Không phải đến bây giờ, khi Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ vừa công bố hai tập đoàn viễn thông Trung Quốc là Huawei và ZTE đe dọa an ninh nước này, các khuyến cáo về sử dụng các thiết bị tương tự tại Việt Nam mới được đưa ra.
Cách đây nhiều năm, khi một “đại gia” viễn thông của Việt Nam tổ chức lễ công bố chính thức cung cấp dịch vụ Internet 2G, mạng này có tặng cho khách một chiếc USB 2G mang nhãn hiệu Huawei. Một nhà báo tham dự buổi lễ đã thẳng thắn đặt câu hỏi với đại diện của mạng này về tính an toàn thông tin của thiết bị khi những tin đồn liên quan đến sản phẩm của hãng này đã xuất hiện ở nhiều nước. Câu hỏi làm tất cả khán phòng cười ồ và cho rằng nhà báo quá ngô nghê. Đại diện nhà mạng này cho biết, các thiết bị đã được kiểm tra an toàn trước khi nhập khẩu và chính thức tung ra thị trường Việt Nam. Mặt khác, có nhà mạng chỉ nhập các linh kiện, thiết bị rời về để lắp ráp rồi bán thành phẩm. Khi những chiếc USB 2G không còn thịnh hành thì thị trường viễn thông của Việt Nam lại tràn ngập USB 3G, phần lớn do Huawei và ZTE sản xuất.
Một chuyên gia an ninh mạng hàng đầu Việt Nam nghi vấn: “Không chỉ nổi tiếng với việc cung cấp các thiết bị mạng, Huawei hiện đang nổi lên với việc cung cấp hàng loạt thiết bị đầu cuối cho người dùng như smartphone, bao gồm sử dụng nhiều mạng khác nhau như UMTS, GSM, CDMA và TD-SCDMA; máy tính bảng; thiết bị di động như WiMax, USB 3G… Chưa biết người dùng Việt Nam sẽ bị lộ thông tin ở những khâu nào bởi một tin nhắn, một cuộc gọi khi thực hiện sẽ được chuyển qua rất nhiều thiết bị”.
Theo thống kê của Bộ TT&TT, đến cuối năm 2011, cả nước có 16 triệu thuê bao 3G. Một nghiên cứu khác lại cho rằng, lượng người dùng 3G thông qua USB 3G chiếm khoảng 50%, tương đương với 8 triệu người. Câu hỏi của nhiều năm trước giờ lại trở thành vấn đề thời sự khiến đông đảo người dân quan tâm.
Ông Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Bộ phận An ninh mạng công ty Bkav cho biết, việc rò rỉ thông tin qua các thiết bị viễn thông nhập khẩu không mới và đã được các chuyên gia cảnh báo từ lâu. Thậm chí, một số quốc gia, vùng lãnh thổ như: Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ đã cấm nhập khẩu, cấm dùng các thiết bị này bởi lo ngại rò rỉ thông tin liên quan đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên, theo ông Đức, hiện tại chưa có nghiên cứu nào đưa ra kết quả chính xác và khẳng định được các thiết bị này có “cửa sau”. “Việc tìm hiểu các thiết bị mạng có cài đặt mã độc hay gắn phần mềm gián điệp rất khó. Bản thân mỗi thiết bị gồm phần cứng, phần mềm… Tại thời điểm kiểm tra thiết bị trước khi nhập khẩu, có thể các tiêu chuẩn đều an toàn và đáp ứng được. Tuy nhiên, nếu nhà sản xuất có ý đồ thì sau vài năm sử dụng, các “cửa sau” mới được kích hoạt. Bên cạnh đó, nhiều thiết bị viễn thông hiện tại cần liên tục cập nhật các phiên bản mới, thông tin bị rò rỉ qua đây rất khó phát hiện” - ông Đức phân tích.
Các chuyên gia an ninh mạng cũng cho rằng, việc khuyến cáo người dân rất khó, vì thiết bị viễn thông đã trở thành vật bất li thân của con người trong xã hội hiện đại. Những lời khuyên về sự cẩn trọng càng không có ý nghĩa vì chưa chứng minh được những nguy cơ. Mặt khác, không riêng gì thiết bị của Huawei hay ZTE nằm trong diện có nguy cơ làm rò rỉ thông tin, mà bất kì thiết bị viễn thông của quốc gia nào khác cũng bị nghi ngờ. Vì vậy, Nhà nước nên lập một ủy ban kiểm tra gồm các chuyên gia an toàn thông tin và thực hiện theo dõi kiểm tra các thiết bị viễn thông nhập khẩu.
Theo ANTĐ
Bình luận