Flickr và mới đây là YouTube cũng đã trở thành dịch vụ đa ngôn ngữ dưới sự bảo trợ của Yahoo! và Google. Mặc dù là đại gia, nhưng các hãng này hiểu rằng họ sẽ chỉ đạt được uy tín toàn cầu nếu hình ảnh của mình hiện diện trong các hệ thống máy tính địa phương.
"Nhiều công ty ở Mỹ chỉ nghĩ đến chuyện làm sao tồn tại ở nước này vì đây là một thị trường lớn. Ngay khi có trong tay YouTube, tôi đã bảo Chad và Steve (2 nhà sáng lập YouTube) rằng: Hãy lên máy bay khám phá thế giới", Eric Schmidt, Giám đốc điều hành Google, cho hay.
Max Levchin, hiện quản lý trang ảnh Slide.com, cảnh báo."Nếu không dành thời gian phát triển một phiên bản tiếng Nhật hay Trung, bạn sẽ sớm thấy một bản sao của mình tại đó". Phó chủ tịch mạng MySpace Travis Katz cũng thừa nhận ở mọi nước họ tham gia, họ đều vấp phải sự cạnh tranh của các đối thủ địa phương.
Ở Việt Nam, thị trường nội dung số vẫn còn bỏ ngõ cho các ông lớn, nhưng các công ty trong nước cũng đã có những động thái tích cực. Về mạng xã hội, YoBanBe và VietSpace chưa có chỗ đứng trước 360 bởi người Việt Nam đã quá quen với Yahoo!. Tuy nhiên, tận dụng ưu thế về đường truyền tốc độ cao trong nước, clip.vn thu hút khá đông người xem, tốc độ nhanh hơn hẳn YouTube. FPT thì vừa mới chạy thử nghiệm xiklo, bản sao của MegaUpload và RapidShare.
Mạng xã hội càng gần gũi với người sử dụng sẽ càng thôi thúc khiến họ tích cực đóng góp nội dung hơn. Chính bởi vậy, chiến lược địa phương hóa đã trở thành mục tiêu hàng đầu của các công ty Web 2.0. Trước đó, đa số các ứng dụng Web 2.0 tiếp cận được độc giả quốc tế là do ngẫu nhiên, thông qua báo chí hoặc truyền miệng cùng với sự phổ biến toàn cầu của tiếng Anh. Chẳng hạn, 20% thành viên sử dụng mạng xã hội Facebook là người Canada và Anh, trong khi hơn nửa số người tham gia YouTube không sống ở Mỹ.
(tổng hợp từ VnExpress)
Bình luận
Đã là mạng "xã hội" thì ai mà chẳng muốn dùng ngôn ngữ mẹ đẻ... cái yahoo 360 mà Việt hóa thì còn thu hút thêm nhiều member nữa.