Số lượng quảng cáo quá nhiều làm giảm ấn tượng với người xem.

Theo ước tính của các chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến (QCTT) thì thị phần của ngành này năm 2007 chiếm khoảng 1,5% tổng ngành quảng cáo. So với con số từ 5-12% của các nước phát triển thì tiềm năng của QCTT ở VN rất sáng sủa.

Đông người chưa đủ tạo thị trường hấp dẫn

Theo số liệu của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), hiện có xấp xỉ 19 triệu người, chiếm 22,47% dân số VN thường xuyên tiếp cận với lnternet. Số lượng người sử dụng Internet đông đảo và tăng trưởng nhanh (năm 2007 có thêm 4 triệu người sử dụng so với 2006) là một môi trường tiềm tàng để khai thác QCTT.

Tuy nhiên, QCTT ở Việt Nam mới đang thời kỳ mới khai phá và hình thành. Theo số liệu của Hiệp hội quảng cáo Việt Nam (VAA), trên 80% thị phần quảng cáo trong nước thuộc về các đài truyền hình, sau đó là quảng cáo trên ấn phẩm báo chí. Thị phần QCTT chỉ chiếm hơn 1% tổng thị trường quảng cáo.

Còn theo ước tính của các chuyên gia về QCTT, doanh thu của thị trường QCTT ở Việt Nam vào năm 2006 là 64 tỉ VND, năm 2007 khoảng 160 tỉ VND và trong những năm tới sẽ tăng trưởng 100% để đạt tới con số 500 tỉ VND vào năm 2010. Tuy nhiên doanh thu của QCTT trên tổng ngành QC tại VN ở mức khoảng 1,5% (2007).

Về hình thức, QCTT của Việt Nam chủ yếu hướng tới việc quảng cáo thương hiệu với hình thức logo/banner. Tại các website lớn, logo/banner chi chít bất chấp các tiêu chuẩn về hiệu quả gây ấn tượng (nhiều nhất 4 quảng cáo/một màn hình). Các dạng quảng cáo như qua từ khóa, quảng cáo theo ngữ cảnh, theo hành vi ... còn là những khái niệm mới mẻ. Và hiện, cũng chưa có một chuẩn nào đối với các mẫu thiết kế cho quảng cáo trực tuyến (kích thước, vị trí ...). Điều này khiến khách hàng mất thêm nhiều thời gian và chi phí khi tiến hành quảng cáo tại các website khác nhau.

Khách hàng của QCTT mới chỉ tập trung ở vài ngành. Khảo sát tại những website có đông quảng cáo nhất, những doanh nghiệp đứng ở những vị trí đắt nhất thường là các doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng. Kế đến là các doanh nghiệp, cơ sở trong ngành điện máy, giáo dục, ẩm thực.

Ngoài ra, chưa có một tổ chức đủ uy tín đóng vai trò trung gian để đánh giá một cách khách quan về số lượng người dùng của các website cũng như hiệu quả khi tiến hành QCTT. Và không ít các website thông tin khống về số lượng người dùng. Điều này khiến doanh thu của QCTT ở VN tập trung tại vài trang web có lượng truy cập cao nhất (chủ yếu là các báo điện tử, trang tin tức như VnExpress, Dân Trí, Vietnamnet, 24h.com.vn...) thay vì có thể phân bổ ở các website đặc thù (du lịch, giải trí, thương mại...).

QCTT đợi... thương mại điện tử

"Hiệu quả của QCTT chưa thể cao nếu thương mại điện tử chưa phát triển. Sau cú nhấp chuột, người dùng Internet vẫn chưa thể mua và bán" - một chuyên gia trong lĩnh vực QCTT nhận định về rào cản lớn nhất hiện nay của QCTT. Và thương mại điện tử chưa thể bùng nổ khi thanh toán trực tuyến và hệ thống giao - nhận còn chưa phổ dụng. Vậy là QCTT đứng trước trở ngại lớn của bài toán "con gà - quả trứng".

Một rào cản lớn đối với QCTT nằm ở hạn chế về nhận thức của lãnh đạo các doanh nghiệp đối với lĩnh vực còn khá mới mẻ này. Hiện nay, trong các chương trình xúc tiến thương mại, giá trị của QCTT vẫn chưa được đưa đến với các doanh nghiệp, hoặc rất mờ nhạt do được lồng ghép với vô số những giá trị khác.

"QCTT đem lại giá trị lớn lao và nguồn kinh phí chênh lệch vô cùng lớn so với QC trên truyền hình và báo in do chênh lệch giá thành sản xuất. Trên thực tế, nếu bộ phận marketing của các doanh nghiệp nhìn thấy xu thế tất yếu, nhanh chân "phủ sóng" quảng cáo trên các trang web lớn, doanh nghiệp đó sẽ chiến thắng đối thủ trên mặt trận QCTT" - ông Tâm, Giám đốc Công ty cổ phần QCTT 24h nói.

"Trong tương lai, với sự đầu tư chuyên nghiệp từ các công ty lớn và cú hích từ phía nhà quản lý để TMĐT được phát triển, hy vọng QCTT tại VN sẽ có những bước tiến đáng kể" - ông Tâm hy vọng.

(Theo Lao Động)



Bình luận

  • TTCN (0)