5 năm trước, gần như chiếc TV màn hình phẳng nào cũng có thể khiến bạn "mắt chữ O, mồm chữ A". TV phân giải cao lại càng là của hiếm. Còn ngày nay, TV màn hình phẳng đã áp đảo cả TV truyền thống về doanh số tiêu thụ. TV phân giải cao cũng đã xuất hiện trong 25% số hộ gia đình tại Mỹ, dù giá thành vẫn còn khá đắt đỏ.
Theo dự đoán của giới phân tích, độ sắc nét của hình ảnh và kích cỡ màn hình sẽ tiếp tục "tăng tiến" trong thời gian tới. Tuy nhiên, công nghệ không phải là tất cả với HDTV.
Quan trọng hơn, TV phân giải cao mang đến cho bạn một trải nghiệm thị giác hoàn toàn mới, từ thiết kế, mức độ đơn giản khi sử dụng cho đến hệ thống âm thanh tích hợp.
Nói cách khác, căn phòng giải trí của bạn sẽ ngày càng "ngây ngất" giống rạp chiếu phim. Hãy xem năm 2008 này, thị trường TV sẽ mang đến cho bạn những điều tuyệt vời gì?
"Tắc kè hoa"
Trong một thế giới hậu iPhone, nơi thiết kế là vua, các hãng sản xuất TV đặc biệt chú ý đến "ngoại hình" và tính thời trang của sản phẩm.
Bên cạnh đó, họ cũng tìm mọi cách tích hợp phần mềm với phần cứng theo hướng hoàn hảo nhất, khiến cho người xem không thể dứt ra khỏi chiếc máy.
"Ai cũng cố tìm ra một điểm riêng, độc đáo cho mình. Bạn sẽ thấy điều đó trong laptop, trong ĐTDĐ và cả trong TV nữa", nhà phân tích Paul Gagnon của DisplaySearch bình luận.
Cũng như ĐTDĐ, máy ảnh số và nhiều loại thiết bị điện tử khác, những chiếc TV bắt đầu xuất hiện với vẻ ngoài màu mè, sặc sỡ hơn, thay vì sắc đen bóng cổ điển như trước đây.
Lấy thí dụ, mẫu TV 32 inch LG40 của LG Electronics được đặt trên một bệ đỡ cong cong mềm mại, trong khi những mép vát "mặt tiền" được sơn màu đỏ trông thật nổi bật.
Tương tự, toàn bộ thân sau của mẫu LG60 được sơn đỏ rực, và bạn có thể nhìn thấy dải màu lấp loé ở cả hai bên lẫn mặt trước của sản phẩm.
Cuộc đua "ép xác"
Một điểm nhấn nữa của TV năm nay là mỏng. Hitachi, JVC và LG đều tung ra những mẫu TV mình hạc xương mai với chiều dày dao động từ 1,5-1,7 inch (3,8 - 4,3 cm).
Sản xuất ra những người đẹp TV "eo oắt" quả là một thách thức về mặt công nghệ. Lấy thí dụ, để đạt đến vòng eo 1,7 inch, LG phải thiết kế lại toàn bộ phần mạch bao quanh màn hình LCD, cũng như thiết kế lại phần vỏ máy, loại bỏ những không gian thừa không dùng đến.
Trong tương lai, giới phân tích cho rằng cuộc đua siêu mỏng thậm chí còn quyết liệt hơn. Nhà máy mới xây của Sharp đã bắt đầu sản xuất đại trà những mẫu TV siêu mỏng có kích cỡ màn hình từ 60 inch trở lên.
Bài toán khó đặt ra là: trong một không gian cực kỳ chật hẹp, nhà sản xuất phải làm sao nhồi nhét được càng nhiều tính năng mới càng tốt. Có như vậy, họ mới hấp dẫn được khách hàng trong thời kỳ cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
Dàn loa cải tiến chính là một trong số những tính năng được chăm chút nhất.
Panasonic, Philips, Samsung, Sharp... đều đã bổ sung thêm hệ loa "hướng đất", thay vì chuyển tiếp âm thanh thẳng ra phía trước. Theo giới chuyên gia, công nghệ loa kiểu này sẽ tạo ra âm thanh đầy đặn và nguyên gốc hơn.
LG Electronics thậm chí còn "giấu" loa đằng sau vỏ máy, chính vì thế, toàn bộ mặt tiền TV trông thật trơn nhẵn và óng ả. Tại CES 2008, JVC đã giới thiệu một series TV tích hợp bệ đỡ iPod, cho phép bạn nghe nhạc và xem video lưu trong iPod ngay trên màn hình TV của mình.
Nối mạng
Một xu hướng mới của năm nay là TV có khả năng nối mạng Internet. Đi đầu cho trào lưu này là hai hãng HP và Sony.
Nếu như HP cài đặt phần mềm Windows Media Center Extender cho tất cả các dòng PC xuất xưởng trong năm 2008 (cho phép TV của bạn truy cập vào các nội dung multimedia lưu trong PC thông qua mạng LAN gia đình) thì Sony sẽ bổ sung thêm tính năng Digital Media Extender cho các dòng TV của mình.
Cũng tại triển lãm CES 2008 vừa qua, Sharp đã giới thiệu một số mẫu TV có trang bị dịch vụ Aquos Net (cho phép tiếp nhận các nội dung Web tuỳ biến).
Panasonic trình làng dịch vụ VieraCast (cho phép xem video trên YouTube và xem ảnh số Picasa trên TV) còn Samsung thì trưng bày mẫu TV nhận được tin tức thời sự cập nhật từ website USA Today.
Cũng như tất cả các tính năng "hoa lá cành" khác, những cải tiến nói trên có thể sẽ "ra đời hôm nay" để rồi biến mất vĩnh viễn ngay ngày mai.
Thách thức đặt ra cho nhà sản xuất là phải làm sao cân bằng giữa tính năng với giá thành để thuyết phục người dùng móc ví cho được.
"Nâng giá bán để bổ sung thêm tính năng mới là một canh bạc mạo hiểm. Nếu như tính năng đấy không thể cất cánh, không chỉ người dùng phí tiền mà ngay cả nhà sản xuất cũng ném tiền qua cửa sổ", ông Gagnon cho biết.
(Theo Vietnamnet/PC World)
Bình luận