Chương trình ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước chưa được chấp thuận do không chỉ ra được mô hình rõ ràng của hệ thống tin học hóa. Các địa phương lúng túng vì thiếu phương hướng triển khai ứng dụng CNTT.
Lùi thời hạn để thay đổi
Chương trình ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN) - do bộ Thông Tin và Truyền Thông (TTTT) soạn thảo theo nghị định 64/2007/NĐ-CP dự kiến có thời hạn 3 năm, từ 2007 đến 2010. Nhưng đến thời điểm này, chương trình vẫn chưa được Chính Phủ (CP) phê duyệt, mặc dù đã trình từ khoảng giữa năm 2007.
Trong buổi làm việc cuối tháng 12/2007 với bộ TTTT về dự thảo chương trình này, Phó Thủ Tướng (PTT) Nguyễn Thiện Nhân nhận xét chương trình chưa chỉ rõ tổng thể cấu trúc của cả hệ thống tin học hóa của quốc gia. Hơn nữa, đến nay các cơ chế pháp lý cho triển khai chính phủ điện tử (CPĐT) như quy chế đầu tư CNTT, chuẩn hệ thống CNTT vẫn chưa được ban hành. Vì vậy, PTT chỉ đạo bộ dành thời gian năm 2008 để chuẩn bị các điều kiện cần, tiến tới xây dựng đề án CPĐT cho các năm tiếp theo mô hình rõ ràng và tầm nhìn dài hạn. (*)
Như vậy, có thể hiểu chương trình ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN (gọi tắt là “chương trình thực hiện nghị định 64”) chưa được chấp thuận, và bộ TTTT cần điều chỉnh hoặc xây dựng một chương trình mới. Thời hạn 2007-2010 đành phải lùi lại thành 2008-2010 hoặc 2008-2011.
Theo thông báo số 05/TB-VPCP của Văn Phòng Chính Phủ về buổi làm việc nêu trên, PTT Nguyễn Thiện Nhân giao bộ TTTT xây dựng, trình TTCP phê duyệt kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN năm 2008. Có nghĩa là trong năm 2008, các CQNN chưa có kế hoạch dài hạn ứng dụng CNTT và tạm thời phải “ăn đong” kế hoạch.
PTT cũng giao bộ TTTT xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN 2009-2010 (gọi tắt là kế hoạch 2009-2010) và hoàn thành trước ngày 30/6/2008 để trình TTCP phê duyệt. Kế hoạch này cần tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của PTT, góp ý của các cơ quan, và lưu ý xác định rõ các bộ, địa phương được chọn làm mô hình điểm. Với các địa phương được lựa chọn làm điểm, cần xác định rõ lộ trình và tiến độ triển khai, từng bước đánh giá rút kinh nghiệm của các địa phương khác. Đồng thời, bộ TTTT cần xây dựng kế hoạch kinh phí ngân sách trung ương dành cho ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN hai năm 2009-2010.
UBND TP.HCM góp ý
Trước thời điểm diễn ra cuộc họp nói trên, UBND TP.HCM đã gửi bộ TTTT một công văn (số 9024/UBND-CNN ngày 25/12/2007) góp ý nhiều vấn đề về dự thảo chương trình thực hiện nghị định 64. Trong đó, UBND TP.HCM đề nghị bộ TTTT nên dành thêm thời gian đi khảo sát thực tế, đánh giá hiện trạng để xây dựng chương trình mới cho sát thực tiễn và khả thi, bám sát nhu cầu cụ thể của các bộ/ngành, địa phương.
Theo UBND TP.HCM, chương trình do bộ TTTT soạn thảo chỉ là tổng hợp các dự án do các bộ/ngành, địa phương gửi. Chương trình do đó không thể hiện được sự liên thông chiều dọc cũng như chiều ngang của các vấn đề trọng điểm trong hệ thống, cũng như mức độ tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước.
UBND TP.HCM cũng cho rằng, với một dự án hoặc đề án cụ thể, dự thảo chương trình chưa nêu rõ nhiệm vụ của địa phương (mới chỉ đề cập việc giao đơn vị chủ trì). Dự thảo chỉ nêu các dự án 2008-2010 mà không nêu các dự án được thực hiện cho đến năm 2007. Dự thảo cho phép các địa phương tự xây dựng kế hoạch ngay từ giai đoạn đầu, không cần chờ mô hình để triển khai, dễ dẫn đến lãng phí lớn vì trùng lắp, giá cao và chất lượng không đồng nhất; đề nghị chỉ triển khai đồng loạt sau khi đã có đánh giá nghiệm thu các mô hình. Dự thảo đề cập nhiều dự án quy mô và kinh phí lớn, nhưng thời gian thực hiện chỉ trong 2008-2010 thì khó khả thi. Theo dự thảo, các địa phương phải tự cân đối vốn khiến nhiều địa phương không đủ vốn để bố trí cho CNTT.
Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng góp ý bộ TTTT nên khảo sát thực tế để xác định loại dịch vụ công ưu tiên triển khai và cho rằng có một số điểm chưa rõ trong cách phân loại dịch vụ công, các vấn đề về sản phẩm dùng chung, cơ chế thỏa thuận giữa bộ TTTT với các bộ/ngành, địa phương về kế hoạch ứng dụng CNTT...
Các địa phương bối rối
Theo ông Lê Mạnh Hà, giám đốc sở BCVT TP.HCM, do chưa có chương trình ứng dụng CNTT trong các CQNN nên các địa phương rất lúng túng, gặp nhiều khó khăn. Không những thế, cách hiểu về ứng dụng CNTT, CPĐT của bộ và các sở vẫn còn khoảng cách, cần ngồi lại để thống nhất và tìm ra những phương pháp sát thực tế hơn. “Có cảm giác bộ chưa tập trung hết sức mạnh CNTT của ngành. Trong bộ cũng còn chưa rõ đầu mối về CNTT” – ông Hà nhận xét.
Ông Nguyễn Kim Hòa, giám đốc sở BCVT tỉnh Khánh Hoà cũng cho biết Khánh Hòa vẫn chờ đợi bộ hướng dẫn chung về kiến trúc, ứng dụng công nghệ gì, chuẩn cơ sở dữ liệu thế nào... Ông Hòa nói: “Để sở tự bơi rất khó. Làm cái gì trước, làm cái gì sau, chuẩn công nghệ thế nào, lấy cơ sở nào để thẩm định?”. Không có hướng dẫn, sở BCVT Khánh Hòa vẫn tạm làm theo quy hoạch chung của địa phương.
Theo dự thảo chương trình, các địa phương phải chủ động kinh phí. Như vậy những tỉnh nghèo sẽ rất khó khăn. Ông Nguyễn Văn Diệu, giám đốc sở BCVT tỉnh Bắc Giang cho biết, Bắc Giang phụ thuộc rất nhiều vào ngân sách trợ cấp, không có kinh phí trung ương thì không làm được. Bộ nên có chương trình hay biện pháp tạo cú hích, địa phương góp một phần, Trung Ương góp một phần.
Một trong những địa phương lúng túng nhất là Lào Cai. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2008 của bộ TTTT ngày 11/1/2008, ông Hà Văn Thắng, phó giám đốc sở BCVT tỉnh Lào Cai giãi bày: Nhiều tỉnh đã có cổng thông tin, nhưng mỗi nơi mỗi khác, không chung kiến trúc. Về dịch vụ công, có nơi chọn cách làm top-down (từ tỉnh xuống huyện), có nơi làm bottom-up (từ dưới xã lên). Lào Cai định làm khoảng 10 dịch vụ công, nhưng nếu không cẩn thận thì giống như làm đường mà không có người đi. Do đó, bộ cần chọn ra một số tỉnh làm thí điểm, phù hợp theo vùng miền sau đó nhân rộng.
Về quản lý đầu tư và quản lý dự án CNTT, có nơi tỉnh giao sở BCVT thẩm định thiết kế dự án, có nơi tỉnh không giao. Sở BCVT Lào Cai đã được tỉnh giao việc đó nhưng sở Xây Dựng lại làm công văn phản đối, với lý do giao như thế không có cơ sở pháp lý. Quản lý dùng chung hạ tầng cũng thiếu hướng dẫn. Sở BCVT Lào Cai đã đứng ra cho các DN ký thỏa thuận chia sẻ hạ tầng, nhưng thực tế vẫn tắc vì chưa có quy định, chế tài chính thức nào về việc này.
(*): Theo báo Bưu Điện VN số 3/2008
(Theo PCW VN)
Bình luận