Phát hành smartphone, thu hút người dùng vào hệ sinh thái di động của mình... hai "ông lớn" đang tăng tốc để đẩy hệ điều hành di động của mình lên vị trí cao hơn.
Ngày hôm qua, Microsoft và Google cùng tung ra các thiết bị di động mới.
"Đó là một trong những thiết bị tốt nhất", Giám đốc điều hành Steve Ballmer tự hào nói về dòng điện thoại thông minh mới của Microsoft tại buổi ra mắt. Smartphone của Microsoft dự kiến sẽ được bán thông qua các nhà mạng trong tháng 11.
Google, mặc dù đã hủy bỏ sự kiện phát hành Android 4.2 ở New York vì cơn bão Sandy, vẫn công bố điện thoại thông minh Nexus 4 mới với giá khởi điểm 299 USD cùng hai máy tính bảng Nexus 7 (199 USD) và Nexus 10 (399 USD). Tất cả sẽ chạy phiên bản hệ điều hành mới nhất Android (4.1) Jelly Bean và sẽ được bán ngay trong đầu tháng 11.
Khác với Microsoft, Google sẽ không bán qua các nhà mạng mà cung cấp bản "mở khóa", có nghĩa là nó không bị ràng buộc với một nhà mạng nào cụ thể. Điều này giúp khách hàng tránh được các hợp đồng dài (thường là 2 năm, hầu hết các nhà mạng ở Mỹ đều yêu cầu điều này) để giảm giá trên các thiết bị mà họ bán.
Việc Google, Microsoft cùng ra mắt các smartphone mới cho thấy cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa hai "gã khổng lồ" này.
Hệ điều hành của một công ty được sử dụng sẽ giúp thúc đẩy người dùng sử dụng các ứng dụng, nhạc, sách và các dịch vụ khác trong cùng hệ sinh thái. Google đang thực hiện điều này thông qua kho ứng dụng Google Play, Apple thông qua App Store. Microsoft cũng đã mở Windows Store. Ý tưởng của những gã khổng lồ này là gài người dùng vào các nội dung vốn rất đầy đủ để họ không rời khỏi nền tảng phần mềm và thiết bị cụ thể mà trung thành với hệ sinh thái cụ thể.
Cho đến nay, Google đã có thể "thu hoạch" từ hoạt động tìm kiếm trên điện thoại di động, công cụ tìm kiếm của Google được cài mặc định trên tất cả các thiết bị Android. Microsoft cũng sẽ làm tương tự với công cụ tìm kiếm Bing trên điện thoại thông minh mới của mình.
Nhà phân tích Van Baker của Gartner chỉ ra rằng hầu hết người tiêu dùng sẽ dính chặt vào hệ điều hành mà họ biết, vì vậy, các nhà mạng cũng nên thúc đẩy vị thế của Microsoft trên thị trường, đưa ra những tính năng cạnh tranh giữa các hệ điều hành. Tuy nhiên, Microsoft vẫn còn một chặng đường dài để đi trước khi trở thành hệ điều hành thống trị thứ ba.
"Họ không muốn Apple và Google kiểm soát hết các 'trận địa'", Baker nói. "Microsoft là một ứng cử viên mạnh mẽ cho hệ sinh thái thứ ba. Họ (Microsoft-NV) chắc chắn chi đủ tiền (cho quảng cáo)”.
Dù vậy, Microsoft đã từ chối tiết lộ số tiền sẽ chi cho quảng cáo các thiết bị di động mới của mình.
Mặc dù Windows là hệ điều hành máy tính để bàn phổ biến nhất, nó lại trở nên cồng kềnh đối với các thiết bị di động nhỏ gọn. Số liệu phân tích từ comScore cho thấy tỉ lệ phần trăm của các điện thoại thông minh đang hoạt động chạy Windows ở Mỹ đã giảm từ 4,0% trong tháng 4/2012 xuống 3,6% trong tháng 7/2012. Ngược lại, Android của Google tăng từ 50,8 lên 52,2% và iOS của Apple từ 31,4 lên 33,4% so với cùng thời gian.
Baker cho biết một ứng viên nặng kí, Research in Motion (RIM với điện thoại Blackberry), có thể trở lại và tham gia vào cuộc cạnh tranh vị trí thứ ba dù điều này ít có khả năng xảy ra. Công ty Canada chỉ còn 9,5% thị phần hệ điều hành di động tại thị trường Mỹ.
Theo PC World VN
Bình luận