Hàng không Việt Nam đang đã bị gây nguy hiểm đến an toàn bay do tình trạng can nhiễu tần số từ hệ thống các đài truyền thanh không dây của các phường xã và các đài phát thanh huyện gây ra.

Can nhiễu nghiêm trọng đến hàng không

Ông Nguyễn Văn Thư, Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT), kiêm Giám đốc Trung tâm Tần số Vô tuyến điện khu vực II, cho biết, từ khoảng cuối năm 2011 đến đầu năm 2012, ngành hàng không đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình trạng can nhiễu tần số, đặc biệt là công tác điều hành bay ở một số sân bay, khi bị can nhiễu từ hệ thống các đài truyền thanh không dây của các phường xã và các đài phát thanh huyện gây ra.

Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, do các đài này thường dùng dải tần số 87 – 108 MHz mà chất lượng phản xạ kém, vượt quá chỉ tiêu về kĩ thuật, dẫn đến gây can nhiễu cho tần số 121 MHz của điều hành bay.

Cục Tần số Vô tuyến điện cho rằng, tính chất của vụ việc can nhiễu này là rất nghiêm trọng, bởi nó gây ra nguy hiểm đến an toàn bay và hai địa phương có sân bay bị ảnh hưởng nhiều nhất tại TP Buôn Ma Thuột và tỉnh Gia Lai. Phía hàng không đã liên tục gửi các khuyến cáo đến Cục Tần số Vô tuyến điện và cho biết nguồn can nhiễu đến từ các đài phát thanh tiếng Việt. Phía Cục Tần số Vô tuyến điện đã tiến hành truy tìm nguồn can nhiễu, mặc dù đây là một việc rất khó khăn. Đơn vị đã liên tục cử người đi dò tìm từng đài phát thanh giữa núi đồi mênh mông, tiến hành đo kiểm để phát hiện nguồn can nhiễu và yêu cầu dừng hoạt động.

Sự việc cũng đã được các địa phương (đơn vị chủ quản các đài phát thanh) quan tâm. Các địa phương dưới sự tham mưu của các Sở TT&TT đã phối hợp với Cục Tần số Vô tuyến điện tiến hành các biện pháp cần thiết, đặc biệt là cương quyết yêu cầu các đài truyền thanh phải sử dụng thiết bị phát sóng đảm bảo chất lượng. Kết quả là trong khoảng tháng 4 – 5/2012, tình trạng can nhiễu điều hành bay đã tạm thời chấm dứt và phía hàng không không có thêm ý kiến gì nữa.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thư, tình trạng can nhiễu tới hàng không trên thực tế không chỉ do một số đài phát thanh mà còn có nhiều nguyên nhân khác, mà can nhiễu ở sân bay Tân Sơn Nhất là một điển hình. Cụ thể, tại Sân bay Tân Sơn Nhất, can nhiễu diễn biến phức tạp trên dải tần số 133 MHz và nhiều tần số điều hành bay khác. Khi nhận được thông báo, Cục Tần số đã khẩn trương cử cán bộ tới hiện trường để giải quyết nhưng hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đang xảy ra một hiện tượng nhiễu mà chưa tìm được nguyên nhân.

Xung quanh câu chuyện làm thế nào để giải quyết dứt điểm tình trạng can nhiễu tần số, ông Thư cho rằng đó sẽ là một việc rất khó, thậm chí tình trạng can nhiễu ngày càng diễn ra nhiều hơn. Nguyên nhân do công nghệ ngày càng phát triển, sinh ra nhiều công nghệ mới, thiết bị vô tuyến mới, và khi những vụ việc can nhiễu cũ đã xử lí ổn, thì lại nảy sinh những vụ can nhiễu mới. Cho nên, hàng năm Cục Tần số cứ xử lí xong các vụ can nhiễu rồi năm sau lại tiếp tục đi xử lí các vụ can nhiễu khác và trên thế giới cũng vậy.

Cần quản chặt thiết bị thu phát sóng

Để hạn chế tối đa tình trạng can nhiễu nêu trên, theo ông Nguyễn Văn Thư, mấu chốt nằm ở thiết bị phát sóng vô tuyến điện. Các cơ quan quản lí Nhà nước mà chủ trì là Bộ TT&TT cũng như xã hội phải quan tâm đến vấn đề quản lí các thiết bị này ở tất cả các khâu: sản xuất, lưu thông, nhập khẩu… Chất lượng sản phẩm phải được kiểm soát, đặc biệt là các thiết bị do công ty trong nước sản xuất (làm ào ào không theo quy chuẩn), các thiết bị nhập khẩu không chính ngạch theo kiểu xách tay...

“Phải làm sao bắt buộc các thiết bị truyền phát sóng vô tuyến phải đăng kí hợp chuẩn, đo, giám sát và đánh giá một cách bài bản chứ không phải cứ trình hồ sơ lên là được phép sử dụng. Phải thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra chất lượng các thiết bị trên thị trường, các nhà máy sản xuất, các công ty kinh doanh thiết bị và phải làm một cách chặt chẽ”, ông Thư nhấn mạnh.

Đi cả ngàn cây số để xử lí một chiếc điện thoại kéo dài

Đó là câu chuyện xử lí can nhiễu mà chiếc điện thoại kéo dài chuẩn Dect 6.0 (thường do các Việt kiều từ Mỹ, Canada mang về cho người thân...) gây ra cho mạng 3G MobiFone.

Trong 2 năm vừa qua, Cục Tần số Vô tuyến điện đã phải đi xử lí khoảng 700 vụ can nhiễu do điện thoại kéo dài chuẩn Dect 6.0 gây ra. Điều đáng nói là khi xảy ra can nhiễu, Cục Tần số Vô tuyến điện đã phải điều động rất nhiều kĩ thuật viên và thiết bị đi dò khắp nơi, có khi lên đến cả ngàn cây số và cuối cùng nguyên nhân chỉ do một cái máy điện thoại nhỏ xíu và giá chưa quá một triệu đồng.

Phía Cục Tần số Vô tuyến điện cũng đã liên tục tuyên truyền để mọi người dân nhận thức vấn đề và tiến hành xử lí rất nhiều trường hợp như đã nêu trên, thế nhưng sau một thời gian dài lắng xuống thì những chiếc điện thoại kéo dài chuẩn Dect 6.0 lại đang có dấu hiệu xuất hiện trở lại. Cụ thể, giữa tháng 8/2012, Trung tâm Tần số Vô tuyến điện khu vực IV đã phát hiện và kịp thời xử lí tại Kiên Giang 30 chiếc điện thoại loại này. Điều đó cho thấy ý thức người dân chấp hành các quy định về quản lí tần số vô tuyến điện vẫn còn kém.

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (0)