Đây là những sản phẩm và dịch vụ công nghệ được phô trương ầm ĩ và kì vọng rất nhiều khi ra mắt, song kết quả cuối cùng lại không như mong đợi.

Danh sách này có sự xuất hiện cả những hãng công nghệ đang ăn nên làm ra như Google, Apple và tất nhiên có cả những công ty đang bết bát như Nokia, RIM.

Nexus Q

Nexus Q được Google giới thiệu tại sự kiện các nhà phát triển Google I/O 2012. Đó là thiết bị giải trí đa phương tiện giá 299 USD chạy hệ điều hành Android ra đời để cạnh tranh với Apple TV và Roku.

Thay vì là một thiết bị độc lập, Nexus Q cần kết nối với smartphone hoặc máy tính bảng Android qua Wi-Fi để truy cập vào các dịch vụ của Google, truyền phim hoặc nhạc và chuyển chúng tới TV, loa hoặc máy tính. So với các thiết bị cạnh tranh giá trên 100 USD của Apple và Roku, Nexus Q quá đắt đỏ. Chính vì vậy, Google đã quyết định "ỉm" Nexus Q và không tung nó ra thị trường. Giờ đây, có thể nói Nexus Q là một "thất bại" của năm 2012.

Bản đồ của Apple trên iOS 6

Hệ điều hành iOS 6 ra mắt với nhiều cải tiến, trong đó thay đổi đáng chú ý nhất và cũng bị chê nhiều nhất là ứng dụng bản đồ Apple Maps thay thế Google Maps trong các phiên bản hệ điều hành trước.

Người dùng hi vọng ứng dụng bản đồ của Apple ít nhất cũng phải bằng ứng dụng bản đồ của Google trên mọi khía cạnh. Nhưng khi iOS 6 ra mắt và iPhone 5 cập bến thị trường, mọi người nhanh chóng nhận ra chất lượng chỉ đường và định vị của Apple Maps hoàn toàn không chính xác, tính năng 3D hiển thị hình ảnh các toà nhà cũng như các thắng cảnh cũng bị méo mó đến hài hước.

Chất lượng tệ hại của ứng dụng bản đồ được coi là một nỗi xấu hổ của Apple. Nó khiến CEO Tim Cook phải công khai xin lỗi tất cả mọi người: "Tại Apple, chúng tôi cố gắng đưa ra những sản phẩm đẳng cấp thế giới, mang lại những trải nghiệm tốt nhất có thể cho khách khàng. Với việc ứng dụng bản đồ mới vừa ra mắt, chúng tôi đã bỏ rơi cam kết này. Chúng tôi vô cùng xin lỗi vì sản phẩm của mình đã khiến khách hàng tức giận".

Khi một sản phẩm ra mắt mà khiến CEO phải cúi đầu xin lỗi, thì đó là một "thất bại".

Android Ice Cream Sandwich

Android 4.0 Ice Cream Sandwich được công bố tại sự kiện CTIA ở Hong Kong vào tháng 10/2011. Thiết bị dùng ICS đầu tiên là Samsung Galaxy Nexus bắt đầu bán vào tháng 11/2011 ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Với nỗ lực hợp nhất các phiên bản máy tính bảng và smartphone của hệ điều hành Android, Google đã có tham vọng đưa ICS đến càng nhiều thiết bị càng tốt, nhằm giảm sự phân mảnh - một hạn chế lớn của hệ sinh thái Android so với iOS của Apple.

Đến tháng 11/2012, 1 năm sau khi ra mắt, ICS chiếm khoảng 25% tất cả các hệ điều hành cài trên máy Android. Nhưng nó hoàn toàn mờ nhạt so với Android 2.3 Gingerbread, phiên bản Android chiếm trên 53% các thiết bị Android.

Các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) đã cố gắng cập nhật những máy lõi kép dùng Gingerbread lên Ice Cream Sandwich. Nhưng quá trình này kéo dài tới 1 năm, một số hãng như Motorola Mobility đã phải từ bỏ nỗ lực đó do có quá nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến kĩ thuật.

Vì thế, phiêm bản Android 4.2 Jelly Bean đã nhanh chóng ra mắt thị trường từ cuối mùa hè 2012. Cũng như phiên bản 3.0 Honeycomb trước đó, Ice Cream Sandwich dường như chỉ là một phiên bản chuyển tiếp có tuổi đời ngắn ngủi.

Nokia Lumia 900

Lumia 900 được Nokia phô trương ầm ĩ vì là sản phẩm Windows Phone 7 chủ lực của hãng. Nhưng Lumia 900 nhanh chóng trở nên lỗi thời vì 7 tháng sau đó Nokia đã ra các thiết bị mới dùng hệ điều hành Windows Phone 8.

Đáng chú ý là các thiết bị Windows Phone 7 của Nokia như Nokia 900 và 800 sẽ không được nâng cấp lên Windows Phone 8. Chính vì vậy, từ khi có thông tin về sản phẩm mới chạy hệ điều hành Windows Phone 8, doanh số bán ra của Lumia 900 đã giảm mạnh.

Research in Motion

Còn điều gì chưa được nói về RIM nữa? Toàn bộ công ty dường như đã sụp đổ trong năm 2012. Ban lãnh đạo bị xáo trộn sau sự ra đi của cả hai đồng CEO, doanh số các máy BlackBerry 7 đình trệ, một loạt sản phẩm vẫn tồn kho, công ty thua lỗ trầm trọng và không đạt mọi dự đoán doanh thu của giới tài chính Wall Street, hàng ngàn nhân viên bị sa thải.

Nếu có bất kì công ty nào xứng đáng đứng đầu bảng "thất bại" của năm 2012, đó sẽ là RIM. Nhưng, công ty vẫn đang hi vọng. BlackBerry 10 sẽ ra mắt vào đầu năm tới. Nếu trải nghiệm người dùng tốt và ứng dụng phong phú, RIM có thể sẽ lại trải qua một cuộc cách mạng mới.

AMD

Trong khi có những công ty như RIM hay Nokia ghi tên vào danh sách thất bại vì thua lỗ, khó khăn tài chính, thì AMD lại nằm trong danh sách này vì thiếu sáng tạo trong dòng sản phẩm bán dẫn.

Đã từng bắt kịp Intel về mức giá và hiệu suất trên PC và máy chủ, AMD lại tụt hạng vì không kiểm soát được các vụ sáp nhập và không thể thích ứng với thời đại hậu PC đang thay đổi chóng mặt.

Những khó khăn tài chính khiến nhà sản xuất chip gần đây đã phải giảm giá chip PC, đóng cửa phòng thí nghiệm phát triển nguồn mở ở Đức, cũng như cắt giảm gần 400 nhân viên.

Gần đây, công ty công bố dòng vi xử lí máy chủ Opteron 6300 16 lõi tương thích x86 và các kế hoạch sản xuất chip máy chủ tiêu thụ ít điện dựa trên cơ cấu ARM50 mới. Song AMD vẫn chưa thực hiện lời hứa này trong ít nhất 2 năm, bởi công ty vẫn đang gặp nhiều trở ngại trong thời gian này.

Mozilla Firefox

Mozilla Firefox hiện là trình duyệt web số 2. Vị trí này đang bị Google Chrome đe doạ và dự đoán sẽ bị qua mặt vào cuối năm nay. Trong năm 2012, Mozilla Firefox đã mắc nhiều lỗi nghiêm trọng khiến trình duyệt trở nên chậm chạp hơn.

Từng được khen ngợi vì hiệu suất cao và là trình duyệt thay thế cho Internet Explorer, Firefox bây giờ đã trở thành phần mềm trì trệ. Thậm chí, trình duyệt IE 9 và IE 10 của Microsoft đã chứng tỏ chúng có thể vượt qua Firefox về mặt tốc độ.

Ví điện tử

Năm nay, cả Google và Apple cùng nhau tham gia mặt trận mới là ví điện tử (electronics wallet). Trên lí thuyết, ví điện tử và công nghệ điện toán tầm gần (NFC - Near-Field Computing) là những ý tưởng rất "đúng mốt" – tức là thay vì phải rút ví và tiền mặt hay thẻ tín dụng để thanh toán, bạn rút smartphone và người bán hàng sẽ dùng máy quét (mã vạch hoặc NFC) để khấu trừ tiền thanh toán từ thẻ tín dụng hoặc các chương trình khuyến mãi.

Gần đây, Google ra mắt dịch vụ Google Wallet, còn Apple giới thiệu Passbook tích hợp cùng với iOS6. Tuy nhiên, hiện có rất ít ứng dụng có khả năng tận dụng cơ sở hạ tầng NFC và hệ thống thanh toán mới này. Các hệ thống bán lẻ cũng không đầu tư các thiết bị hỗ trợ các dịch vụ thanh toán NFC của Google và Apple. Thêm nữa, iPhone 5 cũng không hỗ trợ NFC.

Apple Mac Pro (2012)

Apple ra mắt một loại sản phẩm "ấn tượng" trong năm 2012, nhưng Mac Pro không nằm trong số đó. Chiếc Mac Pro 2012 ra mắt không có nâng cấp nào đáng chú ý. Vẫn giữ kiểu thiết kế PC to lớn, cồng kềnh của phiên bản năm 2010 cũng như các linh kiện quen thuộc, phiên bản "mới" của Mac Pro có giá khởi điểm 2.499 USD mà chỉ có một chút cải tiến về tốc độ trên bộ CPU Xeon 6 lõi và lựa chọn ổ SSD. Mac Pro 2012 thậm chí không một cải tiến nào về bộ xử lí đồ hoạ, không tích hợp Apple Thunderbolt Display.

Sony PS Vita

PS Vita là sản phẩm kế nhiệm của PSP (Playstation Portable) và được cho là sản phẩm game video quan trọng nhất trong năm này Sony. Sự ra mắt thiết bị chơi game cầm tay mới này đặc biệt quan trọng đặc biệt bởi Sony đang đối mặt với hàng loạt khó khăn tài chính trong thời gian gần đây.

PS Vita ra vào cuối năm 2011 tại Nhật Bản và bắt đầu bán trên toàn cầu vào tháng 2/2012. Mặc dù có những đặc điểm kĩ thuật ấn tượng và nhận được nhiều nhận xét tốt, song PS Vita thiếu những hỗ trợ phát triển đáng kể, và có giá đắt 249 – 250 USD, khi chỉ dùng để chơi game, không những thế còn lỗi thời về mặt tốc độ, đồ hoạ và các tựa game nói chung so với iPad, iPad Mini, iPod Touch và vô số thiết bị Android khác.

Theo VnReview/ZDNet




Bình luận

  • TTCN (0)