Những phần mềm triệu đô, những câu chuyện về các lập trình viên bỗng thành "đại gia" nhờ phát triển ứng dụng cho smartphone khiến nhiều người ôm giấc mộng làm giàu rồi nhận ra "đời không như là mơ".
Tạp chí The New York Times chia sẻ quá trình viết ứng dụng của đôi vợ chồng trẻ Shawn và Stephanie Grimes, 32 tuổi.
Năm 2011, Shawn, một chuyên gia về bảo mật, rất sốc khi công ty cho thôi việc trong đợt cắt giảm nhân sự. "Tôi làm việc chăm chỉ và cống hiến những gì tốt nhất nhưng rõ ràng, mọi thứ không nằm trong tầm kiểm soát của tôi", anh chia sẻ. Sau đó, Shawn xin vào Google, nơi tiếp nhận nhận 2 triệu đơn xin việc mỗi năm, và bị từ chối dù đã đến được vòng phỏng vấn.
Shawn quyết định dành thời gian viết ứng dụng hoạt động trên iPhone. Anh không ảo tưởng mình sẽ trở nên giàu có mà chỉ hi vọng có một cuộc sống đầy đủ trong nền kinh tế bấp bênh. Stephanie, vợ anh, cũng nghỉ việc ở nhà trẻ để hỗ trợ chồng với quyết tâm "được ăn cả, ngã về không".
Tuy nhiên, với hàng trăm ứng dụng xuất hiện mỗi ngày trên App Store, Shawn sớm nhận ra mảnh đất này đang quá đông đúc và chật chội. Cả hai dự định viết mỗi tháng một ứng dụng, nhưng tiến độ đang chậm lại. Trong tháng 3 vừa qua, tất cả các chương trình của họ chỉ mang lại khoảng 20 USD mỗi ngày. Ngược lại, họ đầu tư khá lớn cho công nghệ như mua iMac 24 inch, màn hình cinema 24 inch, hai máy MacBook Air 13 inch, một MacBook Pro 15 inch, hai iPad 2, hai Apple TV, hai iPhone 4S và một iPhone 3GS. Họ lập luận khi mua các mẫu thiết bị mới: "chúng tôi cần mua để thử nghiệm ứng dụng".
Cuối cùng, Shawn nhận thấy anh cần có một công việc ổn định nên xin làm chuyên gia phát triển ứng dụng cho một công ty ở Oregon (Mỹ) dù vẫn dành thời gian cho sự nghiệp riêng.
Gần 2 năm theo đuổi giấc mơ lấy đi của gia đình Grimes gần 200.000 USD. Họ đã bán xe hơi, một số tài sản và chuyển từ căn hộ 6 phòng ngủ sang căn hộ 2 phòng ngủ. Đổi lại, 8 ứng dụng mà họ viết ra mang đến cho họ vỏn vẹn 4.964 USD trong năm nay. Ngay khi iPhone 5 ra mắt cuối tháng 9, họ không ngần ngại mua ngay hai chiếc.
"Tôi sẽ không dừng lại cho tới khi chết", Grimes quả quyết.
Vượt ra ngoài giấc mơ
Giống như đợt bùng nổ dot-com hơn một thập kỉ trước, ứng dụng di động là nguồn cảm hứng mới cho các doanh nhân trẻ. Họ coi smartphone và tablet như công cụ để khám phá, sáng tạo và chinh phục thế giới. iPhone và iPad hiện có hơn 700.000 ứng dụng, từ Instagram cho tới Angry Birds. Chỉ riêng kho trực tuyến App Store cũng đã tạo ra hẳn một ngành kinh tế tiền tỉ: Apple đã trả hơn 6 tỉ USD cho các chuyên gia phát triển. Instagram được Facebook mua lại vào tháng 4 với giá 1 tỉ USD.
Nhiều câu chuyện khởi nghiệp được đăng tải về những công ty non trẻ với văn phòng chỉ vài người và hoạt động ngay trong bếp ăn nhưng kiếm về hàng triệu USD nhờ viết ứng dụng. Tuy nhiên, những tấm gương như Foursquare, Angry Birds, Instagram, Ninja Fruits hay Cut The Ropes chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong số hàng trăm nghìn ứng dụng đang tồn tại trên thế giới.
Viết được một phần mềm hay đã khó, duy trì được thành công còn khó hơn. Ethan Nicholas, 34 tuổi, từng là một chuyên gia của Sun Microsystems. Là cha của hai cậu con trai, anh cần thêm nguồn thu nhập ngoài. Vì thế, cuối năm 2008, anh dùng thời gian rảnh viết game pháo binh trên iPhone - khi đó vẫn là một sản phẩm đầy mới mẻ với khoảng 11 triệu máy được tiêu thụ (so với con số 270 triệu ngày nay). iShoot bán được 17.000 bản giá 3 USD chỉ trong ngày Chủ nhật 11/1/2009. Sang ngày thứ Hai, anh nghỉ việc. Đến tháng 3 năm đó, Nicholas kiếm được hơn 1 triệu USD.
"Cực kì may mắn, ra đời đúng nơi, đúng thời điểm", anh tổng kết lại nguyên nhân thành công.
Anh cùng với bạn là Brent Miller thành lập công ty với tham vọng tạo ra một ứng dụng triệu đô nữa. Nhưng không có trò chơi nào sau này của họ được như iShoot và cả hai phải chuyển hướng. Họ thành lập echoBase với 14 nhân viên chuyên phát triển ứng dụng cho bác sĩ theo dõi, cập nhật bệnh án.
EchoBase thu hút 4 triệu USD từ các nhà đầu tư nhỏ, trong đó Nicholas và cha con nhà Miller đóng góp 1 triệu USD. "Mọi tiền tiết kiệm và tiền hưu trí của tôi đã ra đi", bố của Brent Miller nói. Họ bắt đầu kiếm được doanh thu khi thu hút 3.200 bác sĩ đăng kí, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước nếu muốn sinh lời.
"Tôi đã may mắn với iShoot bởi thời điểm đó, một ứng dụng khá cũng có thể thành công. Nhưng với sự cạnh tranh khốc liệt ngày nay, khá là chưa đủ", Nicholas khuyến cáo các đồng nghiệp rằng cái thời kiếm tiền dễ dàng từ ứng dụng đã qua.
Theo VnExpress
Bình luận