Tuân thủ phán quyết của EU, Microsoft tuyên bố sẽ công khai những thông tin "trọng yếu" của các phần mềm quan trọng như Windows, Office, cho phép các chương trình bên ngoài tương tác và liên thông tốt hơn với sản phẩm của hãng.
Cụ thể, tập đoàn của ngài Bill Gates sẽ chia sẻ những công nghệ "nền", dùng để kết nối phần mềm Microsoft với các chương trình khác.Nhượng bộ
Đây vốn là một lợi thế cơ bản để những ứng dụng như Windows Media Player hay Internet Explorer giành thế thượng phong trước các phần mềm đối thủ trên thị trường.
Tuy nhiên, cũng chính vì "thủ thuật" này mà Microsoft đã bị tố cáo là chèn ép đối thủ và có hành vi phản cạnh tranh. Hệ quả là hãng đã bị Ủy ban châu Âu khép vào tội "vi phạm luật chống độc quyền", cùng với một mức phạt cao kỷ lục trong lịch sử.
Theo giới phân tích, quyết định mở cửa là sự nhượng bộ của Microsoft, nhưng đồng thời cũng là để "ra tay chặn trước" các cuộc chiến pháp lý trong tương lai với giới làm luật ở châu Âu, châu Á và Mỹ.
"Bằng nước cờ này, giới Tư pháp sẽ khó cáo buộc Microsoft lợi dụng vị thế thống trị để xâm nhập vào các thị trường mới và đá văng đối thủ được nữa".
Đại diện Microsoft cho biết hãng sẽ công bố hơn 30.000 trang tài liệu Windows mà trước đây, doanh nghiệp chỉ có được sau khi trả tiền mua "bí mật thương mại" mà thôi.
Hãng cũng cam kết sẽ bán giấy phép công nghệ với giá thấp và "không có sự phân biệt hay kỳ thị nào hết".
Một dấu hiệu nữa cho thấy sự mềm mỏng của Microsoft là việc hãng này tuyên bố sẽ "tuân thủ mọi yêu cầu của Ủy ban châu Âu", dù cho thái độ của tổ chức này dành cho gã khổng lồ phần mềm vẫn hết sức hà khắc và đầy sự hoài nghi.
Hướng tới lâu dài
Sâu xa hơn, việc mở cửa những sản phẩm chủ chốt cũng đưa Microsoft đến gần hơn với một xu hướng đang khá thịnh hành hiện nay: Sử dụng tài nguyên của các ứng dụng hiện hành để tạo ra những chương trình mới, huy động nguồn lực sáng tạo từ cộng đồng phát triển toàn cầu.
Hai đối thủ khó chơi của Microsoft là Linux và Google đều đang áp dụng chiến lược này và hết sức tích cực chào đón những hệ thống mở.
"Người dùng đòi hỏi tất cả các hệ điều hành máy tính đều phải làm việc được với nhau, dù cho chúng là Windows hay Linux đi nữa. Người dùng cũng muốn chia sẻ và di chuyển thông tin một cách dễ dàng giữa các hệ thống", Giám đốc điều hành Steve Ballmer của Microsoft cho biết.
Theo Ballmer, quyết định mở cửa này chỉ ảnh hưởng không đáng kể đến kết quả tài chính của hãng mà thôi.
"Dù Microsoft có thể mất chút ít thị phần, nhưng điều đó lại tốt cho khách hàng. Suy cho cùng, quyền lợi của khách hàng chính là điều tốt nhất mà Microsoft mong muốn".
"Thành công lâu dài của Microsoft phụ thuộc vào khả năng cung cấp các nền tảng phần mềm và dịch vụ mở, linh động... Chúng tôi mang đến cho người dùng và cả cộng đồng phát triển nhiều sự lựa chọn hơn".
Trước đây, Microsoft từng bị chỉ trích gay gắt vì tội "đóng sập cửa" trước các phần mềm đối thủ, không cho phép chúng tương tác hoặc vận hành trơn tru bên trong môi trường Windows hay Office.
Nhưng giờ đây, cộng đồng phát triển bên ngoài sẽ có thể dễ dàng xây dựng một chương trình email mới để cạnh tranh với Office Outlook, bởi lẽ họ cũng có cơ hội tiếp cận những thông tin "độc" về cách kết nối với máy chủ Exchange như các kỹ sư của Microsoft.
Châu Âu muốn nhiều hơn
Tháng 9 năm ngoái, Tòa án Sơ thẩm châu Âu đã đứng về phe Ủy ban châu Âu khi kết luận: Microsoft đã lạm dụng vị thế thống trị trên thị trường của mình.
Việc Microsoft bán kèm Windows Media Player với hệ điều hành Windows và từ chối cung cấp thông tin về máy chủ Office cho các hãng phần mềm khác là hành vi "phản cạnh tranh và chèn ép đối thủ".
Phản ứng trước quyết định mở cửa của Microsoft, các nhà làm luật châu Âu cho rằng hãng chỉ đang thực hiện những cam kết trong quá khứ mà thôi. "Tuyên bố này không liên quan đến chuyện Microsoft đã tuân thủ luật chống độc quyền của EU hay chưa", đại diện EU bình luận.
Microsoft khẳng định hãng sẽ còn "tiến hành nhiều chính sách nữa" để trấn an mọi nỗi quan ngại của Ủy ban châu Âu. "Microsoft hứa hẹn sản phẩm của hãng sẽ không còn là khu vườn cấm nữa", nhà phân tích Toan Tran của Morningstar bình luận.
Cũng theo Toan Tran, Ủy ban châu Âu không nên quá thành kiến và hà khắc với việc "đính kèm sản phẩm".
Bởi lẽ, mô hình kinh doanh của Windows dựa trên việc không ngừng cải tiến sản phẩm. Nếu như Microsoft bị hạn chế hoặc ngăn không cho bổ sung thêm tính năng mới, mô hình kinh doanh Windows sẽ bị ảnh hưởng nặng nề".
Hào hứng nhất với tuyên bố mở cửa sản phẩm của Microsoft có lẽ là các tập đoàn lớn, các khách hàng doanh nghiệp, bởi giờ đây, họ sẽ có thể tích hợp những ứng dụng phần mềm khác nhau một cách dễ dàng hơn.
"Môi trường doanh nghiệp luôn chào đón hãng phần mềm nào mở cửa nhất", phó Chủ tịch nghiên cứu Mike Gilpin của Forrester Research cho biết.
Tháng 1 vừa qua, Ủy ban châu Âu lại mở cuộc điều tra mới, nhằm xác định xem Microsoft có vi phạm quy định "chống độc quyền" để giúp IE và các sản phẩm Office, Outlook giành thế thống trị trên thị trường hay không.
Thay máu tư duy
Các sản phẩm được Microsoft mở cửa lần này bao gồm: Vista, Windows Server 2008, SQL Server 2008, Office 2007, Exchange Server 2007 và Office SharePoint Server 2007, cùng với những "phiên bản tương lai của các phần mềm này".
Chưa hết, vài ngàn trang tài liệu khác về giao thức phần mềm cũng sẽ được đăng tải trên website chính thức của hãng trong vài tuần tới. Trước đây, những giao thức này đều là thông tin trả tiền.
"Đây quả là một núi thông tin đồ sộ. Nhưng liệu cộng đồng phát triển có thể khai thác hiệu quả chúng hay không?
Nếu có thì mất bao lâu? Nếu gặp vấn đề không hiểu, họ sẽ hỏi ai?", nhà phân tích Michael Cherry của Directions on Microsoft thắc mắc.
Cùng với việc những quan chức kỳ cựu liên tiếp nghỉ hưu và êkip lãnh đạo đang được "thay máu", rõ ràng là tư duy của Microsoft đã thay đổi hoàn toàn, nhà phân tích Rob Enderle nhận định.
Hơn nữa, Microsoft đang cố gắng làm vui lòng EU cũng như đối phó với sức ép từ người dùng bằng mọi cách.
"Có thể so sánh nước cờ này với việc McDonald tiết lộ bí quyết nấu nước sốt đặc trưng của mình vậy", chuyên gia Carmi Levy bình luận.
"Nó cho thấy cuối cùng Microsoft cũng sẵn sàng đi theo một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, bao gồm kết nối mở, quảng bá dữ liệu di động và liên minh chặt chẽ hơn với cộng đồng nguồn mở".
Người dùng sẽ có thể tự do tùy biến chương trình của mình để nó tương thích với phần mềm của Microsoft. Nhưng nếu họ có ý định kinh doanh ứng dụng ấy, Microsoft sẽ thu một phần chi phí, Giám đốc điều hành Steve Ballmer cho biết.
(Theo Vietnamnet/AFP, Reuters)
Bình luận