Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng: "Khái niệm chủ quyền số được đưa ra để đảm bảo việc hoạt động an toàn trên không gian số".

Trong sự kiện Ngày An toàn thông tin 2012 diễn ra ở Hà Nội sáng 23/11, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng chia sẻ kế hoạch đánh giá và dán mác kiểm định các thiết bị số được nhập vào Việt Nam.

Trong tháng 9, dư luận bắt đầu lo ngại khi xuất hiện thông tin một số máy tính sử dụng Windows lậu có xuất xứ từ Trung Quốc chứa mã độc hại. Những hệ thống bị cài virus đã được tìm thấy ở Trung Quốc, Nga, Australia, Đức. Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính VNCERT đánh giá, nếu thiết bị Trung Quốc được mua về các nước khác gặp hiện tượng này thì Việt Nam sẽ không nằm ngoài khả năng đó bởi số lượng máy Trung Quốc ở nước ta khá nhiều, chưa kể tình trạng dùng Windows trái phép và các phần mềm lậu khác cũng thuộc hàng cao nhất thế giới.

Tuy nhiên hiện nay, thiết bị được chuyển về Việt Nam vẫn chưa phải trải qua bất cứ khâu kiểm tra nào về mức độ an toàn thông tin của sản phẩm. Chính vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho rằng việc kiểm định là nhu cầu khách quan: "Sắp tới, chúng tôi sẽ thành lập Cục An toàn thông tin, còn việc đánh giá, dán mác sản phẩm sẽ do Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc bất kì cơ quan, tổ chức nào đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về trình độ và chuyên môn thực hiện".

Cũng theo Thứ trưởng, Nghị quyết 13 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI đã xác định hạ tầng thông tin là một trong các loại hạ tầng cần tập trung phát triển, đồng thời chỉ rõ cần phải "đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, chủ quyền quốc gia về không gian mạng". Vì thế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Hiệp hội An toàn thông tin VNISA và VNCERT chọn chủ đề cho Ngày An toàn thông tin năm nay là "Chung tay xây dựng hạ tầng thông tin an toàn vì chủ quyền số quốc gia".

Theo ông Vũ Quốc Thành, Tổng thư kí VNISA, hiện trên thế giới vẫn chưa có khái niệm cụ thể về chủ quyền số, nhưng đã được nhiều nước đề cập tới. Từ năm 2011, một nhóm các nhà hoạt động công nghệ ở Canada viết thư ngỏ gửi chính phủ nước này là làm sao bảo vệ các dịch vụ đang được cung cấp, triển khai ở Canada nhưng lại dựa và công nghệ của nước ngoài, như một website ở Canada nhưng lại dùng máy chủ đặt ở Mỹ, tức cần có chính sách và luật pháp phù hợp với các dịch vụ đó. Hay chính phủ Nga đang coi việc bảo vệ an toàn thông tin trước các hành vi chống phá hệ thống thông tin của Nga chính là bảo vệ chủ quyền số.

Về việc xác định chủ quyền số, ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc VNCERT, nói: "Có thể hiểu đơn giản rằng chúng ta sở hữu cái gì, ta coi cái gì là của ta thì ta sẽ xác định được chủ quyền với cái đó. Sắp tới, bộ luật về an toàn thông tin sẽ được ban hành và chắc chắn trong đó sẽ đề cập đến chủ quyền số, tuy nhiên cách thức, nội dung ra sao vẫn đang được xem xét".

Trước đó, từ năm 2010, Igor Ashmanov, Giám đốc công ty Ashmanov của Nga và là một chuyên gia trong vấn đề này, khẳng định chủ quyền số quốc gia là quyền và khả năng của một chính phủ trong việc có thể tự chủ và độc lập xác định, thực hiện những chính sách đối nội, đối ngoại trong lĩnh vực thông tin, sở hữu các tài nguyên thông tin của mình nhằm xây dựng và đảm bảo cho hạ tầng thông tin quốc gia.

Theo Số Hóa




Bình luận

  • TTCN (0)