Phải chăng vì mạng là ảo, mỗi người ẩn sau một cái nick (biệt danh) nên người ta tha hồ quẳng vào mặt người khác những “cục đá” to tướng và gây ra những tổn thương không dễ lành?
Câu chuyện thứ nhất bắt đầu từ một câu thế này: “Tui chưa làm việc với ai mà khó chịu và muốn chửi thề như với nhà thiết kế T. Từ nay về sau tui cạch, không dám làm việc với “người nổi tiếng” này nữa. Chảnh chó khó chịu!”.
Đó là dòng status (trạng thái) của một phóng viên và ngay sau đó là những bình luận nhiều chiều: có người kêu gọi “khổ chủ” bình tĩnh, cũng có người té nước theo mưa.
Đặc biệt, có người đã bình luận hết sức nặng nề: “Bởi vậy mấy người nổi tiếng Việt Nam thua và thiếu tư cách hơn mấy người nổi tiếng nước ngoài là thế”. Không ai biết nhà thiết kế kia đã làm gì để phóng viên nọ bực tức, và cũng không ai biết nguyên nhân và diễn biến sự việc thực tế như thế nào, chỉ có mỗi một dòng thông tin ngắn ngủi như trên mà đã xuất hiện những lời bình đủ sức khiến người trong cuộc đau như cắt.
Câu chuyện thứ hai xảy ra ở một diễn đàn dành cho các bà mẹ. Vụ việc một cô giáo ở Hà Nội thiếu sót trong công tác chấm bài (đáng lẽ ra phải ghi rõ lời nhận xét vào giấy kiểm tra thay vì chỉ nhận xét trong lớp) đã nhanh chóng được khuếch đại trên mạng và những thông tin trên báo được diễn đàn này đăng lại, thu hút rất nhiều bình luận.
Nguoi.ha.noi nói: “Giảng dạy thảm họa, chấm bài thảm họa, lại còn ngụy biện, chối tội...”. Những người nói rõ việc cô giáo đã xin lỗi và phân tích rõ lỗi của cô là lỗi nghiệp vụ cũng bị không ít thành viên khác cho là “vị tình” và cứ khăng khăng khẳng định cô giáo bị mắc lỗi nhận thức rồi “buồn” vì cô là thạc sĩ 10/10 mà lại như thế!
Đau đớn vì áp lực của dư luận, cô giáo trẻ đã nhập viện. Quá ngao ngán, thành viên Wiboo bình luận: “Qua vài vụ việc gần đây, mình thấy trên web này có nhiều người thích đóng vai “người hùng”, tức là cứ muốn người ta phải bị dìm xuống đáy bùn may ra mới hả hê. Thấy sợ miệng lưỡi thiên hạ thật!”.
Câu chuyện thứ ba về trường hợp của hoa hậu vừa đăng quang. Khi đăng quang, hoa hậu khẳng định không tham gia vào làng giải trí, ngay sau đó có một poster quảng cáo chương trình giải trí ở Mỹ có hình ảnh của cô, thế là cô bị “ném đá” vì đã... nói láo!
Sau đó, người quản lí của cô lên tiếng khẳng định rằng cô không có mặt trong chương trình này, hình ảnh của cô xuất hiện trên poster là do ông bầu của chương trình tự ý đưa vào. Ông bầu của chương trình lại lên tiếng. Cuối cùng, để khép lại sự việc, hoa hậu đã trả lời phỏng vấn với nội dung xoa dịu cả hai bên và tái khẳng định cô không tham gia chương trình đó.
Bài báo phỏng vấn hoa hậu được đưa “lên thớt” và thu hút đến 182 lượt bình luận với đầy đủ nhận xét các kiểu và có rất nhiều lời chê bai, mỉa mai, gọi hoa hậu là “mặt dày”. Còn những người hâm mộ hoa hậu trên diễn đàn này cũng không kém cạnh khi chửi những người mắng hoa hậu là “con” nọ “con” kia...
Có n câu chuyện tương tự như thế đã và đang xảy ra trong không gian ảo. Có phải là vì mỗi người ẩn sau một biệt danh nên người ta sẵn sàng “ném đá”, chửi bới, bình luận cay độc một cách thỏa thích mà không hề nghĩ rằng mình đang làm người khác “sây sát”?
Ông bà nói “Lời nói đọi máu” để dặn dò con cháu trong việc đối nhân xử thế, phải cân nhắc trước khi buông những lời lẽ nặng nề vì ngôn từ có khả năng gây tổn thương. Đáng tiếc, lời nói không mất tiền mua, trong thế giới ảo nhiều người chẳng muốn “lựa lời” mà cứ mặc sức tung ra những lời cay độc. Ảo làm cho người ta ác hơn, nói năng văng mạng hơn chăng...!?
Theo Tuổi trẻ
Bình luận
Toàn là anh hùng bàn phím thôi. Vụ này giờ đang là trào lưu hay sao á, chỉ thấy ở VN. Youtube với Facebook, 2 cái trang lớn nhất cũng là 2 cái trang nhiều "rác" nhất. Dạo vòng vòng mí post trên mấy trang cộng đồng, hay mấy vid gây tranh cãi là ôi thôi, ai cũng cố gắng chứng minh cho mọi người thấy hồi nhỏ ba má không hề dạy dỗ :)). Mình thấy đa phần là đạo đức giả và rởm đời, bình sinh chưa làm gì có ích cho đời đc nên lên mạng chửi người ta, hùa theo đám đông để cảm thấy mình tốt.