung đồi trụy, cờ bạc, bói toán, mê tín dị đoan.
Cũng theo Dự thảo, đối với các quy định về người chơi, game thủ sẽ bị phạt đến 1 triệu đồng nếu không thực hiện đăng kí thông tin cá nhân khi chơi các trò chơi trực tuyến có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ của doanh nghiệp hay không chấp hành quy định về quản lí giờ chơi hoặc quy định về thời gian hoạt động của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.
Ngoài ra, nếu người chơi lợi dụng trò chơi điện tử để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc gia sẽ bị phạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.
Tuy nhiên, Dự thảo mới ngày 13/9/2012 cũng đã bỏ quy định xử phạt nếu các mạng xã hội nước ngoài có nhiều người dùng tại Việt Nam cung cấp thiếu thông tin (tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, số fax, địa chỉ thư điện tử) về người đại diện hợp pháp hay không thực hiện quy trình, thủ tục phối hợp với Bộ TT&TT để thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm có liên quan tới việc cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, quy định "Sản xuất hoặc nhập khẩu các thiết bị, phần mềm có khả năng kết nối Internet nhưng không ứng dụng được công nghệ IPv6" cũng đã được điều chỉnh "theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông" thay vì bắt các doanh nghiệp phải thực hiện ngay khi Nghị định có hiệu lực.
Vẫn còn nhiều quy định bất cập?
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Giám đốc công ty VOG, đơn vị vận hành mạng xã hội phụ nữ PhunuNet cho biết, Điều 17, Khoản 5, mục b Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lí, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng có quy định "nếu cung cấp một trong số các nội dung vi phạm Điều 5 Nghị định quản lí, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin điện tử" thì bị phạt từ 50-70 triệu đồng cần phải chi tiết hơn. Trong Điều 5 của Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 97 có 2 nhóm thông tin vi phạm bao gồm: một nhóm là xâm phạm lợi ích an ninh – chính trị quốc gia, có tính hình sự, và một nhóm là các thông tin mang tính dân sự. "Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần với Bộ TT&TT và Cục Quản lí PTTH&TTĐT rằng, nên giảm nhẹ mức hình phạt cho loại thông tin vi phạm mang tính dân sự (xuống mức chỉ bằng một nửa so với vi phạm có tính hình sự), vì hiện nay trên các mạng xã hội lớn các thông tin dạng này rất nhiều, một phần do nhận thức của nhiều người sử dụng chưa đầy đủ, nếu phạt sẽ không xuể", ông Hưng cho biết thêm.
Còn đối với quy định điểm truy nhập Internet sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng khi "để người sử dụng Internet sử dụng các tính năng của máy tính thực hiện các hành vi bị cấm tại Điều 5 Nghị định quản lí, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng" và "để người sử dụng truy cập, xem, tải các thông tin, hình ảnh, phim có nội dung đồi trụy, cờ bạc, bói toán, mê tín dị đoan", đại diện FPT Telecom cho rằng, trên thực tế, đại lí Internet không thể nào quản lí, giám sát hết được việc người sử dụng tải về máy hay xem cái gì tại địa điểm truy nhập Internet trong khi họ chỉ cần gõ một từ khóa trên Google là ra cả trăm ngàn website có nội dung đồi trụy, cờ bạc, bói toán…
Đó là chưa kể trường hợp người sử dụng vào điểm truy nhập Internet không chơi game cũng không đọc tin tức mà chỉ vào các trang phim có nội dung đồi trụy, cờ bạc, bói toán, mê tín dị đoan nhưng khi thấy chủ đại lí đến thì họ “tắt” hoặc “ẩn” website mà họ vừa truy cập đi, còn khi không có chủ đại lí họ lại truy cập (nếu chủ quán thấy sẽ bắt họ tắt đi nhưng hệ thống máy chủ đã lưu lại thông tin truy cập của họ). Như vậy, khi thanh tra sở TT&TT hoặc cơ quan có thẩm quyền đi kiểm tra thì đại lí Internet có bị phạt hay không? Nếu có, thì có nghĩa rằng, đại lí sẽ liên tục bị xử phạt khi thường xuyên bị thanh tra, dẫn đến tình trạng khó có thể hoạt động kinh doanh được. "Do đó, cơ quan quản lí nên nghiên cứu, xem xét đưa ra giải pháp phù hợp hơn cho trường hợp này, ví dụ như: yêu cầu có phần mềm ngăn chặn việc truy nhập các website bị “cấm” hoặc có những chế tài phù hợp với những khách hàng cố tình truy nhập vào nội dung “cấm” khi đã được lưu ý tại địa điểm truy nhập Internet", vị đại diện này nhấn mạnh.
Ngoài ra, quy định phạt doanh nghiệp từ 100-130 triệu đồng nếu để "tổng thời gian sử dụng tất cả các trò chơi của doanh nghiệp đối với mỗi người chơi vượt quá 180 phút một ngày" cũng chưa thực sự hợp lí, bởi trong khi đó người chơi có thể chơi game thoải mái thông qua các server "lậu", game của doanh nghiệp nước ngoài cung cấp. Nói cách khác, quy định đã vô tình "làm khó" các doanh nghiệp game trong nước khi cạnh tranh với game của nước ngoài. Do đó, cơ quan quản lí cần nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp và đảm bảo khả năng áp dụng vào thực tế cao hơn.
Theo ICTnews
Bình luận