Dù tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng thị trường điện thoại di động tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng. Nền kinh tế đang tốn hàng tỉ USD nhập khẩu mặt hàng xa xỉ này.
Tính đến ngày 15/10, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy Việt Nam đã tốn 3,7 tỉ USD nhập khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện. Mới đây, câu chuyện về “cuộc đua” sắm điện thoại smartphone như iPhone 5 cho thấy bức tranh sinh động về sự xài sang, tiêu dùng lãng phí của một bộ phận người tiêu dùng.
Cuộc đua... lãng phí
Lướt một vòng trên các trang mạng như Facebook, Yahoo!… không khó bắt gặp hình ảnh cư dân mạng khoe “con iPhone 5” mới tậu rồi hí hoáy “vọc iPhone” mới… Nhiều người sẵn sàng bán rẻ iPhone 4, 4S chưa xài bao lâu, còn rất mới, để tậu dòng iPhone mới chỉ nhằm thỏa chí tò mò.
Nguyễn Đông, 28 tuổi, nhân viên một công ty ở quận 11 - TPHCM, cho biết vừa bán chiếc iPhone 4 với giá 8 triệu đồng rồi bù thêm gần 15 triệu đồng đổi iPhone 5 khi thấy cậu bạn thân vừa sắm cái tương tự. Hỏi sao điện thoại còn xài tốt, nhiều tính năng không dùng đến đã bán để mua mẫu mới, cậu trả lời tỉnh queo: “Phải sắm cho bằng bạn bè, hàng công nghệ mà, nhanh lỗi mốt lắm!”...
Trong khi đó anh Hữu, nhà ở quận 10, một “tín đồ” của hãng công nghệ Apple, cho biết hiện anh đang có các dòng iPhone 3, 4S và mới đây là iPhone 5, chưa kể chiếc máy tính bảng iPad thế hệ 3. “Lúc đầu, tôi tậu đủ các dòng máy từ đời đầu đến giờ của iPhone, rồi các dòng iPad nhưng sau bán đi một vài món vì ít dùng đến. Chiếc iPad mới giờ cũng để cô con gái nghe nhạc, chơi game” - anh nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, lúc iPhone 5 mới ra chưa về đến Việt Nam, nhiều người còn lùng sục đặt hàng trước và nói rằng phải mua bằng được dù giá rất đắt. Giá iPhone 5 về đến Việt Nam nhiều người “phỏng tay” bỏ ra gần 30 triệu đồng mới có được. Trong các quán cà phê, trung tâm thương mại tại những TP lớn như Hà Nội, TPHCM… nhiều “tín đồ” công nghệ không ngừng khoe mặt hàng xa xỉ này.
Điều đáng nói là không chỉ những người có điều kiện mà nhiều người kinh tế khó khăn nhưng vì muốn “bằng bạn bè” cũng vay mượn tiền để tậu hàng xa xỉ. Kết quả là thị trường tiêu thụ hàng công nghệ Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ trong dòng chảy công nghệ của thế giới nhưng sự xài sang, thích hàng ngoại của người dùng giúp các mặt hàng công nghệ mới trở nên hút hàng tại Việt Nam.
Tiêu tốn quá nhiều ngoại tệ
Thống kê của Tổng cục Hải quan chỉ tính trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 3,44 tỉ USD, tăng 92% so với cùng kì. Nếu tính cả số lượng điện thoại được mang về theo đường xách tay, con số này còn lớn hơn nhiều.
Theo kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường IDC Việt Nam, dù thị trường điện thoại di động Việt Nam trong Q2/2012 có sự sụt giảm so với quý trước nhưng vẫn tăng trưởng 2 con số, ở mức 10,9% so với cùng kì năm trước. Nếu so với nhiều mặt hàng khác trong bối cảnh kinh tế khó khăn, điện thoại di động vẫn tăng trưởng mạnh. Trong đó, 2 tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới là Nokia, Samsung tiếp tục nắm giữ thị phần điện thoại tiêu thụ tại Việt Nam. Nokia kết thúc quý 2 dẫn đầu với tổng số lượng điện thoại chiếm hơn 50% thị trường Việt Nam, còn Samsung tiếp tục thống trị thị trường smartphone Việt Nam.
Điện thoại nhập khẩu và của doanh nghiệp FDI tiếp tục chiếm lĩnh và gần như thống trị thị trường điện thoại Việt Nam một phần không nhỏ là nhờ tâm lí “sính ngoại”, chạy đua theo mốt điện thoại công nghệ của người Việt.
Theo các chuyên gia kinh tế, thói quen tiêu dùng lãng phí, thích xài hàng công nghệ cao cấp, xa xỉ có phần tích cực là kích thích tiêu dùng, đem nguồn thu về cho ngân sách từ thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu... Nhưng ngược lại, theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, hàng xa xỉ về nhiều sẽ tiêu tốn ngoại tệ trong khi các ngành sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu khác cần ngoại tệ không mua được. Nguy hiểm hơn, thói quen tiêu dùng hàng xa xỉ sẽ tạo nên phong trào tiêu dùng không tốt cho giới trẻ khi chạy theo những giá trị ảo...
Có cả nhu cầu ảo
Chuyên viên tư vấn tâm lí Võ Thị Minh Huệ, Công ty Tư vấn Tâm Lí Trẻ, nhận xét công nghệ mới luôn có sức hấp dẫn kì diệu đối với cả người lớn và trẻ em nên xu hướng vươn tới công nghệ cao là dễ hiểu. Nhưng một số người thu nhập không cao vẫn muốn bằng “người này, người nọ” tạo ra nhu cầu ảo bởi cả khả năng kinh tế, sử dụng hiệu quả và sự hiểu biết về công nghệ là chưa tới. Một số người mua và sử dụng chỉ muốn chứng tỏ mình là người sành điệu.
Theo NLĐ
Bình luận