Theo thông tin mới nhất từ Cục Viễn thông, trên thị trường dịch vụ thông tin di động, thị phần của 3 doanh nghiệp (Viettel, Mobifone và VinaPhone) có tốc độ tăng trưởng dưới 1%.
Trong Hội Nghị Mobile Vietnam 2012, bà Trần Nhật Lệ, Phó trưởng phòng cơ chế chính sách và quy hoạch, Cục Viễn thông cho biết, xét về mặt phân bố thị phần, thị trường dịch vụ thông tin di động cuối tháng 12/2011 đến 6/2012 đã có sự thay đổi các nhà khai thác dịch vụ, cuối tháng 3/2012, EVN Telecom đã sát nhập vào Viettel, trên cơ sở đó mạng EVN Mobile trước do EVN Telecom quản lí đã chuyển sang Viettel. Và vào ngày 17/9, thương hiệu Beeline đã được đổi thành thương hiệu Gmobile.
Như vậy, trên thị trường thông tin di động Việt Nam hiện nay có 6 nhà khai thác dịch vụ chính, trong đó có 3 mạng lớn đó là Viettel, MobiFone và VinaPhone với thị phần tương ứng là 40%, 18,45%, và 30% (tính đến tháng 6/2012); khoảng hơn 10% còn lại thuộc về 3 nhà mạng (Gmobile, Vietnammobile, S-Fone).
Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2012 thì 3 doanh nghiệp trên có tốc độ tăng trưởng không được như năm 2011, % thị phần của 3 doanh nghiệp đều dưới 1%, bên cạnh đó 2 doanh nghiệp nhỏ là S-Fone, Vietnamobile có sự suy giảm về tốc độ tăng trưởng. Trong đó, thị phần S-Fone từ 0,1 % (cuối năm 2011) còn 0,02 % (tính đến tháng 6/2012); Với Vietnamobile từ 8,04% xuống còn 5,92%; Chỉ riêng thị phần Gmobile có sự tăng trưởng đáng kể, từ 3,21% lên 4, 63%.
Đối với một thị trường thông tin di động có 6 nhà khai thác chính như hiện nay và là một trong những thị trường có sự cạnh tranh mạnh mẽ trong xã hội thì việc quản lí cạnh tranh thị trường này sẽ được điều chỉnh bằng 2 hệ thống pháp luật (luật cạnh tranh năm 2004; những quy định về quản lí cạnh tranh đặc thù được quy định trong luật Viễn thông được ban hành năm 2009). Và “Chúng tôi sẽ đảm bảo trên thị trường có ít nhất 3 nhà mạng lớn. Các doanh nghiệp viễn thông dù lớn hay nhỏ cũng sẽ phải hoạt động dưới sức ép của sự cạnh tranh”, bà Trần Nhật Lệ nhấn mạnh.
Theo tgs.vn
Bình luận