Dạy kĩ năng cho học sinh ở thế kỉ 21 là nội dung được tranh luận sôi nổi tại hội thảo "Kĩ năng học tập thế kỉ 21 tại khu vực Đông Nam Á” được diễn ra chiều 27/10 vừa qua tại Hà Nội.
Đây là buổi hội thảo nhận được sự quan tâm, góp ý của các chuyên gia giáo dục đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á xoay quanh vấn đề định hướng kĩ năng giáo dục cho học sinh Việt Nam trong thế kỉ 21.
Tại hội thảo nhiều câu hỏi được đặt ra và bàn luận: tại sao dạy kĩ năng thế kỉ 21 lại là một thách thức? Chúng ta cần trang bị những gì cho học sinh trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu phát triển chung của nền giáo dục?
Bước sang thế kỉ 21 khi cuộc sống của chúng ta có nhiều sự biến động và thay đổi, chúng ta đang sống trong một thế giới “không biên giới”, với máy tính, điện thoại di động… chính vì thế tất cả những hành vi, hoạt động của chúng ta cũng thay đổi theo một cách chóng mặt.
Theo tổng cục thống kê Việt Nam tới tháng 9/2012 nước ta có tới 128,1 triệu thuê bao điện thoại, trong đó có tới 116 triệu thuê bao di động, có 4 triệu thuê bao Internet và có tới 31.1 triệu người dùng Internet thường xuyên. Việt Nam đứng thứ 8 ở khu vực châu Á và đứng thứ 20 trên thế giới với số lượng người dùng Internet nhiều nhất.
Nhìn chung, chúng ta đang sống với công nghệ mới, tác động từng giờ, từng ngày gần như thay đổi mọi nhu cầu của chúng ta từ người trẻ đến người già, công nhân hay kĩ sư… tất cả đứng trước những thách thức của thay đổi và đã thay đổi.
Thế nhưng nền giáo dục của chúng ta nói chung vẫn chưa có gì thay đổi đặc biệt hơn cả so với những gì đã xảy ra ở thế kỉ 20.
Tại hội thảo TS. Phạm Phương Luyện (Nguyên Chủ nhiệm Khoa ngôn ngữ và văn hóa Anh - Mỹ, ĐH Ngoại Ngữ, ĐHQG, Hà Nội) chia sẻ rằng: nếu chúng ta không tăng cường kĩ năng tư duy, tương tác và phân tích trong chương trình giảng dạy thì học sinh khi ra trường sẽ không kiếm được công ăn việc làm. Vì thế nếu các trường muốn thực hiện chức năng đào tạo giáo dục của mình thì nhất thiết phải cung cấp cho người đọc những chương trình, khóa học để đào tạo học sinh thành người lao động đáp ứng được yêu cầu công việc hiện nay với những kĩ năng, chuyên môn sâu, sáng tạo.
TS cũng nhấn mạnh: cốt lõi nhất vẫn là khả năng nắm bắt kiến thức một cách nhanh nhất rồi vận dụng kiến thức đó vào công việc và kĩ năng xử lí vấn đề, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng làm việc theo nhóm, kĩ năng sử dụng công nghệ và kĩ năng sáng tạo. Lớp kĩ năng gồm 3 loại: thứ 1: biết phương pháp học tập sáng tạo thông qua rèn luyện tư duy; thứ 2: biết sử dụng các phương tiện thông tin truyền thông; thứ 3: biết văn hóa ứng xử, văn hóa làm người. Con người lao động trong thế kỉ 21 vừa phải năng động sáng tạo vừa có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng xã hội.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Trung, Giám đốc DTT thì cho rằng: Mô hình hợp tác công – tư, cho phép nhà trường, phụ huynh tự chủ môn học, đó là sự đột phá trong giáo dục, mà chúng ta cần tham khảo. Ở Việt Nam đã áp dụng mô hình hợp tác công tư trong một số lĩnh vực và thành công ở lĩnh vực xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, áp dụng sang ngành giáo dục thì rất khó, bởi rào cản tâm lí rất lớn. Xã hội thay đổi từng ngày, phương pháp tư duy cũng cần phải thay đổi liên tục. Trước đây có 2 loại tư duy: tư duy logic và tư duy xã hội. Giờ phải là tư duy phản biện, phê phán kết hợp với công cụ giải quyết vấn đề là công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin.
Việc dạy kĩ năng thế kỉ 21 cho học sinh đang được đặt ra một cách cấp bách và cần thiết để nền giáo dục nước nhà có những thay đổi đáng kể trong tương lai trên nền tảng khoa học – công nghệ. Như vậy, một thế hệ học sinh sau khi ra trường sẽ vững chắc về kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, sáng tạo… Tất cả có thể đáp ứng như cầu cho sự phát triển bền vững và mạnh mẽ của đất nước trong tương lai.
Theo Tgs.vn
Bình luận