Dù chương trình “đổi máy cũ lấy máy mới” được nhiều hãng và doanh nghiệp kinh doanh smartphone, MTB trong nước liên tiếp tung ra với những chính sách khác nhau, song hầu hết đều khó hấp dẫn người tiêu dùng do lo ngại bị “ép giá”.

Ồ ạt kích cầu bằng chiêu “đổi máy”

Tại thị trường Việt Nam, vài năm trở lại đây người tiêu dùng điện thoại không còn xa lạ với các chương trình “đổi điện thoại cũ lấy mới” được nhiều doanh nghiệp tung ra (trong đó, các địa chỉ thu mua hầu hết đều nhắm đến các sản phẩm smartphone, MTB đời mới, giá trị cao).

Nếu điểm mặt một số doanh nghiệp trong nước từng thực hiện chương trình này thì có thể kể đến FPT Shop, Thế giới di động, Viễn thông A… cùng nhiều địa chỉ siêu thị, cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ khác. Hay hiện tại thì có F.Store Hai Bà Trưng (Hà Nội) đang chạy chương trình “Đổi máy cũ lấy máy mới” áp dụng đối với iPad 2 và các dòng máy tính bảng Samsung Galaxy.

Ngoài ra, việc “đổi cũ lấy mới” cũng được một số hãng điện thoại thực hiện theo từng thời điểm nhất định. Như HTC với chương trình tặng phiếu mua hàng từ 300.000 – 1.000.000 đồng để hỗ trợ khách hàng sau khi bán “dế” cũ nếu muốn mua smartphone của hãng này; Samsung với chương trình đổi điện thoại cũ lấy Galaxy Y. Hay mới đây là chương trình đổi Galaxy Note lấy Galaxy Note II được tổ chức với số lượng hạn chế hồi tháng 10/2012…

Trong thực tế, bản chất của các chương trình “đổi máy cũ lấy máy mới” chỉ là chuyện các doanh nghiệp thu mua lại điện thoại cũ của khách hàng: Chiếc điện thoại cũ của người tiêu dùng mang đến được định giá ở mức nào thì các địa chỉ kinh doanh sẽ đổi cho họ chiếc điện thoại mới giá tương đương (tùy từng nơi); hoặc nếu người mua có nhu cầu “đổi” lấy chiếc smartphone đắt tiền hơn, họ sẽ phải rút ví chi thêm khoản chênh lệch.

Thông thường, việc định giá tại các hệ thống bán lẻ được áp dụng theo thang điểm và các chính sách khác nhau của từng doanh nghiệp. Ví dụ như FPT Shop, đại điện doanh nghiệp này cho hay sẽ kiểm tra tình trạng máy theo từng bộ phận với thang điểm có sẵn trong danh sách để đưa ra mức giá hợp lí nhất cho khách hàng.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì người tiêu dùng hiện không mấy hào hứng với những chương trình “đổi cũ lấy mới” bởi bên cạnh những doanh nghiệp uy tín, thì trong thời gian qua đã có không ít nơi luôn định giá máy thấp hơn so với giá trị thực, rồi sau đó “ép” giá chiếc smartphone, MTB xuống thấp từ hàng triệu cho tới vài triệu đồng so với giá trị có thể bán được.

Hạn chế bị ép giá cách nào?

Để tránh trường hợp bị “ép giá”, bị “hớ” khi mua điện thoại mới theo hình thức nói trên thì theo những người có kinh nghiệm, người tiêu dùng nên “chịu khó” đi tham khảo kĩ lưỡng trước từ 2 – 3 địa chỉ nhận mua máy cũ để xác định được một mức giá tốt nhất (nhất là với smartphone, MTB giá trị từ 7 triệu đồng đến hàng chục triệu đồng trở lên).

Ngoài ra, hiện nay ngay tại thị trường Hà Nội cũng không hiếm chuyện các cửa hàng dù tung chiêu “hỗ trợ giá” để câu khách (như tặng thêm 500.000 đồng để khách hàng mua máy mới của một hãng nào đó) nhưng trong thực tế giá bán của chương trình lại thực hiện theo đúng giá bán lẻ đề xuất của hãng.

Anh Nguyễn Tuấn, một người kinh doanh điện thoại tại đường Xuân Thủy (Hà Nội) khuyến cáo: Giá bán lẻ đề xuất của các hãng đều cao hơn so với mức giá bán thực tế tại hầu hết các điểm kinh doanh sản phẩm chính hãng. Giữa lúc sức mua yếu như hiện nay thì chẳng mấy doanh nghiệp lại đi bán theo đúng mức giá này. Chính vì vậy, người tiêu dùng ít kinh nghiệm có nhu cầu đổi máy mới cần tham khảo kĩ giá bán qua website để tránh bị các điểm bán qua mặt, đổ cho phần thiệt.

Bên cạnh đó, hiện không ít siêu thị tung chương trình “đổi máy cũ lấy máy mới” theo kiểu “đóng khung”, nắm chắc phần lời một cách… “lộ liễu” khiến khách hàng không mấy hào hứng. Ví dụ như Media Mart hồi tháng 7/2012 bán Samsung Galaxy Pocket S5300 trong chương trình “Đổi máy cũ lấy sản phẩm mới” nhưng yêu cầu khách hàng bắt buộc phải trả thêm số tiền là 1.998.000 đồng, sau đó mới cộng số tiền định giá máy cũ. Trong khi đó, giá bán ở nhiều địa chỉ khác tại thời điểm đó cũng chỉ 2,2 triệu đồng, bảo hành chính hãng.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (1)
Tro Choi Vui  373

Đổi cũ lấy mới cũng nguy hiểm lắm, nếu không cẩn thận thì lợn lành cũng thành lợn què luôn