Một cuộc đua marathon dài hơi hơn và phức tạp hơn bất kỳ cuộc đua tài nào tại Thế vận hội 2008 đang diễn ra trong chốn hậu trường, mà "đấu thủ thi tài" không ai khác chính là các doanh nghiệp công nghệ.
Nhìn xa, khu tháp Digital Beijing trông đầy vẻ bí ẩn với lớp kính đen sì. Các toà nhà nối đuôi nhau san sát như một hàng chip máy tính khổng lồ. Sát ngay cạnh đó là Trung tâm Thể thao dưới nước Quốc gia, hay còn được gọi là "Khối lập phương nước" và Sân vận động Quốc gia, vốn được người Trung Quốc ưu ái đặt cho cái tên "Tổ chim".
Bên trong khu tháp, các hệ thống máy tính do gã khổng lồ IT Atos Origin vận hành đang được chạy thử, kiểm tra và hoàn thiện lần cuối nhằm đảm bảo sẽ không có bất cứ sơ suất nào xảy ra trong thời điểm 8/8 - 24/8 tới đây.
Atos Origin là đối tác IT quan trọng của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), phụ trách công việc thiết kế, xây dựng và vận hành cơ sở hạ tầng IT sẽ cung cấp kết quả, trận đấu và thông tin về từng vận động viên tới cho báo giới, người xem trên khắp thế giới.
Hãng này cũng thiết kế sơ đồ mạng lưới dành cho hệ thống giao thông, khách sạn và nhiều dịch vụ "sống còn" khác của Thế vận hội. Thiếu chúng, Olympic Bắc Kinh sẽ chìm trong thảm họa.
Trên tầng thứ 11, một biểu ngữ to tướng căng ngang tường: "Tại Olympic, không bao giờ có cơ hội thứ hai".
Những nguy cơ, hiểm họa (cả đã biết lẫn chưa biết) đều được phân tích tỉ mỉ. Tất cả hệ thống đều được dự phòng (back-up) bởi kế hoạch B, kế hoạch C và thậm chí là cả kế hoạch D nữa.
"Riêng trong trường hợp này, càng thừa càng tốt", Phó Chủ tịch Patrick Adiba của Atos tuyên bố.
Cẩn tắc vô áy náy
Sự "cẩn tắc vô áy náy" của hãng được thể hiện ở việc Atos đã xây nguyên một trung tâm dữ liệu "tái tạo" tại một địa điểm bí mật ở Bắc Kinh. Nơi đây sẽ trở thành "đầu não thần kinh" của toàn bộ sự kiện trong trường hợp hội sở chính gặp phải sự cố.
"Chúng tôi cần phải sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Địa điểm của trung tâm dự phòng là tuyệt mật", ông Adiba cho biết.
Atos Origin bắt đầu phụ trách nền tảng IT cho các kỳ Thế vận hội kể từ Olympic Mùa đông 2002 cho tới nay. Hãng cũng sẽ là đầu mối phụ trách IT cho Thế vận hội Mùa đông Vancouver 2010 và Olympic mùa hè London 2012.
"Kể từ Thế vận hội 2002, mỗi một kỳ Olympic lại là một cuộc đua chóng mặt, nơi các công nghệ mới, các phương pháp và kỹ thuật mới được đưa vào áp dụng".
Ông Jeremy Hore, Giám đốc tích hợp hệ thống máy tính, cho rằng "chạy thử" và kiểm tra chính là chìa khóa đảm bảo thành công cho một sự kiện quy mô và phức tạp nhường này.
"Chúng tôi kiểm tra đi kiểm tra lại, không chỉ với hệ thống mà ngay cả con người cũng phải kiểm tra. Có lẽ riêng số giờ chạy thử cũng đã vượt quá 200.000 tiếng đồng hồ rồi".
Tháng 10 năm ngoái và tháng 1 năm nay, Digital Beijing đã tiến hành "chạy thử" Thế vận hội trên mô hình. Toàn bộ 17 ngày thi đấu đã được "nén" lại thành 8 ngày, mỗi ngày 7 tiếng đồng hồ.
Các kỹ sư của Atos gần như căng người để đáp ứng tốc độ và sự căng thẳng mà Olympic hứa hẹn "mang lại" cho họ, nhất là khi hệ thống máy tính mà họ điều khiển có giá lên tới hàng triệu USD.
Đến cuối tháng 3 và tháng 6, hai đợt tổng duyệt nữa sẽ lại được tổ chức. Lần này, bên cạnh nhóm điều hành, Atos sẽ cử ra một nhóm nữa đóng vai "hacker". Họ sẽ tìm mọi cách phá rối và gây mất trật tự càng nhiều càng tốt, y hệt như một cuộc chiến thực sự.
"Mọi người cần phải được huấn luyện và sẵn sàng tối đa. Nên nhớ: Không bao giờ có cơ hội thứ hai tại Olympic", ông Hore mỉm cười.
(Theo Vietnamnet/AFP)
Bình luận