Mỹ nâng cấp hệ thống định vị toàn cầu nhằm phục vụ cho chiến lược toàn cầu của họ, do vệ tinh hệ thống định vị cũ đã quá hạn sử dụng, do cạnh tranh…
Tờ Giải phóng quân Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, ngày 4/10, tại bang Florida, Không quân Mỹ đã phóng thành công vệ tinh GPSIIF thứ ba, điều này đánh dấu dòng vệ tinh GPSIIF đổi mới của hệ thống định vị toàn cầu Mỹ bước vào giai đoạn xây dựng toàn diện.
Trước đó, vệ tinh đầu tiên của dòng này được phóng lên ngày 28/5/2010, vệ tinh thứ hai phóng lên ngày 16/7/2011, theo kế hoạch, năm 2013 sẽ còn có 2 vệ tinh loại này được phóng.
Các tư liệu cho thấy, loại vệ tinh GPSIIF tổng cộng có 12 vệ tinh, là vệ tinh hệ thống định vị toàn cầu tiên tiến nhất hiện nay, do áp dụng công nghệ đồng hồ nguyên tử cải tiến và tín hiệu quân dụng nút chống tắc nghẽn và an toàn hơn, độ chính xác định vị, khả năng chống gây nhiễu và khả năng chống lợi dụng của vệ tinh này đều được cải thiện rất lớn.
Tuổi thọ thiết kế vệ tinh là 12 năm, chúng sẽ thay thế một bộ phận vệ tinh cũ sắp nghỉ hưu, kéo dài và nâng cấp tính năng GPS, đồng thời quá độ thuận lợi tới vệ tinh dòng GPSIIIA thế hệ mới đang được Công ty Lockheed Martin nghiên cứu chế tạo.
Theo kế hoạch hiện đại hóa GPS được đưa ra năm 1999, Mỹ sẽ thông qua cải tiến công nghệ trên các phương diện như giàn vệ tinh GPS, tải trọng vệ tinh và tín hiệu dẫn đường, cơ sở/thiết bị mặt đất, máy nhận thu… làm cho GPS tạo sự hỗ trợ mạnh mẽ cho quân Mỹ giành lấy thắng lợi trong chiến tranh, đồng thời duy trì vị thế chủ đạo của GPS trong lĩnh vực dẫn đường vệ tinh dân dụng toàn cầu.
Theo kế hoạch, hiện đại hóa của GPS được tiến hành làm 3 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất, từ năm 2003 bắt đầu phóng 12 vệ tinh GPSIIR-M cải tiến, tiến hành đổi mới “chòm sao”; giai đoạn thứ hai, từ cuối năm 2005 bắt đầu phóng vệ tinh GPSIIF kiểu mới, nâng cấp tính năng hệ thống; giai đoạn thứ ba, theo kế hoạch ban đầu vệ tinh GPSIIIA đầu tiên sẽ được phóng vào năm 2009, từ 2016-2017 hoàn thành triển khai đầy đủ “chòm sao”.
Mỹ dốc hết sức nghiên cứu chế tạo và phóng vệ tinh hệ thống định vị toàn cầu kiểu mới có tính toán trên nhiều phương diện:
1. Chiếm trước điểm cao khống chế, phục vụ cho chiến lược toàn cầu của họ. Hệ thống định vị toàn cầu là một trong những hạt nhân của vũ khí công nghệ cao, có thể cung cấp dịch vụ dẫn đường theo thời gian thực, trong mọi điều kiện thời tiết và mang tính toàn cầu cho Lục, Hải, Không quân, đồng thời sử dụng cho các mục đích quân sự như thu thập tin tức tình báo, giám sát các vụ nổ hạt nhân và thông tin ứng phó khẩn cấp.
Các khả năng cốt lõi của lực lượng quân sự Mỹ như phòng thủ tên lửa, hỏa lực tầm xa, tấn công toàn cầu, tác chiến đặc biệt đều phụ thuộc vào hệ thống này. Hơn nữa, sau khi hệ thống định vị toàn cầu được miễn phí khai thác, được ứng dụng rộng rãi cho công việc của các ngành nghề như dẫn đường, định vị, đài thiên văn báo giờ, giám sát, cứu nạn…, quyền kiểm soát cuối cùng do Mỹ nắm duy nhất, là một trong những then chốt để Mỹ nắm quyền chủ động trên phạm vi toàn cầu, Mỹ đương nhiên phải giành lấy điểm cao khống chế này.
2. Hiện có một bộ phận vệ tinh hệ thống định vị toàn cầu vượt quá thời hạn phục vụ, hệ thống cũ kĩ, cần đổi mới gấp. Ngày 7/5/2009, Văn phòng Giải trình Chính phủ Mỹ (GAO) đã công bố một bản báo cáo về hệ thống định vị toàn cầu chỉ ra, kéo dài thời hạn thực hiện nhiệm vụ và chi quá giá thành đã làm cho toàn bộ hệ thống định vị toàn cầu rơi vào bờ vực sụp đổ, nếu việc phóng vệ tinh mới không kịp thời bổ sung chỗ thiếu của hệ thống cũ, sẽ rất khó bảo đảm cho dịch vụ GPS hiện có không bị gián đoạn, điều này sẽ là một thảm họa đối với lực lượng quân sự Mỹ và dịch vụ thương mại và dân sự toàn cầu.
Hơn nữa, các chiến dịch quân sự của quân Mỹ ở Iraq, Kosovo và Afghanistan đều bộc lộ những vấn đề như tín hiệu vệ tinh cũ có công suất thấp, khả năng chống gây nhiễu kém, vùng phủ sóng không đầy đủ, cấp bách yêu cầu thúc đẩy công tác cải tạo hiện đại hóa và đổi mới nâng cấp hệ thống định vị toàn cầu.
Ngoài ra, sự tiến bộ của hệ thống mang tính cạnh tranh cùng loại của Nga, Trung Quốc và châu Âu cũng đang buộc Mỹ đẩy nhanh các bước phát triển, tránh bị đuổi kịp và vượt qua trên lĩnh vực này.
Mỹ có chủ định thông qua việc đổi mới thay thế mang tính liên tiếp vệ tinh GPSIIF và GPSIIIA, chiếm lấy vị thế chủ đạo và dẫn trước của hệ thống định vị toàn cầu, nhưng bị chi phối kép bởi kinh phí và công nghệ, triển vọng hoàn toàn không dễ dàng.
Về kinh phí, do tình hình kinh tế và tài chính khó khăn, Chính phủ Mỹ buộc phải cắt giảm lớn ngân sách quốc phòng, quay lại với các chương trình lớn như chương trình Mặt Trăng đều bị kết thúc bởi Chính phủ Obama, việc cải tạo hiện đại hóa hệ thống định vị toàn cầu mặc dù được giữ lại, nhưng việc bảo đảm kinh phí trong tương lai còn chưa chắc chắn.
Hơn nữa, chi phí cho chương trình vệ tinh GPSIIF từ hơn 700 triệu USD tăng lên 1,7 tỉ USD, những biến số trong tương lai vẫn rất lớn.
Về công nghệ và nhu cầu, do các vấn đề như hãng Boeing nghiên cứu phát triển và sản xuất quản lí, cùng với sự thay đổi nhu cầu của Quân đội Mỹ, thời gian bàn giao vệ tinh đầu tiên của hệ thống này đã chậm vài năm so với kế hoạch, trong khi đó Công ty Lockheed Martin đang chế tạo vệ tinh dòng GPSIIIA thế hệ mới, chiếc đầu tiên có kế hoạch phóng lên vào năm 2014, như vậy khả năng thực hiện đúng hạn cũng sẽ giảm đáng kể.
Theo Giáo Dục
Bình luận