Chính phủ vừa ban hành quyết định cho phép các doanh nghiệp viễn thông được tự ấn định cước dịch vụ của mình. Giới chuyên môn nhìn nhận, động thái này sẽ tạo đà cho những đợt giảm giá có lợi cho người tiêu dùng.

Theo Quyết định số 39 về việc quản lý giá cước dịch vụ viễn thông của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ cuối tháng 6, nhà khai thác dịch vụ được tự quyết định giá cước dựa trên biến động thị trường và lợi nhuận của mình.

Trước thời điểm áp dụng giá cước mới, các doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo với Bộ Bưu chính Viễn thông biết về kế hoạch điều chỉnh. Trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được thông báo, Bộ sẽ phải trả lời đồng ý hoặc không. Nếu từ chối thì phải đưa ra lý do, còn nếu không có câu trả lời, doanh nghiệp được phép áp dụng theo đúng kế hoạch.

Trước đây, theo cách quản lý giá cước cũ, các doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế (trên 30% thị phần) mỗi lần muốn điều chỉnh phải có phương án trình Bộ Bưu chính Viễn thông, trong đó nêu rõ khung giá dự kiến thay đổi. Trên cơ sở khung giá này, Bộ sẽ cân nhắc cho phép doanh nghiệp giảm cụ thể bao nhiêu phần trăm.

Như vậy, điểm mới của Quyết định 39 là dù doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế hay không đều được quyền chủ động về giá.

Một quan chức Tập đoàn VNPT nhận xét, việc cho phép tự định giá cước dịch vụ sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và chủ động cân đối các chính sách bán hàng của mình.

Trước đây, VNPT được xếp vào diện doanh nghiệp chiếm trên 30% thị phần nên bị khống chế về giá cước. Mỗi lần muốn giảm giá, Tổng công ty này phải trình phương án, khung trần - sàn và chờ Bộ quyết định. Trong khi đó, các mạng khác như Viettel hay S-Fone, EVN Telecom... được tự quyết định và chớp cơ hội làm trước.

"Với quy định mới này, các doanh nghiệp sẽ bình đẳng hơn, họ sẽ tự quyết định quyền sống của mình theo hướng lời ăn lỗ chịu. Vấn đề còn lại cách quản lý của Bộ như thế nào", quan chức này nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng kinh tế, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế - xã hội Hà Nội nhận xét: "Việc thả nổi giá cước viễn thông được coi là liều thuốc hữu hiệu mà Chính phủ đưa ra đúng lúc với lĩnh vực được coi là khá cạnh tranh này".

Theo ông, Chính phủ đang có chủ trương bỏ kiểm soát giá đối với nhiều mặt hàng, dịch vụ chiến lược, trong đó có xăng dầu, viễn thông... Tuy nhiên, việc thả nổi giá cước viễn thông không gây biến động nhiều và phạm vi ảnh hưởng của nó không lớn như mặt hàng xăng dầu.

Bởi lẽ thời gian qua thị trường viễn thông đã rất phát triển, cạnh tranh khiến giá cước cũng giảm đáng kể. Trong ngắn hạn, cũng khó có chuyện các doanh nghiệp bắt tay nhau liên minh tăng giá, lũng đoạn thị trường. "Tới đây, sẽ có những đợt giảm giá rất mạnh, có lợi cho người tiêu dùng", ông Phong nhận định.

(Theo Vnexpress) 


Bình luận

  • TTCN (1)
Nemo Nguyen  21665

Kiểu này thì sắp tới... Mobile và Vina sẽ giảm giá cước di động nữa đây.