Theo những thay đổi mới nhất trong đạo luật DMCA, việc mở khóa điện thoại mà không có sự đồng ý của nhà mạng viễn thông sẽ bị xem là phạm pháp.
Tương tự, việc jailbreak (bẻ khóa hệ điều hành) máy tính bảng và trích xuất nội dung (rip) trong một đĩa DVD thành dạng file kĩ thuật số cũng sẽ bị xem là bất hợp pháp. Đây là kết quả của đợt cập nhật và bổ sung nội dung của Đạo luật bản quyền thiên niên kỉ kĩ thuật số (Digital Millenium Copyright Act – DMCA) mới nhất, vốn được thực hiện ba năm một lần.
Jailbreak điện thoại: hợp pháp
Bắt đầu từ năm 2010, DMCA đã công nhận tính chất hợp pháp của việc jailbreak cho điện thoại thông minh (smartphone), là thuật ngữ chỉ hành vi can thiệp sâu vào hệ thống gốc của thiết bị nhằm cài đặt những ứng dụng theo ý muốn người dùng.
Sau ba năm, điều khoản này vẫn được giữ nguyên.
Jailbreak máy tính bảng: bất hợp pháp
Trái ngược hoàn toàn với điện thoại di động, điều chỉnh mới nhất của DMCA đang gây bức xúc cho không ít người khi tuyên bố việc jailbreak máy tính bảng là "bất hợp pháp".
Vậy lí do cho sự “phân biệt đối xử” giữa điện thoại thông minh và máy tính bảng là gì? Theo định nghĩa của DMCA, khái niệm “máy tính bảng” (tablet) lại có thể dùng cho cả máy đọc sách điện tử (e-reader), máy chơi game cầm tay hay thậm chí cả… laptop. Do sự thiếu rõ ràng trong cách quy định tên gọi này, mà việc jailbreak đã chính thức bị xem là bất hợp pháp.
Mở khóa (SIM) mạng viễn thông cho điện thoại di động: bất hợp pháp
Từ năm 2006 đến 2010, DMCA đã luôn cho phép việc mở khóa mạng viễn thông (unlock) để người dùng tùy ý thay đổi lựa chọn nhà mạng di động của mình. Hoạt động này giờ đây bị DMCA chỉ định là bất hợp pháp, tuy nhiên, cũng đi kèm một “lối thoát” nhỏ: người dùng có quyền mở khóa mạng với điều kiện thiết bị của họ phải được mua từ một nhà mạng viễn thông hoặc nhà bán lẻ chính thức trong vòng 90 ngày kể từ khi đạo luật chính thức có hiệu lực vào ngày 28/10/2012.
Trích xuất dữ liệu từ đĩa DVD: bất hợp pháp
Việc trích xuất (rip) dữ liệu từ một đĩa DVD để xem trên các thiết bị không hỗ trợ ổ quang, chẳng hạn như máy tính bảng, đã bị DMCA liệt vào nhóm “bất hợp pháp”. Việc trích xuất nhạc từ đĩa CD cũng không là ngoại lệ.
Điều khoản này gây tranh cãi bởi cùng lúc đó, các hiệp hội âm nhạc và ghi âm lớn của Mỹ là MPAA và RIAA lại ủng hộ người dùng thực hiện hành vi trên.
Cuối cùng, theo DMCA, việc trích xuất nội dung số từ đĩa DVD/CD chỉ được xem là hợp pháp khi đó là một “trích đoạn ngắn của một phim điện ảnh dùng cho mục đích phê bình hoặc bình luận”, và chỉ được dùng trong các đoạn phim mang tính chất phi thương mại, tài liệu và dạy học.
Sửa đổi máy chơi game: bất hợp pháp
Việc sửa đổi tính chất của một máy chơi game để buộc nó chạy được những phần mềm như ý muốn người dùng vẫn bị DMCA xem là bất hợp pháp, bởi việc này đòi hỏi sự can thiệp sâu vào phần mềm của nhà sản xuất (firmware), vốn được bảo vệ bởi luật bản quyền.
DMCA, viết tắt của Digital Millenium Copyright Act (tạm dịch: Đạo luật bản quyền thiên niên kỉ kĩ thuật số) là đạo luật chuyên dùng để bảo vệ quyền lợi của tác giả đối với các tài sản trí tuệ của họ.
Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton kí thành luật vào ngày 28/11/1998, DMCA được tạo ra với mục đích bảo vệ mọi sản phẩm của công nghiệp phần mềm máy tính, bản quyền của mọi nội dung trí tuệ trên Internet, cũng như đi kèm các biện pháp trừng phạt những ai vi phạm thông qua các hình thức bẻ khóa, sao chép, kinh doanh và phát tán trái phép phần mềm…
Đối với chủ sở hữu các trang web, DMCA khống chế đối tượng này phải có nghĩa vụ loại bỏ những nội dung bị cho là vi phạm trên trang web của họ. Những công cụ tìm kiếm trực tuyến khổng lồ như Google, Bing, Yahoo! Search… cũng phải tuân thủ DMCA bằng cách gỡ bỏ mọi đường dẫn, cũng như kết quả tìm kiếm liên quan đến một nội dung bị DMCA liệt kê vào danh sách vi phạm đạo luật này.
Theo Nhịp Sống Số - TTO
Bình luận