Trung tâm R&D của HTI ở Bangalore - Ấn Độ. Ảnh: TIMES OF INDIA.

Công ty Huawei hoạt động ở Ấn Độ trên 10 năm nay và không ít lần bị chính quyền nước này nghi ngờ làm ăn bất minh và đe dọa an ninh quốc gia.

Thiết bị viễn thông, nối mạng của Huawei và ZTE được bán ở Ấn Độ với giá bèo - chỉ bằng 1/3 giá của các Công ty Alcatel-Lucent, Ericsson Telephone và Nokia Siemens Network - cho nên có mặt rất sớm ở Ấn Độ. Một thế mạnh khác của Huawei và ZTE là sẵn sàng cho các công ty viễn thông Ấn Độ vay tiền để mua hoặc thuê thiết bị của công ty. Đây là 2 lợi thế rất mạnh của họ ở Ấn Độ.

Mạnh đến mức, theo nhận định của tờ The Wall Street Journal, mặc dù mới đây bị Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ tố cáo đe dọa an ninh quốc gia nước này, Huawei và ZTE đều “bình an vô sự” ở Ấn Độ. Bởi, đất nước này rất cần các thiết bị của 2 công ty Trung Quốc để phát triển ngành viễn thông mặc dù có những chuyện không tốt đẹp.

Bị hủy hợp đồng

Huawei gặp rắc rối đầu tiên ở Ấn Độ vào cuối năm 2001 vì bị nghi ngờ tiếp tay Taliban ở Afghanistan. Lúc đó, Huawei đã lập chi nhánh ở Bangalore mang tên Công ty Công nghệ Huawei Ấn Độ (HTI) với 2 Trung tâm R&D (Nghiên cứu và Phát triển) chuyên về phần mềm viễn thông. Ngày 11/12/2001, nhật báo Ấn Độ The Hindu và một số báo địa phương dẫn một nguồn tin của phía đối lập nói chính phủ Ấn Độ đã mở cuộc điều tra hoạt động của HTI vì nghi ngờ công ty này cung cấp thiết bị viễn thông nhạy cảm cho Taliban.

Tuy nhiên, các cơ quan có thẩm quyền từ Trung tâm Tình báo đến bộ trưởng Bộ Nội vụ Ấn Độ đều nói không nhận được báo cáo về vụ này. Trong khi đó, HTI bác bỏ tin của giới truyền thông và khẳng định chẳng dính líu gì đến Taliban. Bốn ngày sau, đến lượt chính phủ Ấn Độ tuyên bố không tìm thấy bằng chứng HTI có quan hệ với Taliban.

Những rắc rối dai dẳng mà Huawei phải đối phó với chính quyền Ấn Độ liên quan đến Bharat Sanchar Nigam Limited (BSNL), công ty điện thoại quốc doanh lớn nhất của nước này. Năm 2005, tờ The Economic Times cho biết BSNL đã hủy hợp đồng cung cấp 20 triệu điện thoại di động mạng GSM với Huawei vì công ty này đưa ra những điều kiện “không thể chấp nhận”. Thật ra, đằng sau vụ việc này có sức ép của chính phủ yêu cầu BSNL kiểm tra thật kĩ xem các thiết bị mà Huawei cung cấp có an toàn về an ninh mạng hay không, bởi Huawei bị nghi ngờ quan hệ mật thiết với quân đội và chính phủ Trung Quốc.

Tháng 10/2009, BSNL lại nhận được chỉ đạo của Bộ Viễn thông Ấn Độ yêu cầu công ty “tự quyết” về việc sử dụng thiết bị viễn thông từ mọi nguồn gốc (châu Âu, Mỹ và Trung Quốc) theo tiêu chuẩn an ninh của chính phủ. Tuy vậy, BSNL vẫn kí hợp đồng với Huawei và giao cho công ty này khai thác 25 triệu đường dây điện thoại di động ở khu Nam Ấn Độ.

Một cuộc điều tra sau đó của Cục Điều tra Trung ương Ấn Độ (CBI) phát hiện 5 quan chức cấp cao của BSNL tình nghi có “vấn đề về liêm chính và có những mối quan hệ đáng ngờ với Huawei”. CBI báo cáo vụ việc lên Văn phòng thủ tướng (PMO). Tháng 4/2010, PMO chỉ thị BSNL chuyển công tác 2 trong số 5 vị kể trên sang các lĩnh vực ít nhạy cảm hơn và tường trình về trường hợp của 3 vị còn lại.

Theo CBI, có hiện tượng hạ thấp tiêu chuẩn kĩ thuật và sửa đổi một số điều khoản đấu thầu giúp Huawei trúng thầu. Những người bị chuyển công tác bị cáo buộc quan hệ bất chính với Huawei. Hậu quả là Huawei bị BSNL hủy hợp đồng theo yêu cầu của CBI.

Bị cấm bán thiết bị

Cuối tháng 4/2010, Huawei lại nhận thêm một cú sốc nữa khi chính phủ Ấn Độ quyết định cấm bán thiết bị nối mạng cho các công ty điện thoại trong nước vì “lí do an ninh”. Cùng chung số phận là công ty ZTE, đối thủ cạnh tranh của Huawei ở Ấn Độ.

Những công ty điện thoại liên quan bao gồm Sistema Shyam Teleservices Ltd, chi nhánh của công ty Nga AFK Sistema ở Ấn Độ và 3 công ty viễn thông Ấn Độ khác. Đơn xin mua thiết bị của Huawei và ZTE đã bị bác bỏ vì lí do an ninh. Một lí do khác khiến 2 công ty Trung Quốc có nhiều tai tiếng này không thể bán sản phẩm ở Ấn Độ là do phá giá.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời Wilson Chai, một chuyên gia Hồng Kông, cho biết: “Huawei và ZTE bán thiết bị của họ với giá rất thấp, khiến các đối thủ lớn của phương Tây như Ericsson không thể cạnh tranh”. Chính phủ Ấn Độ đã tăng thuế chống phá giá đối với Huawei và ZTE từ năm 2009.

Ngoài chuyện an ninh và giá cả “vô đối”, Công ty Huawei còn bị tố cáo hoạt động mờ ám. Tháng 5/2010, nhật báo Times of India dẫn một nguồn tình báo cho biết nhân viên Ấn Độ làm việc tại Trung tâm R&D của Huawei ở Bangalore chỉ được phép đi lại ở tầng trệt và tầng một. Các tầng khác dành cho nhân viên Trung Quốc và cán bộ quản lí của trung tâm. Câu hỏi đặt ra là những người Trung Quốc bí mật thử nghiệm thiết bị gì và tại sao nhiều kĩ sư Trung Quốc thường ở lại quá hạn visa?

Đáp lại, ông Virendra Gupta, Phó Chủ tịch HTI, khẳng định: “Trung tâm R&D chỉ có 30 kĩ sư Trung Quốc trong số 2.000 nhân viên. Tất cả đều có quyền đi lại như nhau. Trung tâm không có tầng nào thử nghiệm thiết bị bí mật”.

Theo NLĐ




Bình luận

  • TTCN (0)